Khi bầu trời mù mịt bụi và các trang cập nhật về ô nhiễm không khí hết đỏ lại tím báo mức độ nguy hại cho sức khỏe, chúng ta lại đặt hết niềm mong đợi vào việc các nhà khoa học phân tích thực trạng, nguyên nhân của ô nhiễm không khí ở Hà Nội, từ đó có cơ hội để nhìn thấy các giải pháp rõ ràng hơn của nhà quản lý.

Vì thế, khi tổ chức tọa đàm “Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức nào?” vào ngày 9/1 vừa qua, ấn phẩm Tia Sáng/Báo KH&PT đã nhận được hàng chục câu hỏi ở các khía cạnh khác nhau về thực trạng ô nhiễm gửi tới từ cả tuần trước khi tọa đàm bắt đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chúng ta biết gì về ô nhiễm không khí Hà Nội?

Tại tọa đàm, điều đầu tiên mà PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, và hẳn nhiều nhà nghiên cứu khác đồng thuận rằng, mức độ trung bình năm của bụi PM2.5 và PM10, những hạt bụi có thể vượt mọi hàng rào của hệ hô hấp, đi sâu vào máu, cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và so với nhiều nước châu Á. Còn với bụi nano có kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với PM 2.5, dù chưa có quy chuẩn Việt Nam, thì 2 điểm đo ở Hà Nội cho thấy nồng độ của chúng trong không khí Hà Nội đều cao hơn các nước. “Chẳng hạn ở Nhật Bản, cùng một cái cân như thế, họ 7 ngày mới cân được [bụi nano], còn ở Hà Nội chỉ 1 ngày là cân được. Thế nghĩa là lượng bụi rất lớn”, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng giải thích.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhìn thoáng qua chúng ta ngỡ là đã có câu trả lời cho tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, muốn đi đến tận cùng để tìm được giải pháp thì không dễ. Do nồng độ ô nhiễm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như các nguồn thải (có thể từ chính địa phương hoặc từ nơi khác) và điều kiện lan truyền (phụ thuộc vào điều kiện địa hình và khí tượng) nên nghiên cứu ô nhiễm không khí cần được duy trì trong nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm để đánh giá đúng mức độ “trồi sụt” của các nguồn phát. Khác với các loại ô nhiễm trong những môi trường khác như đất hay nước có thể tồn tại ở một phạm vi nhất định hoặc có thể truy xuất từ thượng nguồn và hạ nguồn, ô nhiễm không khí phức tạp hơn nhiều. Dù hít thở không khí hằng ngày, chúng ta vẫn không thể “bắt” hay “giữ” được ô nhiễm. Mặt khác, ô nhiễm không khí bao gồm nhiều loại chất vô cơ, hữu cơ khác nhau, ngay cả bụi thì cũng có những phân khúc kích thước khác nhau và mỗi hạt bụi lại hàm chứa rất nhiều thành phần trong đó. Do vậy, ngay cả thời điểm hiện tại thì chúng ta cũng chưa thể hi vọng có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh ô nhiễm không khí Hà Nội được. Những thông tin mà chúng ta có trong tay từ một số nghiên cứu ít ỏi mới chỉ tập trung vào các loại bụi, trước đây là nghiên cứu về bụi PM2.5, PM10 và mới đây là bụi nano, cùng một số loại chất thường thấy.

Chính vì vậy, tìm hiểu tiếp về ô nhiễm ở mức độ “từ đỏ sang tím” trong bức tranh ô nhiễm không khí Hà Nội đến từ những nguồn nào thì câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Nhìn lại chặng đường 20 năm qua trong nghiên cứu ô nhiễm không khí, PGS. TS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là không chỉ còn “quá ít” các nghiên cứu như vậy mà bản thân các nghiên cứu này đều chỉ được thực hiện trong thời gian rất ngắn. Ví dụ đơn cử, để tạm hiểu sơ lược rằng điện than có phải thủ phạm gây ra bụi PM2.5 và PM10 thì các nhà nghiên cứu cần phải đo lượng bụi PM 2.5 và PM10 trong cả thập kỷ, sau đó đối chiếu với mức độ tăng giảm của công suất điện than trong thập kỷ đó. Mức độ tăng giảm của các nguồn phát khác cũng cần được nghiên cứu theo cách này. Tuy nhiên trên thực tế là chúng ta cũng khó có cái nhìn liền mạch bởi trong bức tranh về PM2.5, chỉ có được một công bố của nhóm GS.TS Phạm Duy Hiển, Cohen và cộng sự vào năm 2010 với thời gian quan trắc thực sự dài hơi hơn cả - lấy mẫu ở một điểm, liên tục vào một số thời điểm nhất định hàng tuần trong suốt 8 năm từ 2001 đến 2008. Nghiên cứu này cho thấy nồng độ bụi PM2.5 ở mức 54 µg /m3, nguyên nhân - từ giao thông chiếm khoảng 40%, đốt sinh khối: 13%, công nghiệp thép và xi măng: 19%, đốt than đá: 17%, Sulfate thứ cấp: 7.8% và bụi bốc lên từ đất: 3.4%. Nghiên cứu của nhóm giáo sư Kim Oanh và cộng sự công bố sau đó ba năm với mẫu được lấy ở điểm khác trong khoảng ba tháng đã cho thấy bức tranh khác: lượng bụi PM2.5 là 76 µg /m3 với nguồn thứ cấp: 40%, giao thông (mới chỉ đo được của động cơ diesel): 10%, đun nấu sinh hoạt và kinh doanh nhỏ: 16%, Sulfate thứ cấp: 16%, nguồn có bản chất muối biển: 11%, công nghiệp/lò đốt rác: 6% và bụi đường, bụi xây dựng: 1%.

