Nhờ thao tác với tế bào gốc, một nhóm nghiên cứu tại Đức đã nuôi cấy thành công mô tim nhân tạo có khả năng đập như tim thật.
Chỉ một chuỗi cơ tim nhỏ nhưng với khả năng đập như vậy cũng có thể sẽ cứu sống tới 33 triệu người – những trường hợp mắc chứng rung tâm nhĩ, một trong những loại bệnh rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay, song vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, một phần cũng do những khó khăn mà các nhà khoa học gặp phải trong việc tách tế bào cơ tim và lưu giữ trong thời gian đủ lâu để phát triển và thử nghiệm các loại thuốc mới. Vì thế, nhóm nghiên cứu của Đức đã đi theo hướng nuôi cấy các chuỗi mô tim trong phòng thí nghiệm – mô tim này không chỉ khả năng biểu hiện gene và phản ứng với các loại thuốc theo cách gần giống với tâm nhĩ tự nhiên mà còn có thể đập giống như tim thật.
Để làm được điều này, các nhà khoa học đã hoàn nguyên tế bào gốc đa tiềm năng (hiPCSs) ở giai đoạn tế bào gốc, để từ đó có thể thao tác hướng chúng phát triển thành bất cứ loại mô nào trên cơ thể. Trong bài báo công bố trên Tạp chí Stem Cell Reports, nhóm nghiên cứu đã tạo ra mô tim nhĩ [giống như của người] bằng cách xử lý hiPCSs trong dung dịch axit retinoic toàn phần – một chất được tạo thành từ vitamin A có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của tế bào. Nhờ đó, mặc dù không cần phải nuôi cấy trong đĩa phẳng hai chiều, nhưng nhóm vẫn tạo thành công chuỗi mô 3D và cơ tâm nhĩ giống như thật.
Tới đây, các nhà khoa học sẽ tập trung tìm cách sử dụng mô tim nuôi cấy để phát triển phương pháp điều trị chứng rung tâm nhĩ, như bằng thức ăn và thuốc. Trong thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Marta Lemme cho biết, việc nuôi cấy thành công chuỗi cơ tâm nhĩ này đã mở ra rất nhiều triển vọng, mặc dù vẫn cần phải cải thiện nhiều thêm nữa để ngày càng trở nên giống như thật; vì vậy sắp tới nhóm dự định sẽ thử nghiệm mô phỏng loạn nhịp tim nhằm tìm ra cơ chế thay đổi điện rung tâm nhĩ và các loại thuốc điều trị tiềm năng mới.
Công Nhất (Theo Futurism)