Nghiên cứu của nhóm tác giả tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, người dân Hà Nội sẵn sàng trả tối đa 93.000 đồng/tháng để giảm nguy cơ tử vong khi hít thở bầu không khí ô nhiễm.

Một góc cây xanh Hà Nội | Ảnh: An ninh Thủ đô
Một góc cây xanh Hà Nội | Ảnh: An ninh Thủ đô

Mức độ sẵn sàng trả tiền (Willingness To Pay – WTP) là một cách hữu hiệu để biết người dân cân nhắc tiền trong túi với mức độ trong lành mà họ hít thở như thế nào. Đây là cách tiếp cận phổ biến khi muốn đánh giá mức độ thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra.

Nó định giá những phương án ưu tiên mà người dân có thể lựa chọn khi đưa ra các kịch bản giả định về thay đổi môi trường mà thành phố sẽ thu được nếu thực hiện những biện pháp cải thiện nhất định.

Trong báo cáo công bố vào tháng 7/2020 trên Tạp chí Môi trường, hai nhà nghiên cứu thuộc Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã khảo sát mức độ sẵn sàng trả tiền của người dân Hà Nội để giảm số người ốm nhập viện hoặc số người tử vong do ô nhiễm không khí.

Khảo sát được thực hiện trong tháng 6 và tháng 7/2019 với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tại 1.028 hộ gia đình thuộc 6 quận: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Ba Đình và Gia Lâm.

Kết quả cho thấy, ba giải pháp hàng đầu mà người dân Hà Nội ưu tiên áp dụng để cải thiện chất lượng không khí bao gồm: phát triển hệ thống cây xanh (tỷ lệ lựa chọn 73%), chuyển đổi sang nhiên liệu ít gây ô nhiễm (50%), và phát triển hệ thống giao thông công cộng (43%).

Những giải pháp này cũng phù hợp với bằng chứng kinh nghiệm mà một số quốc gia đã triển khai. Seoul (Hàn Quốc), Milan (Ý) và Melbourne (Úc) đều có kế hoạch mở rộng không gian cây xanh. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy không gian xanh nếu được quy hoạch hợp lý có thể bảo vệ cư dân sống quanh đó khỏi ô nhiễm không khí vì giúp loại bỏ hoặc giảm thiểu được một số chất ô nhiễm có tác động tiêu cực đến sức khỏe như PM10, PM2.5, NOx và O3.

Một số quốc gia như Brazil, Ấn Độ cũng bắt đầu chuyển đổi một số phương tiện giao thông công cộng và tư nhân sang xe chạy điện, xe dùng ethanol hoặc khí nén tự nhiên (CNG). Các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt nhanh (BRT) cũng được triển khai ngày càng nhiều trên khắp các nước Mỹ Latin và Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc, và dần phổ biến hơn ở châu Âu.

Tăng dần số lượng và tần suất phương tiện giao thông có thể giúp giảm lượng khí thải CO, NOx, PM2.5, PM10, tuy nhiên cần phải đi kèm với các thay đổi về quy định giao thông đô thị thì phương án này mới có thể thực sự cải thiện chất lượng không khí của thành phố.

Đối với Hà Nội, báo cáo nghiên cứu cho biết đa số người dân ưa thích các phương án cải thiện giúp giảm nhiều ca nhập viện vì ô nhiễm không khí và có diện tích cây xanh bình quân đầu người cao. Họ cũng thường lựa chọn những phương án cải thiện có mức phí thấp hơn.

Sử dụng phương pháp Thực nghiệm các lựa chọn (Choice Experiments, CE) theo tính toán, trung bình mỗi hộ gia đình tại Hà Nội sẵn sàng chi trả 3.658 đồng/tháng để tăng thêm 1m2 cây xanh và khoảng 1.568 đồng/tháng cho việc giảm mỗi ca tử vong do ô nhiễm không khí trên 100.000 dân.

Về tổng thể, người dân Hà Nội dường như sẵn sàng chi trả 93.457 đồng/tháng cho lợi ích cải thiện tối đa về chất lượng không khí, tương đương khoảng 0,4% thu nhập hộ gia đình.

“Ô nhiễm không khí là một chủ đề phức tạp, nên nghiên cứu này mong muốn đóng góp thêm một phần nhỏ thông tin từ góc nhìn của người dân”, TS. Nguyễn Công Thành, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ trong một cuộc thảo luận giữa các chuyên gia môi trường. “Con số tính toán phản ánh lợi ích mà người dân cảm nhận về các giải pháp công do cơ quan quản lý thực thi.”

Vai trò của cây xanh với ô nhiễm không khí là chủ đề còn nhiều tranh luận, tuy nhiên các tác giả cho biết họ đã áp dụng nhiều bước thận trọng, nhằm nỗ lực lựa chọn thiết kế sao cho phù hợp với nguyên tắc phản ánh quan điểm của người dân. Kết quả này có ý nghĩa phục vụ cho việc thiết kế chính sách hoặc đánh giá hiệu quả chính sách của cơ quan quản lý trong việc bảo vệ môi trường không khí.

Trên thực tế, số lượng nghiên cứu liên quan đến khía cạnh kinh tế của ô nhiễm không khí tại Việt Nam cực kì hạn chế. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, tỏ ra hào hứng trước kết quả trên. “Cần có nhiều nghiên cứu về mức sẵn sàng chi trả hơn nữa để có được số liệu và chứng cứ xác thực khi đề xuất chính sách mới”, ông nói.

Dẫn ra ví dụ về việc chuẩn bị áp dụng phí kiểm tra khí thải xe máy ở Hà Nội và TP.HCM trong năm ngoái, khi một số ý kiến lo ngại chi phí đó có thể là gánh nặng cho người nghèo phải dùng xe cũ để mưu sinh hằng ngày, ông cho rằng nếu có nghiên cứu về khả năng sẵn sàng chi trả của người dân thì chính sách cải thiện chất lượng không khí này sẽ dễ đạt được sự đồng thuận hơn. Khi đó, mức đề xuất phí kiểm định khí thải 50.000 đồng/năm – tương đương với 1.000 đồng/tuần - có thể sẽ là chi phí hợp lý, được đại đa số chấp nhận.