Quá trình phát triển các loại thuốc và công nghệ mới nhằm trợ giúp bệnh nhân thường đòi hỏi giai đoạn thử nghiệm trên đối tượng là con người, khá nguy hiểm và mất thời gian.
Chính vì vậy, giới khoa học đang tìm cách nuôi cấy những phiên bản tương tự như nội tạng trên cơ thể người trong phòng lab, đặc biệt là để thử nghiệm các phương pháp điều trị mới. Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm tế bào gốc Cincinnati đã bổ sung thêm vào danh sách loại nội tạng mới mà chúng ta có thể nuôi cấy theo yêu cầu: thực quản.
Trong bài báo công bố trên tạp chí Cell Stem Cell hôm 20/09, các nhà khoa học cho biết, họ đã sử dụng tế bào gốc đa năng (PSC, hay tế bào chủ), có khả năng phát triển thành bất cứ loại mô nào. Tiếp đó, họ đã kích hoạt các PSC để chúng phát triển thành thực quản, nhờ hướng tới một dạng biểu hiện gene được cho là có ảnh hưởng đến sự hình thành của thực quản. Sau hai tháng, kết quả thu được là một cơ quan (organoid) thực quản nhỏ có chiều dài 1/10 inch (trong khi thực quản của người trưởng thành dài khoảng 8 inch).
Khi so sánh thành phần của cơ quan thực quản nuôi trong phòng thí nghiệm với các mô sinh thiết lấy từ bệnh nhân, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng “tương tự nhau”. Điều này đồng nghĩa với việc, phiên bản nuôi cấy có thể sẽ hữu ích đối với các thử nghiệm y khoa.
“Rối loạn thực quản (và khí quản) là bệnh khá phổ biến ở người, và loại cơ quan mới được nuôi cấy hứa hẹn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu”, bên cạnh các bệnh hay dị tật bẩm sinh như mất máu, viêm thực quản và dị sản Barrett – trưởng nhóm Jim Wells cho biết. Ngoài ra, y học cũng đang tìm cách để tạo ra các mô thực quản mới bằng công nghệ di truyền và tương thích với từng bệnh nhân.
Mục tiêu tiếp theo, theo các nhà nghiên cứu, là cần xác định tính khả thi của dự án đưa cơ quan thực quản được nuôi trong phòng thí nghiệm vào sử dụng hàng loạt trong hoạt động điều trị. Điều này có thể sẽ không khó nhờ nguồn tài trợ dồi dào cho lĩnh vực công nghệ sinh học hôm nay.
Nhật Phạm (Theo Futurism)