Các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh mới công bố một nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam từ 0-18 tuổi.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em ở mọi dạng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các nhà khoa học từ Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Việt Nam) và Trường Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Leeds (Vương quốc Anh) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tỷ lệ, yếu tố quyết định, chiến lược can thiệp và những khoảng trống hiện nay trong việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam từ 0-18 tuổi.

Nhóm các nhà nghiên cứu tìm kiếm một cách có hệ thống trên các trang/cơ sở dữ liệu Embase, Scopus, PubMed và Web of Science đến tháng 6/2022 để xác định các bài báo liên quan tới chủ đề này được đăng tải trong 25 năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Trần Việt Hùng
Ảnh minh họa. Nguồn: Trần Việt Hùng

Dựa trên 72 nghiên cứu tìm được, nhóm phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đã giảm theo thời gian, song vẫn còn 22,4%, 5,2% và 12,2% trẻ em dưới 5 tuổi lần lượt bị thấp còi, gầy còm và nhẹ cân. Thiếu máu, thiếu sắt, kẽm và vitamin D là những dạng thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến với tỷ lệ thay đổi theo tuổi tác, khu vực và nhóm kinh tế xã hội. Trong đó, 11% và 48% trẻ em từ 0-11 tuổi lần lượt thiếu sắt và vitamin D. Thiếu kẽm ảnh hưởng tới gần 25% trẻ em và thanh thiếu niên. Thiếu retinol (dẫn xuất của vitamin A) không quá nghiêm trọng, khi chỉ 8% ở trẻ 0,2–11,9 tuổi đến 20% ở trẻ 6–11 tháng thiếu loại vi chất này.

Những yếu tố chính quyết định tình trạng thiếu dinh dưỡng bao gồm sống ở khu vực nông thôn, trẻ sinh ra nhẹ cân, tình trạng kinh tế-xã hội kém. Trong khi đó, trẻ sống ở khu vực đô thị và phát triển có lối sống ít hoạt động và trẻ em trai lại liên quan tới nguy cơ thừa cân và béo phì - cũng là một dạng suy dinh dưỡng - gia tăng. Tình trạng thừa cân và béo phì ảnh hưởng tới 1/3 trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Các nghiên cứu cho biết, các can thiệp về dinh dưỡng - bao gồm bổ sung và tăng cường thực phẩm - luôn đem lại sự cải thiện về chỉ số nhân trắc học và dấu ấn sinh học vi chất dinh dưỡng. Các chương trình quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng cũng mang lại lợi ích dinh dưỡng cho sự phát triển cùng hành vi ăn uống của trẻ, song lại thiếu thông tin về tình trạng béo phì ở trẻ em.

Nghiên cứu nhấn mạnh cần có hành động kép hiệu quả để đồng thời giải quyết các dạng suy dinh dưỡng khác nhau ở trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng về các biện pháp can thiệp tiềm năng, nhất là đối với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa dinh dưỡng để cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách.



Vitamin D là một trong 4 loại vitamin tan trong dầu phổ biến (A,D,E,K), có vai trò quan trọng trong chuyển hóa canxi và photphat – hai yếu tố chính để cấu thành một hệ xương vững mạnh.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, các em bé nhỏ người, trán dô, xương sườn nhô ra nhưng vẫn hoạt động nhanh nhẹn, nhiều cha mẹ nghĩ con bình thường. Tuy nhiên, thực chất trẻ đang bị thiếu vitamin D. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương, khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Trong khi đó, thực tế nguồn vitamin này đến từ khẩu phần ăn chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ thể, 80% còn lại lấy từ ánh nắng mặt trời.

Vitamin D tồn tại dưới hai dạng chính là vitamin D2 và vitamin D3. Vitamin D2 (ergocalciferol) chủ yếu có ở các loài thực vật và nấm. Vitamin D3 (cholecalciferol) là dạng cơ thể có thể tổng hợp được nhờ vào vai trò của ánh sáng mặt trời. Từ tiền chất của vitamin D3 trên da (7–dehydrocholesterol), dưới tác dụng của tia UVB có trong ánh sáng mặt trời sẽ chuyển thành tiền vitamin D3 và sau đó là vitamin D3, trải qua quá trình chuyển hóa ở gan và thận cuối cùng tạo thành dạng có tác dụng sinh học trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin D3 cũng hiện diện trong những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (các loài cá ngừ, cá hồi và trứng...)