Đó là ý kiến của tiến sỹ Phạm Phương Chi - Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - trong bài viết gửi Khoa học và Phát triển.
Giải mã sức lan tỏa của hành động dẹp vỉa hè
Sau khi ông
Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, thành phố Hồ Chí Minh - phát động chiến dịch giành lại vỉa hè trên địa bàn mình quản lý và tạo thành “cơn sốt” trên báo chí, mạng xã hội, rất nhiều địa phương cũng triển khai chiến dịch này dù không có một chỉ thị hay quyết định nào từ cơ quan quản lý cấp trên.
Ông Đoàn Ngọc Hải làm việc về công tác giải phóng vỉa hè với lãnh đạo phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM chiều 19/3. Ảnh: Lê Phan
Điều này cho thấy sức mạnh của truyền thông (truyền hình, báo chí và nhất là Internet) trong việc làm lan tỏa hành động dẹp vỉa hè của ông Hải. Có thể hoạt động này nằm trong chương trình, kế hoạch của chính quyền, nhưng rõ ràng truyền thông đã làm cho nó trở thành vấn đề thu hút dân chúng một cách rộng lớn, tức là nó tác động từ dưới lên, chứ không chỉ là mệnh lệnh từ trên xuống.
Công chúng - bao gồm cả tôi - biết về các vụ dẹp vỉa hè của ông Hải đa phần qua truyền thông. Nội dung của những thước phim công chúng đến với công chúng, dù phản ánh những sự kiện khác nhau, đều tập trung làm nổi bật những hình ảnh, phẩm chất... dường như tương đồng với lý tưởng, nguyện vọng, niềm tin của người dân Việt Nam kể từ Cách mạng Tháng tám về vấn đề giai cấp và người lãnh đạo lý tưởng.
Thứ nhất, hình ảnh ông Hải cương quyết xử lý sự lấn chiếm của các cơ sở, tập đoàn kinh tế lớn thể hiện quan điểm không phân biệt giàu nghèo. Lời nói của ông - “đòi vỉa hè lại cho nhân dân” - dường như cũng làm vang lại khẩu hiệu của cuộc cách mạng ngày nào, trong đó quyền lợi của nhân dân được đặt lên trên hết. Trong hoàn cảnh có nhiều tiếng nói xuyên tạc, những cá thể tiêu cực, điều này làm dịu đi tâm lý bi quan về sự chi phối và lợi ích của các cá nhân, tập đoàn có thế mạnh về tài chính, để người dân thấy rằng đây vẫn là chính quyền hướng đến lợi ích của nhân dân, dù giàu hay nghèo đều bình đẳng trước pháp luật.
Thứ hai, đây là hình ảnh hiếm hoi về một vị lãnh đạo xuống đường, vị lãnh đạo không xuất hiện trong không gian hội họp với nụ cười và cái bắt tay hữu nghị, mà là vị lãnh đạo đối mặt trực tiếp với bụi đất, với sự chống đối và bộc lộ rõ những sắc thái biểu cảm trên gương mặt và lời nói thể hiện hỉ, nộ, ái, ố rất đời thường, tương ứng với tình huống gặp phải.
Hình ảnh ông Hải trên truyền thông đánh trúng vào những hoài nghi, những dư luận trái chiều về hình ảnh người đứng đầu các tổ chức chính quyền ở Việt Nam, nhắc nhở họ rằng vẫn đang tồn tại những lãnh đạo chân chính với các phẩm chất: Thấm nhuần lý tưởng vì nhân dân; có tri thức để ra mệnh lệnh, tranh luận có sức thuyết phục; thanh liêm, đạo đức (không bị ràng buộc bởi các tập đoàn, tổ chức, hay cá nhân có điều kiện kinh tế và vị thế xã hội nào, không bị lung lay bởi phụ nữ đẹp) và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Tôi nghĩ, hai yếu tố tạo nên sự lan tỏa những hành động giống như của ông Đoàn Ngọc Hải (qua kênh truyền thông) ra cộng đồng là: Hành động có sự cho phép của chính quyền; hành động đó đánh trúng nỗi âu lo của công chúng về đất nước trước quá nhiều luồng tư tưởng trái chiều và trước những hiện tượng, cá thể tiêu cực trong các cơ quan, đoàn thể. Truyền thông góp phần tích cực đẩy mạnh sức lan tỏa này.
Sự phản đối từ văn hóa “vị tình”
Từ hành động của ông Đoàn Ngọc Hải, có sự phân rẽ của các luồng ý kiến: Ủng hộ, phản đối dữ dội (với lý do lấy mất kế sinh nhai của nhiều người dân đang sống dựa vào vỉa hè), nghi ngờ hành động này có sự tác động từ trên cao...
Tôi cho rằng, hành động này có sự cho phép từ cấp trên và nó thích hợp, nếu như không nói là một chiến lược để khôi phục và làm tăng lòng tin của dân chúng về tôn chỉ vì dân của chính quyền. Nó là một hành động cần thiết để thu phục lòng dân và dư luận quốc tế về sức mạnh và đạo đức của chính quyền.
