Người ta nói rất nhiều về giá trị tài sản vô hình của các công ty như bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, mối quan hệ, kiến thức kinh doanh, bí mật thương mại... Tuy nhiên, việc định giá những tài sản này không phải là điều đơn giản.

Theo quy trình do Joseph G. Hadzima - Đại học Công nghệ Massachusetts, Mỹ - đưa ra, cần thực hiện 6 bước để định giá bằng sáng chế.

Công ty phá sản vẫn có giá hàng tỷ USD

Năm 2012, Google mua Motorola Mobolity cùng 17.000 bằng sáng chế với giá 12,5 tỷ USD để bảo vệ Android - hệ điều hành cho điện thoại di động - trước các vụ kiện bản quyền sở hữu trí tuệ của các đối thủ. Cũng năm này, Microsoft thu mua 800 bằng sáng chế từ công ty AOL với giá hơn 1 tỷ USD chỉ để bán lại 70% trong số đó cho Facebook với giá 550 triệu USD. Năm 2013, Kodak - một công ty phá sản của Nhật, nổi tiếng về camera, máy ảnh số - bán hơn 1.100 bằng sáng chế trong lĩnh vực chụp ảnh - cho nhiều hãng công nghệ - trong đó có Apple, Microsoft, Google - với giá 525 triệu USD.

Những ví dụ trên cùng với thực tế 70-80% giá trị tài sản của nhiều công ty lớn hiện nay là tài sản vô hình cho thấy giá trị vô cùng lớn của bằng sáng chế trong thời buổi tài sản trí tuệ chuyển từ vai trò có liên quan tới pháp luật sang vai trò có giá trị chiến lược. Đây chính là lúc vai trò của công tác định giá, của người định giá bằng sáng chế được nâng cao.

Kodak dù bị phá sản nhưng vẫn có giá trị lớn nhờ danh sách bằng sáng chế mà công ty sở hữu. Ảnh: Fortune
Kodak dù bị phá sản nhưng vẫn có giá trị lớn nhờ danh sách bằng sáng chế mà công ty sở hữu. Ảnh: Fortune

Các bước định giá

Joseph G. Hadzima - giảng viên Trung tâm Niềm tin cho doanh nhân MIT Martin và trường quản trị thuộc Đại học Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) - đã đưa ra một số bước định giá bằng sáng chế.

Đầu tiên, cần nhìn vào danh sách bằng sáng chế mà công ty sở hữu. Việc đó khá đơn giản bởi thông tin dạng này có thể tìm thấy ở các văn phòng sở hữu trí tuệ tại từng quốc gia, hoặc trên website tra cứu thông tin miễn phí về bằng sáng chế của Mỹ là see-the-forest.com. Sau khi tìm được danh sách bằng, cần xác định bằng nào có liên quan tới đối thủ cạnh tranh, đánh giá tầm quan trọng của các bằng sáng chế của công ty, cách thức quản lý công ty có tạo điều kiện cho danh mục mang tính chiến lược về bằng sáng chế không, bằng đó có phải là hỗn hợp của những ý tưởng hay hay không...

Tiếp theo, cần đặt câu hỏi phần sáng tạo của sáng chế có tầm quan trọng ra sao. Nó là dạng sáng tạo có tính thay đổi cục diện - như bằng sáng chế Cohen Boyer về cắt lớp gene cơ bản của 2 giáo sư Đại học Standford, Mỹ được đánh giá là có thể tạo ra cả một ngành công nghiệp sinh kỹ thuật - hay chỉ là một sáng chế có tính gia tăng, kiểu thêm tiếng kêu cho một trò chơi con trẻ.


Để định giá được tầm quan trọng của sáng chế, có thể quan sát xem nó có được các nhà sáng chế khác trích dùng lại hay không (thường khi nộp đơn sáng chế, bạn phải chứng minh được ý tưởng của mình là mới bằng cách dẫn nguồn những bằng sáng chế hoặc tài liệu khác có tính tương đồng, từ đó chỉ ra sự khác biệt trong sáng chế của mình). Càng được trích dẫn nhiều càng chứng tỏ sáng chế của bạn có giá trị.

Neal Solomon - CEO Công ty công nghệ của các hệ thống tiên tiến, Mỹ - nói: “Giá trị của một bằng sáng chế phụ thuộc vào giá trị kinh tế của nó - một thứ mang tính hiện tượng thị trường. Chỉ những bằng sáng chế có ảnh hưởng tới thị trường thì mới hay bị tấn công”.

Sau khi định giá tầm quan trọng của sáng chế, chúng ta cần đặt ra câu hỏi liệu bằng sáng chế này có bao quát và bảo vệ được giá trị của sáng tạo hay không. Joseph G. Hadzima cho rằng, bằng sáng chế giống như một mảnh đất (bất động sản). “Khi có đất, chúng ta sẽ phải rào lại để ngăn người lạ xâm nhập. Ở đây, hàng rào chính là những khiếu nại có thể có liên quan tới sáng chế” - Joseph nói. Những sáng chế ít có khả năng bị kiện chính là những sáng chế có giá trị.

Bước cuối cùng là kiểm tra xem làm cách nào để tạo ra giá trị từ bằng sáng chế. Chẳng hạn, với sáng chế của Cohen - Boyer, Đại học Standford có chiến lược cấp giấy phép không độc quyền với khoản phí chỉ khoảng 10.000USD. Tuy nhiên, họ hướng tới lấy phí bản quyền (dù chỉ là phần nhỏ) với bất cứ sản phẩm nào được phát triển nhờ sử dụng công nghệ này; nghĩa là những đơn vị được cấp phép chỉ phải trả phí khi có sản phẩm ra thị trường. Kết quả là, chỉ tính tới năm 2013, bằng sáng chế này đã đem về khoảng 250 triệu USD phí bản quyền cho Đại học Standford.

Như vậy, bằng sáng chế đơn lẻ giống như một viên gạch và danh sách các bằng sáng chế là một bộ sưu tập có thể chỉ đơn thuần là tạo nên một đống gạch, nhưng cũng có thể trở thành một tòa nhà vững chãi và đẹp đẽ. Điều đó phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý của nhà lãnh đạo.