Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng; tăng cường truyền thông về sản phẩm hữu có; cần có các chương trình nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ (NNHC)…
Là những vấn đề cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp hữu cơ được đưa ra tại Diễn đàn quốc gia phát triển nông nghiệp hữu cơ lần thứ nhất với chủ đề “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam". Diễn đàn này do Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức ngày 27/12 tại TPHCM.
Theo Cục Trồng trọt, tính đến năm 2016, nước ta có gần 80.000ha đất canh tác hữu cơ, với 26 đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố. Các cây chủ yếu được canh tác hữu cơ là dừa, chè, lúa, và rau.
Một số mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá hữu cơ tại An Giang, sản xuất lúa – cá tại Cà Mau của Công ty An Phú, Sản xuất rau hữu cơ của Công ty Organic Đà Lạt,… Ngoài ra, còn có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ. Nghĩa là mới chỉ chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở một số loại nông sản như lúa, rau, nho, táo,…
Ông Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Đó là về an ninh lương thực, lợi nhuận, sự phức tạp về quá trình sản xuất, chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia, môi trường…
Vì vậy, theo ông Bộ, để phát triển nông nghiệp hữu cơ thành công, cần thống nhất một số quan điểm: phát triển nông nghiệp cần hài hòa, bền vững, trong đó sản xuất theo hướng thâm canh, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường xác định, trong đó ưu tiên sản phẩm bản địa; có chính sách hỗ trợ trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến, thương mại sản phẩm. Trong đó, thị trường là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Thực tế làm chăn nuôi hữu cơ hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Đại Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trang trại Bảo Châu (Hà Nội) cho biết, các tổ chức làm nông nghiệp hữu cơ thất bại thường do không làm tốt khâu đầu ra bền vững cho sản phẩm. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh và bền vững.
Theo ông Thắng, ngoài việc tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu biết về sự cần thiết phải sử dụng sản phẩm hữu, cần phải nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới, phương pháp mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì mới có nhiều đối tượng khách hàng tiếp cận và sử dụng được sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là bài toán rất cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học.
Trong khi đó, GS. Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ thường rất khắt khe theo quy chuẩn, hiện năng suất còn chưa cao, giá thành chưa giảm,… nên số ít người dân có thể dùng được những sản phẩm này. Vì vậy, các nhà khoa học cần có những đề tài nghiên cứu để làm sao khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt năng suất, chất lượng cao, giá thành giảm thì mới có thể phát triển bền vững và đa số người tiêu dùng mới có thể dùng được những sản phẩm sạch. Trước tiên, nên sản xuất thực phẩm an toàn, chứ chưa thực sự phải theo hướng hữu cơ hoàn toàn.
Còn TS. Nguyễn Đăng Nghĩa – Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới thì cho rằng, đặc điểm cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là phụ thuộc vào “sức khỏe hiện tại của đất” là độ phì sinh học vì từ đó ảnh hưởng đến độ phì hóa học và vật lý học. Trong khi đó, hiện nay hầu hết đất ở Việt Nam đều chua, kể cả đất phù sa, nghèo chất dinh dưỡng, dịch bệnh trong đất nhiều, cân bằng sinh dưỡng luôn bị phá hủy.
"Vì vậy, cần phải xây dựng một quy trình làm sạch đất trồng bị ô nhiễm bằng “công nghệ cây trồng” và “công nghệ sinh học” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, cần xây dựng một quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm hữu cơ là rất cần thiết. Hiện nay, tiêu chuẩn quốc gia TCVN: 11041:2015 hướng dẫn, sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành năm 2015 chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL,hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (TCĐLCL) đã trình Bộ KH&CN dự thảo “TCVN 11041-1:2017 NNHC: yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC” để công bố và hủy bỏ TCVN 11041: 2015.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp về các vấn đề: Quan điểm phát triển nông nghiệp hữu cơ hay phi hữu cơ; nông nghiệp hữu cơ hướng đến thị trường, đối tượng nào; ai là người sản xuất; quy mô phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam; yêu cầu đối với đất trồng và quản lý dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sử dụng phân bón, khoáng thiên nhiên, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp hữu cơ; phát triển sản phẩm chế biến từ nông nghiệp hữu cơ; chính sách để thu hút các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ...