Nhóm tác giả đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cua biển tại Bến Tre từ kỹ thuật xử lý nước, nuôi vỗ thành thục cua mẹ, cho đẻ ấp trứng, nở con và định lượng ấu trùng, ương cua bột, cua giống,…
Cua biển được nuôi phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đối tượng có giá trị kinh tế cao và được ưa chuộng bởi thịt thơm ngon, giàu đạm, khoáng và vitamin. Đặc biệt, do thịt chắc, vị ngọt đậm và không tanh so với cua biển ở một số vùng khác, “Cua biển Bến Tre” đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Tiềm năng nuôi cua biển ở Bến Tre cũng rất lớn, do hầu hết người nuôi tôm quảng canh đều nuôi ghép cua biển, năng suất bình quân từ 300 – 400 kg/ha.
Trên địa bàn tỉnh đã có một số trại sản xuất giống cua biển, được chuyển giao công nghệ và sản xuất khoảng 200 – 300 ngàn con/trại/năm. Tuy nhiên, quy trình sản xuất giống cua biển chưa ổn định, tỷ lệ sống thấp (10 – 15%).
Ngoài ra, nguồn giống thu ngoài tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu nuôi hiện nay tại Bến Tre, nguồn cua giống cung cấp cho hộ nuôi chủ yếu mua từ các tỉnh khác như Trà Vinh, Cà Mau…, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cua. Mặt khác, việc thả giống không được đồng loạt ở các thời điểm khác nhau dẫn đến cua lột xác khác nhau, dễ xảy ra hiện tượng ăn thịt lẫn nhau, nếu thiếu thức ăn, nên tỷ lệ sống bị giảm.
Để mô hình nuôi cua biển ổn định, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống Cua biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Nhóm tác giả đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cua biển tại Bến Tre từ kỹ thuật xử lý nước, nuôi vỗ thành thục cua mẹ, cho đẻ ấp trứng, nở con và định lượng ấu trùng, ương cua bột, cua giống,… Quy trình này phù hợp cho các trại sản xuất hộ gia đình và trại giống quy mô từ 200 – 1 triệu cua bột/năm.
Theo nhóm tác giả, xử lý nước ương cua giống là một vấn đề quan trọng, do nguồn nước ở Bến Tre có nhiều phù sa, nên phải lắng nước để đạt tiêu chuẩn và độ mặn phải đảm bảo từ 28 - 30‰ để trong quá trình phát triển phôi, ấu trùng thích nghi với điều kiện độ mặn trong trại sản xuất. Bên cạnh đó, thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn ấu trùng. Cụ thể, nhóm tác giả đã sử dụng thức ăn là artemia Vĩnh Châu, kết hợp với thức ăn tổng hợp thay thế cho luân trùng được làm giàu hóa mà đa số quy trình ương nuôi sử dụng, giúp cải thiện tỷ lệ sống của cua và giảm chi phí sản xuất.
Quy trình sản xuất nhân tạo giống cua biển của nhóm cho tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng đến khi chuyển thành cua giống đạt trên 30%. Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cua biển thích ứng với vùng nuôi tại ba huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú), với tỷ lệ sống của cua nuôi đạt 40% (từ kích cỡ 2-3cm đến khoảng 300 g/con), năng suất trung bình 2 tấn/ha/vụ.
Đề tài của nhóm đã được Sở KH&CN Bến Tre nghiệm thu, kết quả đạt.