Cái chết của người già nhất thế giới, Maria Branyas Morera, ở tuổi 117 có thể khiến nhiều người suy ngẫm về bí mật của một cuộc đời dài bất thường. Nhưng các nhà khoa học cho biết tốt nhất là tránh nghe lời khuyên về tuổi thọ từ chính những người sống lâu trăm tuổi.

Theo trang web Kỷ lục Guinness, Branyas tin rằng tuổi thọ của bà bắt nguồn từ "sự ngăn nắp, yên ổn, quan hệ tốt với gia đình và bạn bè, gần gũi thiên nhiên, cảm xúc quân bình, không lo lắng, không hối tiếc, sống tích cực và tránh xa những người độc hại".

Tuy nhiên, Richard Faragher - giáo sư về sinh học lão khoa tại Đại học Brighton, cho biết trên thực tế, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra lý do tại sao một số người sống đến hơn 100 tuổi.

Faragher cho biết có hai thuyết chính và chúng không loại trừ lẫn nhau. Thuyết đầu tiên là một số người về cơ bản là may mắn. Nói cách khác, chỉ vì những người sống lâu trăm tuổi có một số thói quen nhất định không có nghĩa là những thói quen đó giúp kéo dài tuổi thọ của họ - một lỗi logic được gọi là "thiên kiến của kẻ ​​sống sót".

“Chỉ vì bạn đã sống sót sau khi hút 60 điếu thuốc một ngày không có nghĩa là hút 60 điếu thuốc một ngày là tốt cho bạn”, Faragher nói.

Cụ bà Tomiko Itooka, 116 tuổi, hiện là người cao tuổi nhất thế giới được Guinness công nhận vào ngày 21/8 vừa qua. Nguồn ảnh: EPA

Ông cho biết, thuyết thứ hai là những người sống trăm tuổi có những đặc điểm di truyền cụ thể giúp họ sống thọ hơn – nói cách khác, họ khỏe mạnh hơn nhờ gen.

Tuy nhiên, Faragher cho biết cả hai thuyết đều đưa ra cùng một lời cảnh báo: “Đừng bao giờ, đừng bao giờ nghe lời khuyên về sức khỏe và lối sống từ những người sống trăm tuổi”.

Faragher cho biết, nhìn chung, những người sống trăm tuổi không tập thể dục nhiều và chế độ ăn uống của họ cũng thường không lành mạnh”. Ông lưu ý rằng một số người sống trăm tuổi còn hút thuốc.

“Điều này trái ngược với nhiều bằng chứng dịch tễ học mà chúng ta có về cách kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh”, ông nói, đồng thời nhắc đến một nghiên cứu lớn đã phát hiện ra rằng không hút thuốc, tập thể dục, uống rượu vừa phải và ăn năm khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày có thể giúp tăng tuổi thọ lên tới 14 năm.

“Thực tế là họ [những người sống trăm tuổi] làm nhiều điều không lành mạnh và vẫn cứ sống lâu, cho thấy họ hoặc là may mắn hoặc thường có điểm đặc biệt về mặt di truyền”, ông nói.

Branyas thừa nhận may mắn đóng vai trò trong cuộc đời trường thọ của bà, trong khi con gái bà là Rosa Moret cho rằng đó là do di truyền. “Bà chưa bao giờ phải nhập viện, chưa bao giờ bị gãy xương, bà khỏe mạnh, không đau đớn”, Moret nói với một đài truyền hình vào năm 2023.

Theo Faragher, ý tưởng cho rằng duy trì một tinh thần tích cực giúp sống lâu hơn có thể bắt nguồn từ việc người ta lạc quan hơn khi có sức khỏe tốt.

Giáo sư David Gems - nhà di truyền học tại University College London, đồng ý rằng may mắn là yếu tố quan trọng.

“Tôi nghiên cứu về giun tròn”, ông nói. “Những con giun này giống hệt nhau về mặt di truyền và được nuôi trong điều kiện giống hệt nhau, nhưng những con giun đầu tiên chết vì tuổi già sau khoảng 10 ngày và những con cuối cùng chết sau khoảng 30 ngày”.

Ở cấp độ cá nhân, một chút may mắn có thể giúp giải thích tại sao một số người sống đến hơn 100 tuổi. Nhưng các chuyên gia cho biết có những yếu tố có thể giúp cải thiện tuổi thọ ở cấp độ dân số. David Sinclair, giám đốc điều hành của Trung tâm Tuổi thọ Quốc tế, lưu ý khoảng 100 năm trước, những thành tựu trong việc giảm nguy cơ tử vong ở trẻ em phần lớn nhờ vào việc đưa vắc-xin và nước sạch vào sử dụng.

“Những gì chúng ta đã có trong 20 năm qua và chúng ta sẽ thấy trong 20 năm tới là sự tập trung tương tự vào vấn đề tuổi già”, Sinclair nói. Theo ông, điều đó bao gồm những cải tiến về vắc-xin phòng cúm và bệnh zona, statin [một lớp dược phẩm được sử dụng để giảm chỉ số cholesterol] và các loại thuốc khác giúp tăng tuổi thọ ở người cao tuổi.

Nguồn: