Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, Giáo sư (GS) Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam - cho rằng cần nhìn nhận ảnh hưởng của hiện tượng này trong tương quan với sự phát triển chung của đất nước.

Một hiện tượng gây phản ứng hai chiều

Câu chuyện “đòi lại vỉa hè” của Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM Đoàn Ngọc Hải có thể gọi là “hiện tượng”, cũng có thể gọi là “sự kiện”. Tôi đã quan tâm đến sự kiện này từ lâu cả với tư cách công dân lẫn nhà khoa học. Nếu như TS Phương Chi coi ông Hải là “nhân vật tích cực”, “người hùng” (nói theo ngôn ngữ lý luận văn học) thì dưới góc nhìn của tôi, “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” tạo ra trong xã hội phản ứng hai chiều.

Đối tượng “bị dọn dẹp” có quan điểm, thái độ khác nhau, trong đó nhiều người không đồng tình, thậm chí phản đối, thù ghét do bị động chạm đến lợi ích. Nhiều người trong số họ là dân lao động, cuộc mưu sinh dựa vào vỉa hè với việc mở quán phở, hàng chè, đồ ăn vặt. Họ coi mình là nạn nhân của chiến dịch “đòi vỉa hè” và muốn duy trì mọi thứ như cũ.

Còn phía ủng hộ - ngoài lãnh đạo TPHCM - là ai? Họ là những người muốn TPHCM văn minh, sạch đẹp như Paris, Tokyo, Singapore, muốn có văn minh đô thị phù hợp với thời đại, nơi cư dân và du khách có thể dạo chơi, thư dãn trên hè phố thay vì một đô thị kiểu cũ - đô thị nông thôn hóa, đô thị của nông dân và hiện diện trên vỉa hè đều là những người đang vật lộn với áo cơm.

Giáo sư Phong Lê.

Xã hội phát triển đến một mức độ nào đó sẽ có một tầng lớp trung lưu, trí thức, những người có nhu cầu thư dãn, muốn ngắm nghía phố phường, muốn tìm hiểu văn hóa của dân tộc qua hình ảnh các thành phố và lực lượng này ngày càng đông ở các đô thị Việt Nam. Đối với họ, chiến dịch “dọn dẹp vỉa hè” mà ông Đoàn Ngọc Hải phát động và xắn tay thực hiện một cách quyết liệt lẽ ra phải được làm từ lâu để có một thành phố mà văn minh đô thị đi vào nền nếp.

Đột phá cần thiết

Sự xuất hiện “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” với hiệu ứng truyền thông vang dội như chúng ta thấy có tính tất yếu, bởi đất nước đang đi vào bước ngoặt của lịch sử mà tôi tạm gọi là “bước ngoặt đô thị hóa”. Sự kiện “dọn dẹp vỉa hè” này liên quan đến vấn đề đô thị hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, liên quan đến nhu cầu phát triển tăng tốc và bền vững của dân tộc. Trong hoàn cảnh này, chiến dịch mà Đoàn Ngọc Hải phát động là một sự khởi động cần thiết.

Sự kiện này không thể xảy ra vào thời điểm mấy chục năm trước, khi cả đất nước phục vụ cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và chống xâm lược. Trong giai đoạn đầu đổi mới (những năm 80 thế kỷ trước), vấn đề dọn dẹp vỉa hè cũng chưa được đặt ra bởi chúng ta đang vật lộn với việc phát triển kinh tế, cởi trói, phá vỡ những ràng buộc của thời bao cấp để có thể “sống được”. Đó là thời mà gương mặt buồn lo được ví với hình ảnh “mất sổ gạo” - chứng tỏ dân tộc sống nhờ vào nông nghiệp, các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của con người chưa được đáp ứng đầy đủ.

Ông Đoàn Ngọc Hải trong một buổi ra quân “giành lại vỉa hè”. Ảnh: An Đàm

Tình hình đất nước ở thập niên 90 cũng chưa phải là môi trường, hoàn cảnh có thể xuất hiện “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải”, khi vẫn còn những người dân phải chống đỡ với cái đói. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và bước vào tiến trình hội nhập. Từ năm 2000, đất nước phát triển trong hội nhập, trong quan hệ với ASEAN, trong cách làm bạn với thế giới.

Đầu thế kỷ 21, chúng ta mới đặt ra vấn đề phát triển bền vững trong tư thế hội nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Dân tộc thoát đói, có gạo và nhiều thứ khác để xuất khẩu, nông thôn cũng bắt đầu đô thị hóa và nông dân tràn ra thành thị khiến mật độ dân số ở các thành phố lớn tăng nhanh một cách khủng khiếp. Phố phường chật chội, người đông đúc và các vấn đề của đô thị hóa lúc này mới thực sự được đặt ra.

Đô thị hóa trong chiến tranh và đô thị hóa trên cơ sở một nền nông nghiệp lạc hậu sẽ không làm nảy sinh vấn đề dọn dẹp vỉa hè, bởi khi đó đô thị sống nhờ vào nông thôn với những cô hàng cốm ở làng Vòng, rượu làng Vân, bánh cuốn Thanh Trì...

Còn bây giờ là dịch vụ hóa. Thời điểm này khác rất nhiều với trước đây 10 năm, khi nhu cầu phát triển đẩy chúng ta vào sân chơi lớn của thế giới. Nhu cầu chỉnh trang lại đô thị cần một cú hích để bắt đầu và Đoàn Ngọc Hải đã là phát súng khởi động đó. Cũng vì vậy mà chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của ông Hải lập tức bùng lên thành một hiện tượng, nhận được sự ủng hộ của bộ phận không nhỏ nhân dân bởi nó đáp ứng được nhu cầu của thời cuộc, của sự phát triển dân tộc, của văn minh đô thị, của sự đối ứng với nước ngoài.