Những công bố khoa học này được PGS.TS Nghiêm Trung Dũng thống kê đều là trên các tạp chí uy tín, đáng tin cậy. Sự khác biệt giữa chúng cho thấy sự phức tạp trong đánh giá các nguồn gây ô nhiễm không khí: địa điểm đo, thời gian đo, không gian phân bố, lượng điểm đo sẽ mang lại các kết quả khác nhau.

Nghiên cứu đăng vào năm 2020 của PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cũng đưa lại kết quả mới nhất về nguồn bụi nano (với nguồn từ giao thông: 46.28%; bụi thứ cấp: 31.18%; đun nấu sinh hoạt và kinh doanh nhỏ (đốt than): 12.23%; công nghiệp: 6.05%, bụi đường và bụi xây dựng: 2.92%) lấy mẫu từ năm 2015 tại trạm đo Nguyễn Văn Cừ, Long Biên có thể cũng không còn sát mức độ ô nhiễm bụi nano trong bầu không khí của thời điểm hiện tại.

Một câu hỏi nữa mà công luận quan tâm trong thời gian này là liệu có hiện tượng ô nhiễm tầm xa, như lan truyền các chất ô nhiễm từ phương Bắc tới Việt Nam, thì cũng không dễ trả lời. Vấn đề lan truyền không khí ô nhiễm từ nơi khác là phổ biến trên thế giới, chúng ta ở gần Trung Quốc là nước đốt than thuộc hàng nhiều nhất thế giới nên về mặt nguyên tắc có thể đặt câu hỏi đó, nhưng theo TS Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, để biết chính xác có sang đến ta, sang bao nhiêu thì cần phải có nghiên cứu định lượng, phải có các trạm quan trắc tại biên giới và các tỉnh khác nhau và có một quá trình phân tích thì mới khẳng định được.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

Tác động đến chính sách?

Câu chuyện công chúng muốn hiểu về bản chất của ô nhiễm không khí Hà Nội rút cục để mong tìm được một số giải pháp khả thi để hạn chế ô nhiễm trong tương lai gần, thông qua việc đòi hỏi các nhà quản lý phải quan tâm hơn đến bầu không khí chung. Muốn như vậy chúng ta cần có được những thông số thuyết phục, không chỉ từ bụi mịn mà còn các thành phần ô nhiễm khác. Tuy nhiên với các thành phần ô nhiễm khác thì chúng ta cũng không dễ có số liệu. “Theo hiểu biết của tôi thì hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời đó. Không tìm thấy số liệu mức đóng góp định lượng của các nguồn thải tới nồng độ các chất ô nhiễm dạng khí. Chẳng hạn, chúng ta chưa thể biết SO2 do nguồn nào là chính, NO2 là nguồn nào?” PGS.TS Nghiêm Trung Dũng nói.


Nhà nước sẽ phải có chính sách để có nhiều nghiên cứu hơn, nhiều số liệu hơn và công khai số liệu, từ đó đưa ra định hướng giải pháp cho sản xuất kinh tế. Nhưng các doanh nghiệp, những chủ nguồn thải, ví dụ như nhà máy nhiệt điện, xi măng, thép, các làng nghề...cũng không thể không có trách nhiệm giảm phát thải.


Giới nghiên cứu ô nhiễm không khí đều còn nhớ cách đây hai mươi năm, GS.TS Phạm Ngọc Đăng phải nêu chính xác chì ô nhiễm trong không khí đến từ xăng, từ đó mới có khuyến cáo cụ thể cho Bộ KH&CN và môi trường và các bộ, ngành liên quan để đi tới quyết định cấm lưu hành xăng pha chì. Nếu không có các nghiên cứu “chỉ mặt đặt tên” nguồn phát như vậy thì chúng ta cứ loay hoay trong việc ra các quyết định phòng chống ô nhiễm không khí, mà chính sách thì không thể “dàn hàng ngang” không có trọng tâm được. Khẳng định “chừng nào chúng ta chưa xác định được nguồn thải chính thì chừng đó công tác phòng chống ô nhiễm còn gian truân” của PGS.TS Nghiêm Trung Dũng hoàn toàn đúng bởi vì các nhà quản lý không thể đưa ra các quyết sách “nhỏ lẻ” hoặc “giật gấu vá vai” khi mới chỉ có một số căn cứ về nguồn phát thải của một vài loại bụi mà không có bức tranh toàn cảnh.