Ông Hải và TPHCM đã hành động thật, trở thành tấm gương sáng đáng được noi theo cho cả nước (việc tấm gương này có thể được soi ở những đâu, thành phần dân chúng nào, cần đến rất nhiều vai trò của truyền thông). Nêu gương, làm gương và xây dựng các tấm gương luôn là một cách thức để vận động quần chúng hướng đến những tư tưởng, hành động được coi là tiêu chuẩn đạo đức và chính trị của thời đại.
Việc ông Hải bị phản đối có một lý do là văn hóa Việt Nam chưa quen với việc sống theo pháp luật. Cái kiểu cả nể, thương cảm, thấu tình vẫn tác động đến cách quản lý, xử lý vi phạm trong xã hội (cách tranh luận phản đối ông Hải đa số dựa vào cái tình hay sự yếu thế - về giới, về tuổi, kinh tế - để gợi lòng thông cảm). Có lẽ hành động của ông Hải lần đầu cho thấy, mọi việc cứ đúng pháp luật mà xử lý, không có yếu tố nào chi phối việc xử lý này. Đây là tác phong làm việc chuyên nghiệp, dựa trên pháp luật, dựa trên công việc, chưa quen thuộc với “văn hóa” Việt Nam.
Ông Đoàn Ngọc Hải "xuống đường" chỉ đạo xử lý các vi phạm vỉa hè. Tuy nhiên, hành động của ông Đoàn Ngọc Hải và hành động tương tự ở địa phương khác cũng rất dễ trở thành chủ đề để các cá nhân, tổ chức đối lập phát triển thành luận điểm chống chính quyền - nhất là ở phương diện nhiều người bị ảnh hưởng về nơi làm việc và cách kiếm sống. Những người chịu ảnh hưởng nhiều đa phần là người lao động tự do, không có cuộc sống ổn định; họ cũng là một bộ phận của quần chúng nhân dân, đối tượng đầu tiên cần được đảm bảo về quyền lợi như tôn chỉ xây dựng đất nước từ thời Việt Nam giành được chính quyền.
Vì thế, trước khi tiến hành một chính sách, luôn cần có sự tuyên truyền về tư tưởng và có chương trình sắp xếp để đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân. Chiến dịch dẹp vỉa hè cần được tiến hành song song các chương trình sắp xếp, bố trí nơi buôn bán cho những người đang kiếm kế sinh nhai trên hè phố.
Một khi hiện đại hóa còn là mục tiêu trong công cuộc xây dựng đất nước thì sẽ luôn có việc một số nhóm người bị mất đi quyền lợi kinh tế và chính trị nếu không tự thay đổi và phát triển để thích nghi. Vì thế, các chương trình hướng đến mục tiêu hiện đại hóa cần được tiến hành bài bản, toàn diện (dù là quyết liệt và khẩn trương như cách ông Hải làm) để hạn chế tối đa sự mất mát về kinh tế và xã hội của người dân.
Khoa học cần vào cuộc
Tiến sỹ Phạm Phương Chi - Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Từ “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” trên truyền thông, tôi nghĩ khoa học xã hội có thể tiến hành nghiên cứu về vai trò của truyền thông và cách thức quản lý truyền thông trong việc tác động, xây dựng và phát triển các chương trình hành động của Chính phủ và cộng đồng hướng đến quyền lợi con người, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia, dân tộc.
Ở quốc gia nào, hình ảnh trên truyền thông cũng đều nằm trong sự cho phép và trong chiến lược xây dựng hình ảnh về lãnh đạo, về quốc gia và về con người của chính quyền nắm quyền. Mỗi nước có những điều cấm kị riêng về chính trị và văn hóa mà truyền thông, văn hóa và văn học không được phép chạm đến.
Mặt khác, cần thực hiện những khảo sát về cuộc sống của người buôn bán đường phố trước và sau chiến dịch dẹp vỉa hè, từ đó có thể đề xuất các chương trình, dự án sắp xếp công việc cho người lao động bị ảnh hưởng.
Những hành động như của Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM Đoàn Ngọc Hải có thể làm nảy sinh tâm lý tiếc nuối về những cách sống được coi là “nét đẹp”, “văn hóa” hay “truyền thống” Việt Nam (hàng quán đường phố, gánh hàng rong, sự cảm tính, cả nể, trọng tình...).
Do đó, khoa học nên tiếp cận các vấn đề liên quan đến cái gọi là văn hóa truyền thống Việt Nam qua chiến dịch dẹp vỉa hè này khi đối mặt với các chương trình hướng đến hiện đại hóa, văn minh hóa, như: Văn hóa hàng ăn đường phố, xử lý và quản lý công việc dựa trên cảm tính, sự thỏa hiệp, thông cảm trong cộng đồng hay các mối quan hệ cá nhân.