Mỗi thành viên hộ gia đình Việt Nam lãng phí 76kg thực phẩm mỗi năm, cao hơn mức trung bình 74kg của toàn thế giới. Nguyên nhân, như một nghiên cứu mới chỉ ra, nằm ở thói quen mua sắm, nấu ăn, khẩu vị và cách đánh giá chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng.

Lãng phí thực phẩm là vấn đề luôn được cộng đồng quan tâm. Tuy nhiên, chỉ từ sau nghiên cứu năm 2011 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) về thất thoát và lãng phí lương thực, chủ đề này mới trở thành một vấn đề toàn cầu và nằm trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Báo cáo về Chỉ số Lãng phí thực phẩm (Food waste index report) do Liên hợp quốc phối hợp thực hiện với tổ chức phi lợi nhuận WRAP vào năm 2022 cho biết, hơn 1 tỷ tấn thực phẩm - tương đương gần 20% tổng số thực phẩm trên thị trường khi đó - đã bị vứt bỏ trong năm. Trong khi tại cùng thời điểm, thế giới có 800 triệu người bị đói.

Cũng theo báo cáo nêu trên, tỷ lệ thực phẩm bị vứt bỏ tại các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, căng-tin và khách sạn chiếm 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí; ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩm là 12%; còn ở các hộ gia đình, con số này lên đến 60%.

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo về chỉ số lãng phí thực phẩm được công bố trên website Chương trình môi trường Liên hợp quốc UNEP vào năm 2021, chất thải thực phẩm trung bình mỗi năm của hộ gia đình là 76kg/người, cao hơn mức trung bình 74kg/người của toàn thế giới.

Vậy nguyên nhân do đâu? Mới đây, Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TPHCM và Đại học Kinh tế TPHCM công bố kết quả từ đề tài nghiên cứu “Drivers of Food Waste Habits at Household Level in Vietnam” (tạm dịch: Nguyên nhân dẫn đến thói quen lãng phí thực phẩm ở cấp hộ gia đình tại Việt Nam) trên trang web của IIETA (International Information and Engineering Technology Association).

abc
Thói quen mua nhiều để được giảm giá và thói quen tích trữ góp phần gây ra sự lãng phí thực phẩm. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu thực hiện khảo sát và phỏng vấn các cá nhân đến từ 375 hộ gia đình về thói quen trong ăn uống của họ ở cả hai hình thực trực tiếp và trực tuyến, kết hợp với các lý thuyết liên quan, để chỉ ra và giải thích một số nguyên nhân dẫn đến lãng phí trong tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy, những yếu tố khiến việc lãng phí thực phẩm tăng cao bao gồm: thói quen mua sắm, thói quen nấu ăn, thói quen ăn uống và cách đánh giá chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng.

Trong đó, mua sắm là nguyên nhân chính gây nên lãng phí thực phẩm, người dân thường có xu hướng mua nhiều hơn số lượng cần thiết cho một bữa ăn để đáp ứng những nhu cầu khác nhau về khẩu vị của mỗi thành viên gia đình, để dự trữ, hoặc để nhận được khuyến mại, giảm giá từ người bán.

Tương tự, thói quen nấu nhiều đồ ăn cũng là một trong những nếp sống gây nên lãng phí lương thực tại Việt Nam. Lượng thực phẩm được chế biến trong mỗi bữa ăn thường nhiều hơn nhu cầu, gây nên dư thừa sau bữa ăn, đặc biệt nếu trong gia đình có khách, bữa cơm càng phải trở nên trang trọng với nhiều món ăn hơn.

Thói quen ăn uống của mỗi người là khác nhau, và nhìn chung, đây cũng là một yếu tố làm tăng tỷ lệ thức ăn bị lãng phí. Chẳng hạn, trẻ em gây lãng phí thức ăn nhiều hơn người lớn do khẩu vị thay đổi nhanh chóng, hoặc chỉ ăn mỗi thứ một chút rồi bỏ dở. Người lớn cũng có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn so với nhu cầu cho một bữa ăn bên ngoài nếu không thể ăn cơm nhà.

Yếu tố cuối cùng là sự đánh giá của người tiêu dùng với lượng thực phẩm còn dư thừa hoặc đang dự trữ. Người dân thường chỉ đánh giá lượng thức ăn này bằng cảm quan và khi cân nhắc rủi ro về các bệnh hay triệu chứng có thể mắc phải sau khi ăn, họ thường lựa chọn vứt bỏ chúng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một số giải pháp đơn giản mà các hộ gia đình có thể thực hiện để giảm lãng phí thực phẩm như lên kế hoạch mua sắm thực phẩm hợp lý; không dự trữ quá nhiều thức ăn; bảo quản đồ dự trữ một cách khoa học; và có kế hoạch xử lý thức ăn dư thừa, chẳng hạn, những gia đình ở nông thôn có thể tận dụng ăn dư thừa làm thức ăn cho gia súc trong nhà hoặc các điểm chăn nuôi khác.

Với số lượng mẫu là 375, tính đại diện của kết quả nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, nghiên cứu đã bước đầu đã đưa đến cái nhìn tổng quan nhất về những nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí thường nhật nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại, và có thể trở thành nền tảng cho những nghiên cứu quy mô hơn trong tương lai.

Nguồn: