Một khảo sát mới đây của AC Nielsen - công ty toàn cầu về thông tin và đo lường, giúp các công ty hiểu khách hàng và các hành vi của người tiêu dùng - cho thấy một xu thế ăn uống mới đã hình thành ở người tiêu dùng Việt Nam.

86% số người được phỏng vấn cho biết họ chọn các đặc sản địa phương, các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ khi có thể.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới

Báo cáo về Nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng do AC Nielsen thực hiện năm 2015 cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng lựa chọn thực phẩm theo các kết quả nghiên cứu khoa học mà truyền thông khuyến nghị. Họ chọn các thức ăn, đồ uống có thành phần tốt cho sức khỏe, không chứa các thành phần nhạy cảm.

Với quan điểm ưu tiên chọn thực phẩm là đặc sản địa phương, sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, 83% số người tiêu dùng được phỏng vấn cho biết họ thường mua ở các cửa hàng chuyên về thực phẩm lành mạnh, 89% khẳng định là sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để mua thực phẩm tốt cho sức khỏe.

“Nhu cầu được sống khỏe mạnh của người tiêu dùng đang tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống” - ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - nói.

Cũng theo ông Mịch: “Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tiêu chuẩn organic (hữu cơ) được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay đối với thực phẩm. Thực phẩm organic có thể đáp ứng đồng thời các tiêu chí như tự nhiên, không chứa thành phần gây hại nên tốt cho sức khỏe. Lựa chọn thực phẩm organic trở thành xu hướng tiêu dùng mới của thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng. Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia và mở rộng thị phần nông nghiệp hữu cơ. Họ tập trung nghiên cứu để đưa ra thị trường nhiều chủng loại sản phẩm hữu cơ và đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên doanh”

Chuyên gia Perric Bon kiểm tra sự phát triển của gấc hữu cơ. Ảnh: T Huyền
Chuyên gia Perric Bon kiểm tra sự phát triển của cây lạc tiên. Ảnh: T Huyền

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là tập đoàn TH. Từ năm 2013-2014, tập đoàn này đã tổ chức sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ tiêu chuẩn USDA-NOP (Mỹ) và EC 834/2007, EC 889/2008 (châu Âu) theo chuỗi từ trang trại tới sơ chế và phân phối cho sản phẩm rau và dược liệu. Ngay sau đó là tới sản phẩm sữa hữu cơ- một sản phẩm hết sức mới mẻ với thị trường Việt Nam (trước đó 100% sữa hữu cơ tại Việt Nam là nhập khẩu).

Nghe bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH - kể về nỗi trăn trở tìm cách sản xuất các sản phẩm rau hữu cơ, đồ uống hữu cơ rồi đến sữa tươi hữu cơ mới thấy để có được sản phẩm cuối cùng đúng chuẩn organic, chặng đường doanh nghiệp phải vượt qua không hề đơn giản. Bà Thái Hương kể, tập đoàn đã ký kết với đại diện của Control Union thực hiện quy trình sản xuất sữa tươi TH true MILK organic theo tiêu chuẩn EC 834/2007; EC 889/2008 (châu Âu) và USDA-NOP (Mỹ) từ tháng 12/2015.

Sau lễ ký kết, TH thực hiện chuyển đổi bài bản và có lộ trình cho trang trại, nhà máy… theo chuẩn organic của châu Âu và Mỹ. Trong thời gian này, những cánh đồng trồng cây thức ăn và chăn thả của trang trại TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) được chuyển một phần sang trồng trọt organic không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hoá học…

Một số bò mẹ cũng được chuyển sang khu vực nuôi cách ly theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Trong toàn bộ tiến trình này, Control Union đã thực hiện đánh giá việc tuân thủ trồng trọt, chăn nuôi và chuyển đổi bò hữu cơ tại trang trại bò sữa hữu cơ TH. Đến tháng 4/2017, TH đạt chứng nhận hữu cơ châu Âu cho trang trại, nhà máy và tiếp tục tiến trình lấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ. Sản phẩm TH true MILK “made in Vietnam” chính thức được ra mắt thị trường vào ngày 17/8 vừa qua.

“Tôi cùng tập đoàn TH mong muốn kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ mẹ thiên nhiên. Sản xuất organic chính là con đường để làm được điều đó” - bà Thái Hương tâm sự.

Thách thức đối với thị trường Việt Nam

Theo báo cáo phân tích xu hướng công nghệ của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM năm 2016, hiện thế giới có khoảng 43,7 triệu ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ, tập trung nhiều nhất ở châu Đại Dương, châu Âu và Mỹ Latinh, với diện tích lần lượt 17,3 triệu ha, 11,6 triệu ha và 6,8 triệu ha.

Tại Việt Nam, do nhu cầu về chất lượng thực phẩm của người dân ngày càng cao, do đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí của hàng hóa xuất khẩu, cộng với sự quan tâm của cộng đồng đối với việc bảo vệ hệ sinh thái ngày càng lớn nên diện tích canh tác hữu cơ cũng có xu hướng gia tăng. Năm 2010, cả nước chỉ có hơn 19.270ha đất canh tác hữu cơ nhưng đến năm 2014, con số này đã là hơn 43.010ha.

Bò oganic ở trang trại của Tập đoàn TH. Ảnh. T Huyền
Bò oganic ở trang trại của Tập đoàn TH. Ảnh. T Huyền

Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Organic Life - cho biết, ưu thế của thực phẩm hữu cơ là quy trình canh tác không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng; sản phẩm không có chất bảo quản nên đáp ứng tốt hơn tiêu chí “sạch”, đồng thời không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Chính vì vậy, sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn và hữu cơ trở thành xu hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp, với sự hưởng ứng ngày càng cao của các doanh nghiệp, trong đó có TH True Milk - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hà Phúc Mịch cũng chỉ rõ những thách thức của thị trường Organic, trong đó sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ cũng đang là một rào cản trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó là việc thẩm định, chứng nhận hữu cơ. Hiện ở Việt Nam chưa có chứng nhận hữu cơ theo chuỗi sản xuất, chưa có chứng nhận chăn nuôi hữu cơ. Vì vậy, tính tuân thủ chưa đảm bảo. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mới có thể thuê tư vấn, giám sát quốc tế để có các chứng nhận hữu cơ của Châu Âu, Mỹ và một số chứng nhận hữu cơ uy tín khác.

Một thách thức nữa là giá cả sản phẩm hữu cơ thường cao hơn nhiều so với sản phẩm thường do các chi phí từ khâu sản xuất đến phân phối đều cao. Giá cao trong khi không có khả năng phân biệt thực phẩm hữu cơ một cách chắc chắn là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng không muốn chi tiền cho loại sản phẩm này.

Bà Thái Hương thì bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách bảo hộ giá cả đối với những dòng sản phẩm dựa trên lợi thế tự nhiên, mang lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng cũng như lợi ích cho doanh nghiệp, từ đó tăng nộp ngân sách cho nhà nước. “Cần có những quy định minh bạch sản phẩm giả, kém chất lượng không còn đất để sống” – bà Thái Hương kiến nghị.