Đầu tháng 6, Sở Giao thông Vận tải TPHCM trình dự thảo về đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn để các chuyên gia và người dân góp ý, sau mấy tháng dư luận tranh cãi gay gắt về chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” mà ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM - khởi xướng và rầm rộ triển khai.
Dự thảo tuy tiếp tục gây nhiều băn khoăn, tranh luận nhưng đã thể hiện nỗ lực của chính quyền trong việc lắng nghe và tìm giải pháp mới cho vấn đề quản lý vỉa hè, sao cho vừa đảm bảo văn minh đô thị vừa hạn chế gây tổn thương cho bộ phận dân cư mưu sinh trên hè phố - với nhiều người được xếp vào nhóm yếu thế, lại vừa không “quay lưng” với văn hóa.
Theo nhiều chuyên gia, cơ sở khoa học để tạo sự đồng thuận trong câu chuyện quản lý vỉa hè là “đối xử” với nó không chỉ như với một phần của cơ sở hạ tầng đô thị, mà như với một thực thể văn hóa - xã hội. Nghĩa là, phải thừa nhận vai trò của vỉa hè không chỉ là nơi đi lại cho khách bộ hành, mà còn có các lợi ích khác cả về vật chất lẫn tinh thần, mà đối tượng thụ hưởng bao gồm cả người giàu lẫn người nghèo, cả người bình dân lẫn tinh hoa trí thức, cả cá nhân và cộng đồng, bởi những gì diễn ra và được lưu giữ trên vỉa hè cũng góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của một thành phố, một quốc gia.
Nói một cách hình ảnh, cần ứng xử với vỉa hè như với một thực thể sống có linh hồn, có cá tính, “mỗi ngõ phố, con đường cần được đối xử theo cách riêng” như ý kiến của Phó Giáo sư - tiến sỹ Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học. Đó là cách ứng xử đòi hỏi ở nhà quản lý cả sự tinh tế.
Sự tinh tế này có lẽ cần thể hiện ở cả góc tiếp cận khi triển khai chiến dịch. Thay cho slogan “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” vốn chỉ xác định một đối tượng thụ hưởng trực tiếp duy nhất, có lẽ một slogan khác mang thông điệp lập lại trật tự, an toàn, đảm bảo văn minh, văn hóa cho không gian chung này sẽ tạo sự đồng thuận cao hơn.
Và để có sự tinh tế đó, những người hoạch định, thực thi chính sách về quản lý đô thị rất cần sự hỗ trợ của giới khoa học, trong đó có các chuyên gia về văn hóa, xã hội học, với việc triển khai các nghiên cứu đủ dày dặn, quy mô. Một khi có được chính sách phù hợp, thống nhất giữa các cấp, các cơ quan, ban ngành để đồng lòng thực hiện, những cá nhân tiên phong như ông Đoàn Ngọc Hải sẽ được “yểm trợ” tốt hơn cả về nguồn lực lẫn phương pháp và không còn phải đóng vai trò một người hùng cô đơn.