Sau gần 30 năm chuyên tâm nghiên cứu cây chè, TS Nguyễn Thị Minh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè (Phú Hộ, Phú Thọ), đã chọn tạo được 5 giống chè mới, trong đó có những giống cho năng suất cao hơn đến 60-70% so với giống cũ.

Thành quả ngọt ngào từ sự miệt mài

Đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, dễ bắt gặp một người phụ nữ nhỏ nhắn đang tỷ mẩn nghiên cứu từng búp chè rồi ghi chép kết quả. Nếu không được giới thiệu, chắc ít ai nghĩ người phụ nữ đó chính là Phó giám đốc của cơ sở nghiên cứu hàng đầu cả nước về cây chè, đồng thời là tác giả của những giống chè lai tạo đang góp phần làm thay đổi năng suất, chất lượng giống chè Việt Nam.

Là người gắn bó với Trung tâm ngay từ khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), công việc hằng ngày của chị Phương là ghi chép, so sánh và đánh giácác cá thể được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính hay tác nhân gây đột biến khác nhau kết quả của nhiều giống khác nhau. “Nhưng công việc ‘buồn tẻ’ này đã trở thành một phần cuộc sống của mình, lúc nào ra tới đồi mình cũng chỉ thích được ngắm nghía, hít ngửi lá chè” - chị Phương nói về công việc vất vả của mình với một nụ cười.

“Công tác chọn tạo giống tốn rất nhiều công sức và thời gian, phải chịu khó và tỉ mỉ thì mới có thể làm được. Tùy vào phương pháp mà có những công đoạn làm khác nhau nhưng nói chung, các giống chè đều phải trải qua rất nhiều quá trình chọn tạo mới có thể đưa ra sản xuất. Đầu tiên, phải chọn những cá thể ưu tú, từ đó phát triển thành các dòng chè triển vọng rồi đưa đi trồng khảo nghiệm tại các vùng. Thời gian để một giống chè được công nhận là chính thức cũng phải mất khoảng 15 - 20 năm” – chị giải thích và dẫn ra câu chuyện về giống chè TRI5.0.

Năm 1990, khi mới chân ướt chân ráo về Trung tâm, chị đã cùng các đồng nghiệp lần đầu tiên dùng phương pháp sử dụng các tác nhân gây đột biến bằng tia phóng xạ ở tần số thấp để xử lý hạt chè TRI777 chọn ra giống chè TRI5.0 năng suất cao hơn giống ban đầu từ 60 – 70%, chất lượng chè xanh, chè đen tốt. Sau 25 năm kiểm nghiệm, đến năm 2015, TRI5.0 đã được chính thức công nhậnlà giống sản xuất thử được trồng thử nghiệm trên cả nước. Hay như chị bắt đầu nghiên cứu lai tạo giống chè PH8, PH9 từ những năm 1998 từ giống chè Kim Tuyên (nhập nội Đài Loan) và giống TRI777 nhưng mãi tới tận năm 2009, hai giống này mới chính thức công nhận là giống sản xuất thử và đến năm 2015 giống chè PH8 mới được công nhận là giống chè mới.

Để tận dụng thời gian, công sức và những vật liệu tạo ra, chị thường xuyên nghiên cứu nối tiếp, nhờ đó thành quả lần lượt đến với chị và trung tâm.

TS Nguyễn Thị Minh Phương trực tiếp hướng dẫn cho các đồng nghiệp trong công tác phòng trừ sâu bệnh và chọn giống. Ảnh: T.Giang

Năm 2015 hai giống chè Hương Bắc Sơn, TRI5.0 do chị nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận giống sản xuất thử... Rồi sau đó là giống VN15 cũng chính thức được công nhận giống sản xuất thử.

Trong số đó, PH8 có ưu điểm khỏe, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán tốt, thích hợp làm chè xanh và chè đen chất lượng cao. Sau khi được đưa đi trồng tại các vùng chè đặc sản như Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ thời kỳ đầu, hiện PH8 phát triển rất mạnh trên cả nước. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đang khuyến khích phủ cơ bản giống này trên toàn tỉnh, mỗi năm phát triển khoảng vài trăm hecta.

“Tuyên Quang cũng đang phát triển mạnh giống chè này. Vừa qua Tuyên Quang còn có dự án phối hợp với Lào trồng chè PH8, qua đánh giá thấy sinh trưởng khỏe trong điều kiện Lào có 6 tháng mưa 6 tháng khô hạn” – chị cho biết thêm, không khỏi giấu được niềm tự hào về giống chè đầu tiên do chị lai tạo được công nhận. “Hằng năm, riêng PH8, Viện đã cung cấp hàng chục triệu hom và bầu chè giống. Còn PH9 sẽ được Trung tâm đưa vào sản xuất ở vùng chuyên canh lớn trong thời gian tới vì chúng sinh trưởng rất khỏe. Đặc biệt, cả hai giống này có ưu thế chế biến chè xanh” – chị chia vui.