Tuy nhìn vào những kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí bước đầu mà PGS.TS Nghiêm Trung Dũng tự nhận là còn quá ít nhưng không có nghĩa là chúng ta chưa chuẩn bị gì. Với những công bố phân tích về nguồn gốc của những thành phần trong không khí ô nhiễm cho đến nay, giới khoa học đã có kinh nghiệm và sự chuẩn bị cho việc xắn tay vào vẽ một bức tranh cụ thể hơn về ô nhiễm không khí, nhưng giờ đây các cơ quan quản lý có đủ quyết tâm đặt một bài toán này lên bàn cho các nhà khoa học và đầu tư đủ lớn dài hơi cho nhiệm vụ này hay không?

Bằng cái nhìn nhiều năm kinh nghiệm của người từng kinh qua vai trò quản lý, TS Hoàng Dương Tùng, từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn chỉ ra căn nguyên ở vấn đề “đầu tư cho nghiên cứu không khí rất thấp so với nước thải hay rác thải rất thấp. Tôi biết các nhà khoa học cần số liệu, nhưng cái cơ bản là số liệu đo của chúng ta còn rất ít, rất rất thiếu”.

Theo TS Hoàng Dương Tùng và PGS Nghiêm Trung Dũng, để có được bức tranh toàn cảnh, điểm cốt yếu là phải kiểm kê phát thải định kỳ, xem mỗi nguồn phát thải đóng góp bao nhiêu % vào không khí ô nhiễm. Ví dụ như phải nắm được trong khoảng 2015-2020, ở Hà Nội thì giao thông phát thải bao nhiêu phần trăm, tương tự với sản xuất, xây dựng, đốt sinh khối, đốt rác... Và phải kỹ hơn nữa, là trong giao thông thì phương tiện gì đóng góp bao nhiêu phần trăm.

Để làm được việc này, vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu”. Nhà nước phải đầu tư cho việc lấy số liệu theo hai cách: trên xuống dưới và dưới lên trên. Từ trên xuống dưới nghĩa là dựa vào hệ số phát thải, nhiên liệu sử dụng để tính toán, từ dưới lên nghĩa là tính toán, đo đạc trên thực tế. Nhưng mặc cho yêu cầu “kiểm kê phát thải” đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2014 thì cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được lần kiểm kê phát thải nào. Và để bắt đầu cũng cần phải có hướng dẫn kỹ thuật, có quy trình như kiểm kê dân số hàng năm ấy nhưng theo TS Hoàng Dương Tùng thì đến nay chúng ta cũng chưa có được hướng dẫn kỹ thuật. Dù cho tất cả sự đầu tư, chuẩn bị ấy tốn kém, thì “kiểm kê phát thải là việc chắc chắn phải làm, nếu không làm thì sẽ không có chính sách đúng. Chúng ta cứ mãi mãi cãi nhau về giao thông, hay là sản xuất, hay là đốt rơm rạ... cái nào là nguồn phát thải cần ưu tiên xử lý”, TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.


Một số vấn đề đặt ra với Hà Nội trong việc giải quyết ô nhiễm không khí hiện nay?

Từ góc độ của mình tôi nghĩ, thứ nhất Hà Nội ưu tiên giải quyết ngay tình trạng giao thông, nhưng không phải bằng cách thu hồi xe máy cũ vì không có cách gì thu hồi tài sản của người dân cả, mà chỉ có thể thông qua chính sách kiểm soát khí thải.

Thứ hai, hiện nay Hà Nội có rất nhiều công trình xây dựng và hoàn toàn có thể kiểm soát qua camera và công khai dữ liệu.

Thứ ba là xung quanh Hà Nội không có các cơ sở sở xuất nữa nhưng số làng nghề tái chế rất nhiều, hàng nghìn ống khói tua tủa, nhưng liệu Hà Nội có kiểm soát được không?

Thứ tư, ngoài việc đốt rơm rạ thì chúng ta đốt rác rất nhiều, tôi nghĩ không phải dân đốt, dân đốt ít thôi, chính những đơn vị được thuê thu gom để xử lý rác. Chúng ta có kiểm soát được không? Nhưng mọi người cũng đừng nghĩ tôi làm thế thì ngay ngày mai chất lượng không khí sẽ tốt hơn. Chúng ta cần điều chỉnh theo một lộ trình.

TS Hoàng Dương Tùng


Chú thích:

* Tọa đàm do Tia sáng phối hợp cùng Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), Trung tâm sống và học tập vì môi trường (Live&Learn) tổ chức