Dự kiến từ năm 2025, sản phẩm sẽ được ứng dụng thương mại.

Nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả tại hội thảo khoa học hồi tháng 2/2024. Ảnh: Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả tại hội thảo khoa học hồi tháng 2/2024. Ảnh: Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Từ đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm” do PGS.TS Hoàng Xuân Niên (trường Đại học Thủ Dầu Một) làm chủ nhiệm, đã tạo được ra mô hình thiết bị sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô quy mô công suất 300 kg/ngày.

Đây là kết quả PGS.TS Hoàng Xuân Niên và cộng sự ở trường Đại học Thủ Dầu Một có được sau ba năm thực hiện, với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu ở Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp Đồng Nai và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Khi đề xuất nhiệm vụ, các nhà nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng được quy trình và tạo ra thiết bị sản xuất cellulose từ nước dừa khô, sử dụng làm bao gói thực phẩm.

Họ đã tối ưu được thiết bị và quy trình tạo màng cellulose đạt được các chỉ tiêu cơ lý với độ bền xé, bến kéo đứt, độ hút nước, tính chống thấm dầu mỡ cùng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khác về hàm lượng cadimi, chì, formaldehyde, pentachlorophen…

Sự hình thành bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm màng cellulose sinh học, quy trình công nghệ sản xuất đi kèm đã giúp sản phẩm của họ thu hút được khách hàng.

Dự kiến từ năm 2025, sản phẩm sẽ được ứng dụng tại công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, DNTN và Công ty TNHH Vĩnh Tiến.

Đăng số 1309 (số 37/2024) KH&PT