Giống TRI-5.0 chị tiếp cận từ khi bắt đầu vào nghề cũng cho thành quả ngọt ngào. “TRI-5.0 sinh trưởng khỏe và năng suất cao. Hiện nay có nhiều đơn đặt hàng mà chúng tôi chưa thể cung cấp đủ giống.”

Rồi đến Hương Bắc Sơn được lai từ giống chè mẹ Kim Tuyên chất lượng cao với giống bố là chè Trung Du có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đây là một giống chè có chất lượng đặc biệt, hứa hẹn tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao khi mở rộng ra sản xuất. Sự ra đời của giống chè này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chọn tạo giống chè trong nước: Lần đầu tiên chúng ta chọn tạo được giống chè có khả năng chế biến các mặt hàng cao cấp như chè xanh dẹt và chè Ô Long với chất lượng tốt hơn hẳn so với các giống chè nhập nội.

“Thời gian qua, chúng tôi tập trung nghiên cứu cải tạo các giống chè để đẩy mạnh sản xuất chè xanh vì hiện nay tỷ lệ chè đen của chúng ta còn rất lớn. Bằng giống Hương Bắc Sơn này, chúng ta vừa có thể sản xuất được chè xanh chất lượng cao, chè dẹt và chè Ôlong. Có thể trên một búp chè chúng ta có thể chế biến hai loại sản phẩm cao cấp với giá trị cao đó là phần tôm chế biến chè dẹt (Chè Mao Tiêm – chế biến chỉ bằng tôm với giá 2 triệu đồng/kg) và phần còn lại dùng để chế biến chè Ô Long. Đặc biệt đối với các giống chè khác các sản phẩm chè cao cấp như chè mao tiêm và chè Ôlong chỉ chế biến được ở vụ xuân và vụ thu, nhưng đối với giống chè Hương Bắc Sơn có thể chế biến ở cả 3 vụ : vụ xuân- vụ hè và vụ thu chất lượng đều rất tốt” – chị Phương nhấn mạnh.

Bắt đầu từ năm 2001 tới năm 2015, bằng phương pháp lai hữu tính, chị đã chọn ra giống chè VN15 từ giống mẹ Saemodori (sinh trưởng ở nơi nhiệt độ thấp, mùa đông băng giá, được đánh giá gần như đứng đầu bảng tại Nhật nhưng năng suất trung bình) lai với giống bố Shan Cù Dề Phùng (biến chủng chè Shan tỉnh Hà Giang, sinh sống ở nơi có nhiệt độ trung bình thấp, năng suất cao nhưng chất lượng chỉ ở mức khá) để cho ra đời giống chè mới tổng hợp được những đặc tính tốt của cả bố và mẹ về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu đặc biệt.

Chắc chắn, những giống chè có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt tốt hơn giống bố mẹ do chị Phương và các cộng sự chọn tạo đang góp phần không nhỏ cho ngành chè Việt Nam, vốn đứng thứ 7 về sản xuất và thứ 5 về xuất khẩu chè trên thế giới.

Vừa làm thầy, vừa làm thợ

Trước đây, những người làm nghiên cứu tại Trung tâm đồng thời cũng là thợ chế biến. Chị kể, xưởng chè có khi chế biến cả tạ chè khô mỗi ngày, “có lần trời nắng nóng, chị bị cảm, người tím tái co quắp, may mà cấp cứu kịp thời chứ không đã hết cả... nghiên cứu rồi” - chị cười lớn khi kể về một trong những kỉ niệm không thể nào quên.

“Phải nói rằng đến bây giờ, tôi là một người trực tiếp chế biến chè nhưng vẫn có những cái phải học tập từ cô Phương, lắng nghe từ cô. Cô Phương không chỉ là người nghiên cứu giống giỏi mà còn hiểu cách chế biến sâu” – kỹ sư công nghệ chế biến thực phẩm Nguyễn Thị Thủy – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè – nói về người thầy đáng kính của mình.

Từ quá trình làm việc cả như người thầy và người thợ, chị đã cho ra đời một số quy trình chế biến được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, như quy trình sản xuất chè xanh từ giống Phúc Vân Tiên, quy trình sản xuất chè Ô Long từ giống Kim Tuyên, quy trình chế biến chè Ô Long cho một số giống chè mới được trồng tại Việt Nam.

“Vì công việc mà tôi và chồng quyết định hơn 10 năm sau mới sinh con thứ hai. Người làm khoa học mà nhất là phụ nữ thì phải hy sinh rất nhiều thứ mới có thể làm trọn” – một tâm sự riêng tư hiếm hoi của chị với chúng tôi giữa bộn bề công việc.

TS Nguyễn Thị Minh Phương (1966), Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, là tác giả của 5 giống chè, bao gồm PH8, PH9, Hương Bắc Sơn, TRI-5.0 và VN15.

Ngoài ra, chị còn cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu tạo ra nhiều giống chè khác như giống chè PH10, PH11 và các quy trình tiến bộ kỹ thuật, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và áp dụng rộng rãi trong sản xuất như: Quy trình nhân giống chè shan Chất Tiền và một số giống chè nhập nội chất lượng cao;…