Liệu sự kiện này có thể xảy ra sớm hơn? Để “bùng nổ”, sự vận động và phát triển phải đi đến tận cùng của nó, gây ra bức xúc trong xã hội, bắt buộc phải giải quyết. Sự kiện Đoàn Ngọc Hải là bước khởi động đầu tiên và khó tránh khỏi nhằm xử lý một tình huống tích lũy quá lâu, có độ chênh khá xa với văn minh đô thị của thế giới.

Đô thị hóa ở ta khác hoàn toàn với đô thị hóa ở phương Tây - vốn bắt đầu từ thế kỷ 18 với cách mạng tư sản Pháp và được hoàn thiện qua mấy thế kỷ. Khi bước vào hội nhập quốc tế, chúng ta cần so sánh với các nước trên thế giới chứ không phải với chính mình trong quá khứ.

Có thể giải thích ngắn gọn như sau về “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải”: Đất nước bước vào hội nhập sau một giai đoạn lịch sử nặng nề khi chưa thể chỉnh trang đô thị, những cái thuộc về văn hóa cũ chưa thể thay đổi nhưng bây giờ phải thay đổi. Vấn đề này đặt ra vô cùng gấp gáp, dồn nén và thử thách cả hai phía công luận, mà phía đồng tình hay phản đối đều có cái lý của họ.


Tâm lý và lối sống tiểu nông - rào cản lớn nhất

Vấn đề hiện nay là làm thế nào để nhân rộng “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” cũng như xử lý tốt những vấn đề do lịch sử để lại, để không động chạm đến lịch sử, văn hóa, thậm chí vi phạm dân chủ khi xử lý thiếu khéo léo. Để làm được điều đó, theo tôi, cần có điều tra xã hội học xem kể từ thời điểm ông Đoàn Ngọc Hải phát động chiến dịch giải phóng vỉa hè đến nay, hiệu quả thu được đến đâu; những điểm đã được “dọn dẹp” còn tái diễn cảnh lấn chiếm hay không, tâm lý những người bán hàng bị “dọn dẹp” giờ ra sao, cuộc sống của họ thế nào; hiệu quả giải phóng vỉa hè ở các quận khác của TPHCM như thế nào, chiến dịch được nhân rộng ra các địa phương khác ra sao...

Về việc xử lý những vấn đề do lịch sử để lại, sẽ không dễ dàng vì tâm lý tiểu nông đến bây giờ vẫn tồn tại trong mỗi con người Việt Nam, không trừ ai, trong đó có tôi. Trong mỗi chúng ta vẫn có “gene” của người sản xuất nhỏ, nhìn mọi vật theo lăng kính của người sản xuất nhỏ, tức chỉ vì lợi ích của một bộ phận mà hy sinh lợi ích của cộng đồng lớn hơn. Minh chứng cho điều này nhan nhản trong đời sống.

Tầng lớp mà tôi kỳ vọng ủng hộ những người như ông Đoàn Ngọc Hải và thúc đẩy xã hội tiến lên chính là lực lượng trẻ - những người thuộc thế hệ 9X trở đi bởi theo tôi, thế hệ 8X trở về trước đã là lực lượng cũ, bị ám ảnh rất nặng bởi tâm lý tiểu nông. Lớp trẻ sẽ là lực lượng không bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiểu nông trong nền giáo dục truyền thống của họ; và trong gia tộc, họ không bị sức đè rất lớn của tâm lý này.

Trong số những người bị ảnh hưởng lợi ích bởi quá trình chỉnh trang đô thị có nhiều người lao động chân chính, lương thiện. Vậy phải hành xử với họ như thế nào cho nhân văn? Cưỡng chế hay từ tốn? Có cần thuyết phục họ một thời gian và tạo công ăn việc làm cho họ? Đó là việc khó cho bộ máy công quyền. Rõ ràng, chúng ta cần nghiên cứu tìm ra giải pháp để xử lý những vấn đề do lịch sử để lại này một cách nhân văn mà vẫn triệt để ủng hộ cái mới, cái văn minh nhờ một lực lượng trẻ và khoa học, công nghệ. Để được như vậy, cần phải đi từng bước một. Chậm rãi mà chắc chắn.

Trên khía cạnh cá nhân, tôi ủng hộ hành động của ông Hải. Nếu không có ông Đoàn Ngọc Hải thì nhất định sẽ có một người khác giữ vai trò khởi động đó, một tấm gương quyết liệt làm mà không sợ công luận, đặc biệt là không sợ ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân. Nếu Đoàn Ngọc Hải đi được đến cùng công việc mà ông bắt đầu thì phải rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm từ sự kiện Đoàn Ngọc Hải để điều hành, xử lý những vấn đề của lịch sử để lại một cách nhân văn. Bởi phải qua mấy thế hệ chúng ta mới có thể xóa tâm lý tiểu nông rất nặng của người Việt. Giai đoạn thuộc địa và chiến tranh kéo dài khiến Việt Nam chậm công nghiệp hóa, sau đó là giai đoạn hội nhập gấp gáp chỉ mới mười mấy năm, trong khi phương Tây có hẳn 3 thế kỷ cho việc xóa tâm lý đó. Khi xóa được triệt để tâm lý tiểu nông, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra rất nhanh, bởi sẽ không có hoặc ít có gì cản trở.

GS Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ, sinh ngày 10/11/1938 ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

GS Phong Lê đã viết riêng và chủ biên khoảng 30 công trình lý luận và nghiên cứu về văn học Việt Nam thế kỷ 20. Trong đó, cụm công trình gồm: “Văn học Việt Nam hiện đại, những chân dung tiêu biểu”, “Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại”, “Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lý luận” đã được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.