Trong khuôn khổ sự kiện “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất 2017” vừa được tổ chức tại Lâm Đồng, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ về cách mà địa phương này đang làm để nâng giá trị cho cây cà phê, góp phần vào việc xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam.

Hiện nay, cà phê được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và vùng đồi núi phía Bắc với diện tích là 641 ngàn hec ta gồm hai loại chính là cà phê vối (Robusta) chiếm trên 95% tổng diện tích và cà phê chè (Arabica). Tây Nguyên được xem là vùng trọng điểm cà phê của cả nước. Riêng tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 160.000 ha cà phê, đạt sản lượng khoảng 430.000 tấn/năm.

TS Phạm S cho biết, cà phê là cây trồng cần nhiều nước tưới nên ở Lâm Đồng, thời gian qua nhiều diện tích cà phê mất 30-50% sản lượng, thậm chí có nơi mất trắng 100% do bị hạn hán. Chính vì thế, địa phương đã xác định cần ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào canh tác để cà phê vẫn phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, nhiều giống cây cà phê chịu hạn cao đã được chọn lọc, lai tạo, cùng với việc nhân mầm giống cà phê đầu dòng phục vụ ghép cải tạo cà phê thay vì trồng bằng cây thực sinh cũng được thực hiện. Với những cây đầu dòng này cho năng suất ổn định, cao gấp 2-3 lần so với vườn cây thực sinh đã trồng trước đó.

Hướng tới đa dạng sinh học trong canh tác, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu diện tích canh tác cà phê của các hộ phải có hàm lượng mùn cao và giun đất để giúp đất tơi xốp; đồng thời tỉnh hỗ trợ 50 đến 70% kinh phí đào tạo hộ nông dân để họ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, và áp dụng đồng bộ các giải pháp trồng cây che bóng trên tất cả các vườn cà phê để tạo tiểu vùng sinh thái”.

Máy rang cà phê và sản phẩm từ cà phê được doanh nghiệp giới thiệu tại Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam quốc tế 2015. Ảnh: PN

“Thực tế cho thấy với cây cà phê canh tác theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 2,5 tấn/ha nhưng áp dụng KH&CN thì cà phê ở Lâm Đồng có thể đạt tới 5 tấn/ha, nhiều vườn cây cà phê đạt 7-8 tấn/ha. So với thế giới thì cà phê Lâm Đồng tăng bình quân 3 tấn/ha (so với bình quân của cả nước khoảng 2,4 tấn/ha).” – TS Phạm S khẳng định, và cho biết, Lâm Đồng cũng là tỉnh thực hiện chương trình tái canh cà phê thành công nhất so với các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay đã tái canh với diện tích 45.000ha, với nguồn tín dụng khoảng 800 tỷ đồng. Nhờ tái canh nhiều diện tích cà phê có doanh thu trên 200 triệu đồng/ha, được xếp vào danh sách có tổng doanh thu trên diện tích cà phê cao nhất Việt Nam.

Tuy vậy, theo TS Phạm S, dù những năm gần đây, công nghệ chế biến ướt đã được một số doanh nghiệp tại Lâm Đồng và một số tỉnh như Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai áp dụng, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cà phê hạt Việt Nam, nhưng khâu chế biến sâu vẫn chưa được các doanh nghiệp trong nước chú trọng; mặt khác việc hình thành các liên kết sản xuất, giữa nông dân với các hợp tác xã và doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, do đó tỉ lệ đồng đều của cà phê chưa cao dẫn đến giá trị chuỗi sản xuất hàng hóa cà phê Việt Nam còn thấp.


Do vậy, để có thể biến đổi nhanh và bền vững ngành cà phê của Việt Nam từ lượng sang chất trong xu thế hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, ông Phạm S cho rằng giải pháp hàng đầu là cần tiếp tục đầu tư ứng dụng những tiến bộ KH&CN cùng với những thay đổi về chính sách để khuyến khích sự liên kết hiệu quả giữa các hộ nông dân và các doanh nghiệp.

Từng có điều kiện đi khảo sát thị trường cà phê ở nhiều quốc gia trên thế giới, TS Phạm S chia sẻ câu chuyện đáng suy nghĩ, đó là dù hiện nay Việt Nam là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ 2 trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 3,3 tỷ USD nhưng không thấy nước nào bày bán những sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” hay “Made in Lamdong”.

Trong khi đó, các tập đoàn rang xay cà phê lớn của thế giới dùng cà phê của Việt Nam sau đó gắn thương hiệu của họ và bán giá tăng gấp 1,5 lần. Một trong những nguyên nhân của thực trạng đó là chúng ta hầu như chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê của Việt Nam trên thế giới. Vì vậy, theo ông Phạm S, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 với mặt hàng cà phê, việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam là điều hết sức cấp thiết.

Việc năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 10/12 hằng năm là Ngày cà phê Việt Nam, đồng thời quyết định bổ sung mặt hàng cà phê chất lượng cao vào danh mục các sản phẩm quốc gia “là niềm vinh dự của ngành cà phê Việt Nam, cơ hội quảng bá hình ảnh cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tác gặp gỡ, giao lưu và ký kết các hợp đồng kinh tế”, ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.