Để chuẩn bị cho học sinh đến trường, hàng ngàn cán bộ phòng dịch mặc đồ bảo hộ như phi công vũ trụ, họ sử dụng máy phun áp suất rất cao, tạo nên những đám sương mù dày đặc để khử trùng tất cả các trường học. Tuy nhiên, việc làm đó có thực sự tác dụng?

Hà Nội phun khử trùng trường học vào tháng 2 năm ngoái trước tình hình dịch bệnh từ virus corona lan rộng. | Ảnh: vietnamnet
Hà Nội phun khử trùng trường học vào tháng 2 năm ngoái trước tình hình dịch bệnh từ virus corona lan rộng. | Ảnh: vietnamnet

Tại Hà Nội, các trường học ở Hoài Đức phun thuốc khử trùng 4 lần, các trường ở Hoàn Kiếm cũng 4 lần, các trường ở Long Biên chủ động mua máy phun áp suất cao để tự triển khai lần phun thứ 4, cả địa bàn Hà Nội phun thuốc tiêu độc 4 lần. Riêng huyện Sóc Sơn cẩn thận hơn phun 5 lần!

Cũng giống như Hà Nội, sau mỗi đợt giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, cả nước lại phun thuốc khử trùng các trường học. Khi một khu phố xuất hiện ca nhiễm, ngay lập tức binh chủng hóa học xuất hiện, phun dung dịch thuốc khử khuẩn Cloramin B. Xe đặc chủng cỡ lớn sẽ phun dọc đường phố, xe chuyên dụng cỡ nhỏ phun các ngõ và khuôn viên, bình phun tay đi vào từng ngóc ngách.

Tôi cho rằng, ngay cả khi xuất hiện ca bệnh dương tính thì việc phun thuốc nơi công cộng như vậy là không cần thiết, phun thuốc các trường học sau mỗi đợt giãn cách lại càng không cần.

Hiệu quả của phun thuốc khử trùng nơi công cộng phụ thuộc vào ba yếu tố: một là cách thức lây lan của vi rút, hai là cách thức hoạt động của chất khử trùng, ba là điều kiện thực tế của không gian khử trùng.

Virus lây lan như thế nào?

Đến thời điểm này, virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 được xác định lây truyềnchủ yếuthông qua tiếp xúc với người bệnh ở cự li gần, các giọt bắn hoặc các vi giọt bắn (gọi là sol khí) chứa virus phát tán ra ngoài môi trường khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí nói chuyện hoặc thở.

Các giọt bắn kích thước lớn sẽ không lưu lại trong không khí quá lâu, nó nhanh chóng rơi xuống, bán kính giọt bắn trong khoảng 2 mét. Sol khí nhỏ hơn, kích thước dưới 5µm nên bay xa hơn 2 mét và duy trì trạng thái lơ lửng trong không khí lâu hơn, có thể đến 3 giờ. Sol khí cũng nhanh chóng bị khô và phân tán theo thời gian.

Cách lây lan thứ hai là quaô nhiễm bề mặt. Một trong những bình luận hay nhất về lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt, đó là bài báo đăng trên tạp chí The Lancet vào tháng 7/2020 của TS. Emanuel Goldman, giáo sư vi sinh vật học ở trường Y khoa New Jersey thuộc Đại học Rutgers, Hoa Kỳ.

Theo GS. Goldman, nhận thức về nguy cơ lây truyền virus bám trên bề mặt đã bị phóng đại, mà nguyên nhân chính của sự phóng đại là do các nghiên cứu công bố hạt virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong thời gian dài trên các bề mặt khác nhau.

Các hãng truyền thông lớn cũng không ngừng đưa tin, ví dụ Reuters đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học Úc phát hiện virus gây ra COVID-19 có thể tồn tại trên bề mặt tiền giấy, nhựa, thủy tinh và thép không gỉ đến 28 ngày. Nhưng cũng chính Reuters đăng tin một nghiên cứu khác cho thấy virus chỉ tồn tại 72 giờ trên nhựa và thép không gỉ, 8 giờ trên đồng và 4 giờ trên các bề mặt xốp như bìa cứng. [5]

Tại sao lại có những con số khác nhau quá lớn như vậy? Bởi những nghiên cứu đó được thiết kế trong các phòng thí nghiệm khác nhau, với quần thể virus kích cỡ khác nhau, điều kiện môi trường nghiên cứu khác nhau về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng.

Khi thiết kế các thí nghiệm SARS-CoV-2 có liên quan đến lây nhiễm cộng đồng, thì biến số quan trọng nhất là số lượng virus bám trên bề mặt, biến này chỉ có ý nghĩa khi số lượng virus xấp xỉ với lượng virus có trong không gian thực; nhưng chưa có thí nghiệm nào đạt được như vậy.

Thực tế ở ngoài môi trường cuộc sống sẽ khác rất xa so với phòng thí nghiệm. Đạo đức nghiên cứu lại không cho phép thực nghiệm khả năng lây nhiễm, vì thế mà cho đến nay, chúng ta chưa có bất cứ thông tin đúng nào khẳng định virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại ở ngoài trời trong bao lâu.

