Năm 2021, các nhà khoa học của Trường Đại học Y tế công cộng kì vọng có thể bắt đầu triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động sức khỏe từ các nguồn thải ô nhiễm không khí tại Hà Nội, bắt đầu từ giao thông.
Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề quan tâm nổi cộm của nhiều người dân ở các đô thị lớn, đặc biệt khi Hà Nội được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố/thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.
Bàn về vấn đề sức khỏe đối với ô nhiễm không khí, TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công cộng đã chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển về những nghiên cứu hiện tại và dự kiến tương lai của mình nhân dịp đầu xuân năm mới. Dưới đây là tóm lược các trao đổi của chị.
"Ô nhiễm không khí là một kẻ giết người thầm lặng. Mặc dù không gây tác động tức thì đến sức khỏe như những bệnh truyền nhiễm nhanh chóng nhưng nó lại làm tăng nguy cơ khiến các bệnh khác như hô hấp, tim, phổi và ảnh hưởng biến chứng thai kì trở nên trầm trọng hơn. Hậu quả của nó không dễ nhận ra cho đến khi quá muộn.
Theo “Báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu” mới nhất cho năm 2019 do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thực hiện, ở Việt Nam có hơn 71,700 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Chúng đang đứng thứ 4 trong số 10 nguy cơ tử vong hàng đầu ở Việt Nam, thấp hơn nguy cơ từ bệnh huyết áp, tiểu đường và hút thuốc, nhưng cao hơn nguy cơ từ uống rượu bia.
Ở Việt Nam, hầu như các nguy cơ và khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí và sức khỏe vẫn dựa trên hướng dẫn chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Các nghiên cứu này – chủ yếu chỉ đánh giá về bụi PM 2.5 - đều dựa vào những phương pháp có thể áp dụng trên nhiều quốc gia, không phân biệt mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí, tình trạng sức khỏe dân cư, điều kiện kinh tế-xã hội và các yếu tố ảnh hưởng khác.
Trên thực tế, có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về ô nhiễm không khí và sức khỏe đặc thù cho Việt Nam. Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Y tế Công cộng của chúng tôi là một trong số ít các đơn vị đang nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng cũng chỉ mới bắt đầu từ hơn 5 năm trở lại.
Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam cần có những mô hình bệnh tật của riêng mình cho từng chất gây ô nhiễm, từng loại bệnh, từng đối tượng và từng vùng miền khác nhau. Hơn thế nữa, một khi có số liệu đánh giá xác đáng, chúng tôi mới có thể giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng những phương án giảm thiểu ô nhiễm một cách hiệu quả về lợi ích và chi phí.
Trong hơn 3 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu đánh giá gánh nặng bệnh tật vì ô nhiễm không khí cho Hà Nội. Nó chỉ ra mối liên quan giữa giữa nồng độ mỗi chất ô nhiễm PM2.5 , PM10, SO2 , NO2 , NO, CO, O3 trong trung bình 7 ngày ở Hà Nội và nguy cơ nhập viện của người lớn hoặc trẻ em đối với các loại bệnh tim mạch và hô hấp phổ biến - khi nồng độ chất ô nhiễm tăng thì nguy cơ nhập viện cũng tăng một khoảng % cụ thể tương ứng .
Chẳng hạn, nghiên cứu chỉ ra khi nồng độ PM 2.5 ở Hà Nội tăng lên khoảng 34,4 μg/m3 thì nguy cơ nhập viện, đối với người trưởng thành, bởi bệnh tim do thiếu máu cục bộ sẽ tăng khoảng 6,3%; hoặc khi nồng độ NO2 ở Hà Nội tăng lên 21,9% thì cũng làm tăng 6,1% nguy cơ nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ em.
Năm 2020, nhóm chúng tôi cũng kết hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đánh giá tác động của ô nhiễm không khí. Báo cáo kết quả này sẽ sớm được công bố trong tháng 3/2021.
Thời gian tới, chúng tôi có hai dự tính. Thứ nhất là mở rộng nghiên cứu đánh giá gánh nặng bệnh tật trên lên toàn Việt Nam. Quá trình nghiên cứu ở Hà Nội đã tạo tiền đề quan trọng cho chúng tôi tinh chỉnh phương pháp, mô hình và dữ liệu để mở rộng ra những khu vực khác.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe theo đóng góp của từng nguồn thải, trước hết nhắm đến nguồn giao thông. Đây có lẽ là nguồn gây ô nhiễm rõ ràng và nhiều dữ liệu nhất. Sau khi thử nghiệm về các tác động giảm phát thải giao thông đối với sức khỏe, chúng tôi sẽ tìm cách làm việc với các nguồn thải khác.
Dĩ nhiên để làm được điều này, các chuyên gia y tế phải hợp tác với rất nhiều nhà nghiên cứu từ những lĩnh vực khác nhau như môi trường, công nghệ thông tin, mô hình hóa, …
Họ đang cung cấp cấp đầu vào quan trọng cho các nghiên cứu về sức khỏe, chẳng hạn như "Bản đồ nồng độ bụi PM2.5 ở Việt Nam năm 2019" có trọng số dân số cấp tỉnh/huyện của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO) thuộc Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; hoặc các mô hình kiểm kê khí thải của GS.TS. Nguyễn Thị Kim Oanh từ Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan.
Nằm trong một mạng lưới năng động với hàng chục nhà khoa học Việt và chuyên gia quốc tế quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nhóm chúng tôi hy vọng những kết quả của mình sẽ đóng góp phần cho việc vận động chính sách và hành động để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian sớm nhất.
Nói cho cùng, ai cũng phải hít thở và tôi muốn thế hệ con cái của mình sẽ được sống trong một thế giới xanh sạch và an toàn hơn./."