Trong tương lai, máy tính sẽ được chế tạo trong các nhà máy, hay nuôi cấy bằng đĩa giống như tế bào từ phòng thí nghiệm?
Đó là câu hỏi mà một nhóm nghiên cứu liên ngành, bao gồm các chuyên gia sinh học và kỹ sư máy tính, đang đi tìm kiếm lời giải. Theo kế hoạch, các nhà khoa học sẽ tìm cách nuôi cấy một mạng nơron (tế bào thần kinh) từ các tế bào sống, và lập trình để chúng thực hiện các tác vụ tính toán. Dự án trên đã được Quỹ khoa học quốc gia Hòa Kỳ (NSF) đồng ý tài trợ với một ngân khoản trị giá 500.000 USD.
Hiện tại, không có nhiều thông tin chi tiết về những việc mà các nhà khoa học định làm. Đại diện của nhóm cho biết, họ sẽ sử dụng tế bào sống (chưa rõ loại nào) để nuôi cấy mạng nơron bằng phương pháp optogenetics – một kỹ thuật sinh học, khai thác ánh sáng để điều khiển các tế bào, và huấn luyện cho hệ thống khả năng nhận biết chữ số viết tay. Dự án hỗn hợp trên, được kỳ vọng sẽ mang đến những hiểu biết sâu sắc hơn, về cả máy tính lẫn não bộ hữu cơ. Tuy nhiên, mọi khả năng và cơ chế, cho đến giờ mới chỉ ở dạng phỏng đoán.
“Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học thần kinh sẽ sử dụng công nghệ này giống như một môi trường thử nghiệm để nghiên cứu não bộ con người” – Yevgeny Berdichevsky, giáo sư sinh học tại Đại học Lehigh University, người đang tham gia dự án, cho biết.
Trước đây, khi các nhà khoa học tại ĐH Pennsylvania tiết lộ về mô hình phát triển của mô não người, họ đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía những nhà đạo đức học, bởi mối lo ngại rằng các “minibrains” (não bộ mini) có thể sẽ có kinh nghiệm, một khi cấu tạo của chúng trở nên phức tạp. Cho đến giờ, vẫn chưa rõ liệu dự án mới có làm gia tăng mối quan tâm tương tự hay không?
Mặc dù vậy, hướng đi trên của các nhà khoa học đã cho thấy một tầm nhìn hoàn toàn mới về công nghệ máy tính tương lai, khi hầu như tất cả mọi thứ, từ những tòa nhà cho đến các hệ thống máy tính, đều có thể được trồng từ hạt giống, như hoa vậy.
Công Nhất (Theo Futurism)