Xóa nhòa sự phân tầng xã hội
Vỉa hè hiện đại ra đời cùng với Đạo luật vỉa hè Westminster, Anh vào năm 1762. Đạo luật này quy định mỗi đường có 2 vỉa hè ở hai bên để làm nơi đi lại an toàn và sạch sẽ cho khách bộ hành. Thời đó, đường phố ở Georgia, London trở thành những con đường văn minh kiểu mẫu khi vỉa hè giúp người đi bộ tránh được bùn, rác, nội tạng, máu, phân - những thứ vốn tràn ngập đường phố nước Anh ở thế kỷ 18.
Thời đó trên đường phố, sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo thể hiện rất rõ rệt. Những chiếc xe ngựa và ôtô giúp người giàu tránh được sự bẩn thỉu trên đường, trong khi người nghèo bị mặc định phải bước đi dưới lòng đường lầy lội. Sự ra đời của vỉa hè đã khiến sự phân cấp này dường như bị xóa mờ. Vỉa hè trở thành nơi mà mọi tầng lớp nhân dân - cả quý tộc lẫn người nghèo khổ - được cùng tận hưởng sự sạch sẽ trong một thành phố văn minh.
Sự ra đời của vỉa hè cũng đã làm thay đổi những con đường. Nếu như trước kia, cửa hàng phải được mở ở một số địa điểm an toàn, sạch sẽ nhất, là nơi tránh mưa, bùn và rác thì với sự xuất hiện của vỉa hè, cửa hàng được mở dọc theo các con phố để việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn. Đường phố trở nên đẹp đẽ hơn bởi những khung cửa trưng bày đồ đạc. Ánh sáng từ các cửa hàng làm sáng bừng vỉa hè, khiến chúng trở nên lung linh hơn. Lúc này, vỉa hè trở thành địa điểm của thời trang, ăn uống và cả của những khao khát.
Ngày nay, vai trò này của vỉa hè vẫn được củng cố. Nó trở thành một không gian chung cho cả người giàu, người nghèo, cho người bản xứ và du khách. “Vỉa hè là keo gắn kết mọi người trong thành phố. Nó là một phần của thành phố mà ai cũng phải sử dụng” - tiến sỹ Mitchell Moss - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Chính sách vận tải Rudin, Đại học New York (Mỹ) - chia sẻ.
Nhân chứng lịch sử của đô thị
Không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị văn minh, vỉa hè châu Âu còn trở thành một phần trong không ít cuộc đấu tranh chính trị. Chẳng hạn, năm 1968, học sinh, sinh viên Paris (Pháp) tham gia vào những cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Các viên đá cuội lát vỉa hè được họ cậy lên, chất đống thành ụ nhằm cản đường tiến của cảnh sát cũng như dùng làm công cụ tấn công cảnh sát. Những viên đá lát vỉa hè này về sau trở thành vật liệu biểu thị cho sự phản kháng.
Sau cuộc đấu tranh này, thành phố đã thay những viên đá cuội lát đường bằng tarmac (tên gọi chung cho nhiều loại vật liệu như đá dăm xỉa, các phương pháp xử lý bề mặt bằng bitum, hay ximăng asphalt hiện đại...). Điều này khiến thành phố Paris mất đi danh hiệu thành phố có những con đường trơn tru nhất châu Âu.
Thái độ của thành phố đối với vỉa hè hé lộ nhiều ý tưởng về không gian của công dân, quyền sở hữu và lòng quảng đại. Chẳng hạn, ở Rio de Janeiro, Brazil, kiến trúc sư Burle Marx đã sử dụng những hình lượn sóng để tạo ra cảm giác uốn lượn, gợi liên tưởng tới những bãi biển quyến rũ dọc Copacabana với đụn cát, sóng biển vỗ bờ. Quan trọng hơn, những hình ảnh lát trên vỉa hè tạo ra sự liên hệ với thủ đô mẫu quốc Bồ Đào Nha bên kia Đại Tây Dương (Brazil từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha).
Cùng với sự phát triển của lịch sử, vai trò của vỉa hè cũng thay đổi. “Vỉa hè là một thứ khá mâu thuẫn. Nó bắt đầu như biểu tượng của văn minh và dân chủ, nhưng cuối cùng lại trở thành nơi cư ngụ của người vô gia cư, người ăn xin và là nơi lũ chó tiểu bậy” - Edwin Heathcote - cây bút chuyên viết về thiết kế và kiến trúc của tờ Financial - nhận xét.
Lúc này, vỉa hè lại có vai trò như một người phân định giàu nghèo. Không khó bắt gặp hình ảnh những người vô gia cư chọn vỉa hè làm nhà, người nghèo chọn vỉa hè làm nơi mưu sinh như ở Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan... Gia tài mưu sinh của họ chỉ cần bếp than, một vài loại soong chảo, một chiếc bàn nhựa và một góc vỉa hè. Chính sự phụ thuộc vào vỉa hè khi mưu sinh của những hộ gia đình buôn bán nhỏ lẻ này đã khiến công cuộc dọn dẹp vỉa hè của các cơ quan chức năng tại những quốc gia này gặp nhiều khó khăn, trở ngại.