Rõ ràng, chúng ta không thể lấy kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Úc để áp cho tất cả cánh đồng rau ở Hải Dương với tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 quá thấp, càng không thể áp vào một đường phố mà ở đó có chùm ca lây nhiễm vài trường hợp. Nếu áp vào một trường học nghỉ vài tuần lễ theo chỉ thị giãn cách xã hội thì lại càng phi lí.

Như vậy,virus SARS-CoV-2lây do tiếp xúc gần là chính, nhưng thời gian virus tồn tại trong không khí cũng không quá lâu; có thể dưới 3 giờ với các vi hạt sol khí.

Việc lây truyền qua tiếp xúc bề mặt các vật dụng có thể có những rủi ro nhất định khiến chúng ta không thể bỏ qua hoàn toàn, nhưng các mối đe dọa virus bám trên bề mặt gây bệnh là rất thấp.

Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm đáng kể công sức và tiền bạc cho việc phun chất khử trùng.

Chất khử trùng hoạt động như thế nào?

Chất khử trùng mà chúng ta sử dụng là Cloramin B, có thành phần Clorua như chất tẩy trắng bề mặt, tác dụng phá hủy lớp chất hữu cơ bao bọc bảo vệ virus, từ đó virus nhanh chóng bị bất hoạt không còn khả năng lây bệnh.

Cloramin B được Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị sử dụng để sát khuẩn cho các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện, văn phòng; những nơi dân cư tập trung sinh sống như chung cư, khu tập thể, hộ gia đình, thậm chí là đường phố.

Những nơi nhiễm COVID-19 nặng nề đã từng phun chất khử trùng như tàu du lịch Diamond Princess, nhà thờ Georgetown ở Washington DC, nhà hàng Mỹ Latinh ở Raleigh NC, khách sạn ở Oklahoma, nhà hát Broadway ở thành phố New York. Tây Ban Nha thậm chí phun Cloramin B tất cả các bãi biển.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, virus SARS-CoV-2 nhạy cảm với chất khử trùng Cloramin B, nhưng cần phải có đủ thời gian tiếp xúc khoảng 1 phút thì mới đạt hiệu quả.

Nhưng thành phần Clorua trong chất khử trùng lại dễ bị khử hoạt tính bởi ánh sáng tự nhiên, bởi các chất hữu cơ bao bọc xung quanh virus, nên rất có thể chất khử trùng mất tác dụng trước khi virus bị tiêu diệt.

Điều kiện thực tế của không gian khử trùng

Để lây nhiễm cho một người, virus cần phải xâm nhập vào cơ thể. Cụ thể, nếu virus bám trên các bề mặt vật dụng, thì chúng ta phải chạm tay vào đó, rồi đưa tay lên mặt, nơi gần mũi, miệng và mắt.

Bình thường, hiếm ai chạm tay xuống đường phố, lối đi bộ, xuống mặt đất trong khuôn viên hay nền nhà; đó là lí do tôi cho rằng phun thuốc khử trùng ở các nơi công cộng là biện pháp kiểm soát dịch không cần thiết.

Các bề mặt thường được chạm vào như nắm đấm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, bàn ghế, vòi nước, công tắc điện. Những bề mặt này phải được khử trùng thường xuyên trước, trong và sau mỗi buổi học. Thời gian chất khử trùng lưu trữ trên bề mặt phải hơn 1 phút.

Phun chất khử trùng vào không khí chỉ có tác dụng nhất thời, làm giảm lượng virus đang lơ lửng trong một khoảng thời gian rất ngắn, khi người bệnh mới ho và hắt hơi. Chất khử trùng cũng nhanh chóng phân tán rơi xuống đất, nếu trong môi trường còn người bệnh, thì virus vẫn tiếp tục phát thải ra môi trường sau đó.

Vậy có nên phun khử trùng trường học?

Theo tôi, nhà chức trách muốn tạo ra một môi trường không có COVID-19 nên quyết định phun thuốc khử trùng tất cả trường học hay các nơi công cộng khác, đó là việc làm không tuân theo khoa học, nên chỉ mang lạisự an toàn trong cảm giác, xoa dịu nỗi sợ hãi trong công chúng, xây dựng lòng tin vào chính quyền vì người dân đang nhìn thấy chính quyền hành động.

Tôi không cho rằng phun thuốc khử trùng sẽ phòng được COVID-19. Ngược lại, thuốc khử trùng phun ở quy mô lớn, vô hình trung tạo nên sự chủ quan bởi cái cảm giác rất an toàn, từ đó lơi lỏng không tuân thủ các biện pháp phòng vệ cá nhân.

Trường học, sau vài tuần nghỉ giãn cách xã hội không một bóng người, sẽ chẳng thể có virus SARS-CoV-2 tồn tại, nên chỉ cần lau dọn vệ sinh là đủ, không cần thiết phải phun thuốc khử trùng rầm rộ gây lãnh phí không cần thiết.

Điều cần nhớ: Các biện pháp phòng vệ cá nhân mới chính là chìa khóa chống virus lây lan!

______________________