Đó là quan điểm của Phó Giáo sư - tiến sỹ Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - khi bàn về cách hành xử của chính quyền trong công tác quản lý vỉa hè.

Dưới đây là bài viết của ông dành cho Khoa học và Phát triển về câu chuyện “dọn dẹp” vỉa hè dưới góc nhìn xã hội học.


Phố sâu không nhất thiết có vỉa hè

Khi chiến dịch giải phóng vỉa hè bắt đầu ở TPHCM vào đầu năm 2017 và nhanh chóng lan tỏa ra nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bạc Liêu, người dân kỳ vọng có thể thấy được hình ảnh của văn minh đô thị.

Tuy nhiên, theo một số liệu được công bố vào tháng 5, trong 186 tuyến phố ở TPHCM chỉ có hơn 80 tuyến tạm gọi là duy trì được kết quả ban đầu, còn lại đều tái lập tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Tình trạng này cũng xảy ra ở Hà Nội. Để có kết quả bền vững thay vì thắng lợi tạm thời, sự đồng thuận cao là điều kiện không thể thiếu. Muốn thế, phải tính đến rất nhiều vấn đề như chuyện mưu sinh của người dân và đặc biệt là không đối xử với mọi khu vực, mọi ngõ phố, mọi con đường theo cách giống nhau.

Với phố phường, nên chăng chúng ta thực hiện chia ô, chia từng nhóm lớp. Ví dụ, với những đường phố nằm khuất phía sau phố lớn hoặc nằm bên trong thì không nhất thiết có vỉa hè; người dân có thể sử dụng cả lòng đường theo thể thức của phố đi bộ và vẫn có thể buôn bán.

Với quần chúng, để có sự đồng lòng thì phải xuất phát từ lợi ích chung, nghĩa là buộc lòng sẽ có nhóm bị đụng chạm lợi ích. Đó là nhóm người bị “dọn dẹp”, ở đây tôi tạm gọi là nhóm yếu thế - những người buôn thúng bán bưng mấy đồng quà, tấm bánh. Số tiền kiếm được dù rất ít nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với họ.

Một buổi xuống đường của Phó Chủ tịch UBND quận 1 - TPHCM Đoàn Ngọc Hải (áo trắng, hàng đầu) trong chiến dịch “đòi lại vỉa hè” đầu năm 2017. Ảnh: An Đàm
Một buổi xuống đường của Phó Chủ tịch UBND quận 1 - TPHCM Đoàn Ngọc Hải (áo trắng, hàng đầu) trong chiến dịch “đòi lại vỉa hè” đầu năm 2017. Ảnh: An Đàm

Do đó, ở đô thị lớn, phải đặt ra vấn đề đảm bảo an sinh cho nhóm yếu thế. Một nhóm khác cũng bị ảnh hưởng là nhóm đặc quyền đặc lợi, bảo kê vỉa hè, mặt phố. Họ cũng phản ứng muôn hình vạn trạng bằng sự phá hoại, bất hợp tác, xúi giục, bằng sự tham gia vào chính guồng máy lập lại trật tự nhưng làm giảm cường độ các đòn đánh ra, giảm ý nghĩa và tính chất tích cực của các hoạt động đó. Họ không muốn triển khai đến cùng, muốn dừng lại để vẫn có cơ hội ban phát lợi ích cho nhóm người khác.

Chính vì thế, chúng ta không thể đối xử với mọi tầng lớp xã hội như nhau chỉ bằng một chỉ lệnh, một cú click chuột. Phải có phân loại, xác định lợi ích của nhóm nào cần được ưu tiên. Tôi được biết ở TPHCM đã hình thành các khu buôn bán dành cho những người từng mưu sinh bằng hè phố. Có những người hiến đất lập chợ để bà con nghèo đến buôn bán mà không lấy phí. Nói vậy để thấy vẫn có cách để huy động sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.

Tĩnh trí, lùi lại nhìn, có thể nói cơ sở khoa học hậu thuẫn cho việc dọn dẹp vỉa hè không dừng lại ở ý nghĩa làm thông thoáng hè đường mà còn là ý chí, quyết tâm lập lại trật tự lẽ ra phải có trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong việc tổ chức lại không gian vùng đệm giữa đường và nhà.


Đừng bắt ai đó mãi làm người hùng

Trong câu chuyện vỉa hè, vấn đề không còn dừng lại ở việc tổ chức không gian đi bộ, sử dụng lòng đường, vỉa hè mang tính chất vật lý, cơ học mà chúng ta phải chuyển sang vấn đề con người. Cụ thể là tính sẵn sàng của cán bộ đã có hay chưa? Tính thường xuyên, liên tục đã có chưa hay vẫn dựa trên tinh thần kỳ dịp, theo vụ việc hay gắn với tư duy nhiệm kỳ? Vấn đề kỳ cùng phải bàn tới là việc “dọn dẹp” vỉa hè này nhất thiết phải được duy trì trên cơ sở lợi ích của cộng đồng, của nhóm dân cư nào đó chứ không xuất phát từ cái mà chúng ta hay gọi là nhóm lợi ích.

Xét cho cùng, ở đây vẫn là câu chuyện dũng khí, tính trách nhiệm của cán bộ và điều này cần có ở mọi cấp bậc. Có như vậy mới tránh được cảnh một cá nhân đơn độc hay phải đưa ai đó ra làm người hùng.

Được lăngxê thành người hùng là trở thành cái gai trong quần thể những người không muốn làm người hùng, hoặc muốn làm người hùng một cách giả dối. Trong trường hợp đó, người bị lăngxê có thể nhanh chóng bị “tiêu diệt” trong một quần thể mà ai nấy đều muốn an phận hoặc bảo vệ lợi ích vị kỷ. Trong chiến dịch “đòi lại vỉa hè” cũng thế, một người hùng không xông ra được mãi mà phải có sự yểm trợ, bảo vệ và thay phiên, nghĩa là cần sự hậu thuẫn, đồng lòng của các cấp chính quyền.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình sinh năm 1955, sau khi nghỉ hưu là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học. Lĩnh vực nghiên cứu chính: Xã hội học sức khỏe, môi trường, phát triển cộng đồng, truyền thông và dư luận xã hội... Ông có khoảng 40 công trình, bài báo khoa học công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành và một số sách chuyên khảo như: “Gia đình nông thôn và vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, “Vì một sự tăng trưởng và một xã hội công bằng - bài toán công bằng, hiệu quả và vấn đề tài chính ở các bệnh viện tư Việt Nam”, “Một số vấn đề dân số từ hướng tiếp cận xã hội học”...