Theo tiến sỹ Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo hướng luân canh hoặc trồng xen canh rất phù hợp với việc áp dụng tại Việt Nam.

Bài “Làm sao để canh tác hữu cơ hiệu quả hơn?” trong chuyên đề về nông nghiệp hữu cơ, báo Khoa học và Phát triển số 925 cho biết, các nhà khoa học trên thế giới đề xuất một giải pháp tăng năng suất nhưng vẫn thân thiện với môi trường là trồng luân canh và xen canh để cải thiện chất lượng đất, giảm sự phá hoại của côn trùng, hỗ trợ đa dạng sinh học. Tôi muốn biết giải pháp này có phù hợp áp dụng ở Việt Nam hay không?” (độc giả Ngô Hải Minh, Hà Nội).

Rễ cây họ đậu có những nốt sần giúp bổ sung chất đạm cho đất. Ảnh: Grow-it-organically

Trao đổi với Khoa học và Phát triển, tiến sỹ Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - cho biết: “Tôi cho rằng, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo hướng luân canh hoặc trồng xen canh rất phù hợp với việc áp dụng tại Việt Nam. Nếu có thể luân canh cây trồng thì rất tốt, bởi nếu chỉ trồng một loại cây thì rất dễ phát sinh sâu bệnh hại và tình trạng sâu bệnh ở vụ này cứ tiếp tục lặp lại ở vụ khác. Còn nếu chúng ta trồng thêm những loại cây khác thì nhịp điệu và tần số xuất hiện của sâu bệnh sẽ giảm đi.

Theo các nguyên lý sinh học, một số loại cây có thể đẩy, đuổi được sâu bệnh khi trồng luân canh. Ví dụ một số loại cây có hoa rực rỡ như hoa hướng dương có thể đẩy, đuổi được một số côn trùng có hại với cây rau. Ngoài ra, trong sản xuất hữu cơ, người ta khuyến khích trồng các loại rau có màu sắc sặc sỡ khác nhau bên cạnh những luống rau xanh (chẳng hạn như có thể trồng bắp cải tím, su hào tím) để xua đuổi và làm giảm sâu bệnh.

Để cải thiện chất lượng đất về mặt dinh dưỡng một cách thân thiện với môi trường, theo tiến sỹ Hà Phúc Mịch, giải pháp thích hợp, dễ áp dụng nhất với điều kiện Việt Nam là trồng luân canh rau với các cây họ đậu.

Cụ thể, cứ hai vụ rau nên trồng xen một vụ đậu. Lý do là tất cả các cây họ đậu đều có bộ rễ mang giá trị dinh dưỡng cao. Một nhóm vi khuẩn gram âm sống trong rễ các cây họ đậu (tạo thành các nốt sần ở rễ) có vai trò cố định đạm. Để tận dụng nguồn đạm này, sau khi thu hoạch, người trồng giữ lại phần gốc đậu trong đất, những cây trồng sau đó sẽ hấp thụ được chất dinh dưỡng từ rễ các cây họ đậu.

Một cách khác là trồng rau một thời gian rồi cho đất nghỉ, sau đó chỉ trồng cây họ đậu, dùng chính thân và rễ loại cây này làm phân xanh nhằm tăng năng suất, giảm bệnh tật cho cây trồng.

“Nếu chúng ta cứ trồng cây gì cũng cắt tận gốc mà không trả lại chất hữu cơ cho đất thì đất sẽ ngày càng khô cằn” - tiến sỹ Hà Phúc Mịch nói. Theo ông, trên thực tế phương pháp trồng luân canh, xen canh lâu nay vẫn đã được áp dụng ở các cơ sở canh tác nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, vấn đề là thực hiện như thế nào để có hiệu quả cao nhất. Ở nhiều cơ sở trồng rau hữu cơ vẫn tồn tại một thực trạng là thiếu phân hữu cơ và “vắt kiệt sức” của đất, không cho đất nghỉ nên chất lượng đất kém đi.