Những phát hiện từ một nghiên cứu mới cho thấy việc sàng lọc trầm cảm cho người cao tuổi là cần thiết, trong đó nên ưu tiên phụ nữ, người có tình trạng sức khỏe kém hoặc bị hạn chế trong sinh hoạt cũng như điều kiện kinh tế kém.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất, với 12,58 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,8% dân số vào năm 2021 [1]. Đến năm 2050, dự báo 25% dân số Việt Nam sẽ ở độ tuổi trên 60 [2].

Trầm cảm là một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng trầm cảm thường bị bỏ qua và không được điều trị trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu vì chúng thường đi kèm với các vấn đề sức khỏe mãn tính phổ biến khác ở người lớn tuổi.

Một nghiên cứu mới được công bố của nhóm tác giả từ Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, hơn 20% người cao tuổi tại Việt Nam có những triệu chứng trầm cảm, bao gồm 14,3% có triệu chứng trầm cảm nhẹ và 5,9% có triệu chứng trầm cảm vừa hoặc nặng.

Theo nhóm tác giả, trầm cảm không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người cao tuổi mà còn làm giảm chất lượng sống và tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như chi phí chăm sóc y tế. Trầm cảm cũng là một yếu tố nguy cơ gây tàn tật và tử vong ở người cao tuổi.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ Khảo sát lão khoa quốc gia Việt Nam thực hiện vào năm 2022 với mẫu đại diện toàn quốc gồm 3.006 người từ 60 tuổi trở lên tại 12 tỉnh và sử dụng Thang đo trầm cảm 15 mục cho người cao tuổi (GDS-15) [3] để đánh giá các triệu chứng trầm cảm.

GDS-15 xác định một số triệu chứng trầm cảm như cảm giác không hài lòng với cuộc sống, thường xuyên cảm thấy chán chường, bất lực hay cảm thấy bản thân không có giá trị hoặc không có hy vọng. Người cao tuổi được xác định có triệu chứng trầm cảm nhẹ nếu đạt từ 6-9 điểm và trầm cảm nặng nếu đạt từ 10-15 điểm.

Nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa các triệu chứng trầm cảm với các yếu tố giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nơi cư trú, thu nhập, số thành viên gia đình, số con, mức độ tham gia xã hội, tình trạng sức khỏe, hạn chế trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ADLs) [4] và hoạt động sinh hoạt hằng ngày có chức năng cao (IADLs) [5], tình trạng bệnh mãn tính, sử dụng thuốc lá, tần suất uống rượu và trải qua bạo lực gia đình trong 12 tháng qua.

Cụ thể, những phát hiện đáng chú ý bao gồm:

Phụ nữ lớn tuổi có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 2,2 lần so với nam giới lớn tuổi. Các tác giả cho rằng các yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học như tính dễ bị tổn thương về mặt di truyền, hormone liên quan đến chức năng sinh sản, vai trò giới trong xã hội và căng thẳng trong cuộc sống là nguyên nhân gây ra nguy cơ trầm cảm cao hơn ở phụ nữ. Ngoài ra, các tác nhân gây căng thẳng khác phổ biến trong giai đoạn tuổi già như tình trạng góa bụa/sống một mình, sức khỏe kém/bệnh mãn tính, suy giảm nhận thức, khó khăn về tài chính/nghèo đói và nghĩa vụ chăm sóc người khác cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ lớn tuổi.

abv
Ở Việt Nam, phụ nữ lớn tuổi có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 2,2 lần so với nam giới lớn tuổi. Ảnh minh họa: CC

Những người lớn tuổi thuộc nhóm 20% nghèo nhất có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 2,3 lần so với những người thuộc nhóm 20% giàu nhất. Những người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất có thể không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống hằng ngày và các chi phí chăm sóc sức khỏe. Họ thường sống trong điều kiện nhà ở tồi tàn và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi về môi trường như ô nhiễm, nhiệt độ khắc nghiệt và điều kiện ngủ kém. Tình trạng kinh tế thấp còn có thể dẫn đến điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe thể chất kém.

Người cao tuổi ở nông thôn có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 1,8 lần so với người cao tuổi ở thành thị. Người cao tuổi ở nông thôn có nhiều khả năng có thu nhập thấp hơn, sống trong điều kiện nhà ở kém hơn và ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn người cao tuổi ở thành thị.

Người già sống một mình và không tham gia các hoạt động xã hội có tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn những người sống với vợ/con hoặc người khác và tham gia các hoạt động xã hội. Người già mắc các triệu chứng trầm cảm có ít thành viên gia đình và nhiều con hơn những người không mắc các triệu chứng trầm cảm.

Những người lớn tuổi tự đánh giá sức khỏe của họ là rất kém/kém hoặc trung bình có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn lần lượt 11,6 và 4,6 lần so với những người đánh giá sức khỏe của họ là tốt/rất tốt. Ngoài ra, những người lớn tuổi bị hạn chế ADL và IADL có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 2,1 và 1,6 lần so với những người không bị hạn chế ADL và IADL.

Những người lớn tuổi từng trải qua bạo lực gia đình trong 12 tháng qua có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn 6,6 lần so với những người không trải qua bạo lực gia đình.

Cần lưu ý, GDS-15 chỉ giúp sàng lọc các triệu chứng chứ không phải một công cụ chẩn đoán tình trạng trầm cảm, vì vậy nghiên cứu chỉ đánh giá mức độ phổ biến của các triệu chứng trầm cảm chứ không phải mức độ phổ biến của bệnh trầm cảm ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những phát hiện từ nghiên cứu vẫn cho thấy việc sàng lọc trầm cảm cho người cao tuổi là cần thiết và nên được đưa vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu để phát hiện và điều trị sớm trầm cảm, trong đó ưu tiên phụ nữ, người có tình trạng sức khỏe kém hoặc bị hạn chế trong sinh hoạt cũng như điều kiện kinh tế kém.



[2] “Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2069. Tổng cục Thống kê (2020).

[3] Thang đo trầm cảm 15 mục cho người cao tuổi (Geriatric Depression Scale - GDS-15) là thang đo do bệnh nhân tự đánh giá gồm 15 câu hỏi, được Yesavage và cộng sự phát triển vào năm 1982 để sàng lọc các triệu chứng trầm cảm ở người lớn tuổi. Tham khảo GDS-15:

[4] Hoạt động sinh hoạt hằng ngày (Activities of Daily Living - ADLs) chỉ các kỹ năng cần thiết để thực hiện các nhu cầu thể chất cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển và ăn uống.

[5] Hoạt động sinh hoạt hằng ngày có chức năng cao (Instrumental Activities of Daily Living - IADLs) chỉ các hoạt động có tính chất phức tạp hơn liên quan đến khả năng sống độc lập trong một cộng đồng, ví dụ như quản lý tài chính, sử dụng điện thoại hay mua sắm.