Kể từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội liên tục được nâng cấp để mở đường cho trái cây miền Bắc tiến sang một thị trường tiềm năng là nước Mỹ.

Mỗi năm, nước Mỹ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây. Tuy nhiên, sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, 30% còn lại phụ thuộc vào trái cây nhập khẩu.

Là một trong những thị trường quan trọng mà Việt Nam hướng đến, xuất khẩu trái cây sang Mỹ đạt gần 258 triệu USD vào năm 2023, chiếm 4,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Các loại trái cây Việt Nam đã được thị trường Mỹ đón nhận bao gồm: dừa tươi cạo vỏ, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi.

Các yêu cầu của Mỹ đối với thực phẩm rất khắt khe, và với trái cây nhập khẩu cũng tương tự. Quốc gia này hết sức quan ngại về các mối nguy như côn trùng ngoại lai, vi khuẩn gây bệnh, thuốc trừ sâu, phụ gia, nhiễm bẩn kim loại, v.v. Xử lý chiếu xạ đã được chứng minh là giải pháp cho các vấn đề nêu trên. Đồng thời, đây cũng là phương pháp giúp duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản nông sản, đặc biệt khi phải vận chuyển quãng đường xa. Vì vậy, chiếu xạ kiểm dịch thực vật đã trở thành biện pháp bắt buộc đối với hầu hết các loại trái cây nhập cảng Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Hiện tại, Việt Nam có ba cơ sở nghiên cứu và ứng dụng chiếu xạ được cấp phép chiếu xạ kiểm dịch trái cây tươi xuất khẩu; trong đó Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ KH&CN, là cơ sở duy nhất ở miền Bắc.

Lâu nay trái cây miền Bắc gặp một số khó khăn ở khâu chiếu xạ. Thách thức đầu tiên đến từ việc trái cây miền Bắc được thu hoạch theo mùa, khối lượng chiếu xạ trên một lần tương đối ít so với công suất. Chi phí chiếu xạ tại miền Bắc do đó cũng cao hơn so với miền Nam. Cụ thể, giá chiếu xạ trái cây tại miền Bắc là 12.000đ/kg. Còn miền Nam có vụ mùa quanh năm, tạo điều kiện cho những lô hàng chiếu xạ khối lượng lớn và thường xuyên nên giá dịch vụ từ 9.900đ/kg, tùy loại trái. Dù vậy, giải pháp vận chuyển trái cây vào miền Nam để chiếu xạ không khả thi vì tốn kém và thường dẫn tới việc thương lái ép giá thu mua tại vườn của nông dân.

Rào cản thứ hai chính là trong ba cơ sở chiếu xạ, chỉ có Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn và Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát tại miền Nam được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) công nhận đạt tiêu chuẩn chiếu xạ kiểm dịch xuất khẩu sang Mỹ. Còn Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, tuy được phép chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Úc, vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu do APHIS đặt ra nên chưa thể tiến hành chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ. Các quy định của Mỹ trong việc đánh giá cơ sở chiếu xạ rất nghiêm ngặt - từ xem xét hệ thống đo liều, đánh giá các biện pháp bảo vệ kiểm dịch thực vật, kiểm tra quy trình vận hành tiêu chuẩn; cho đến thẩm định cơ sở hạ tầng, hồ sơ xử lý chứng nhận và nhiều yếu tố ảnh hưởng khác.

Ngoài ra, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội không có cơ chế về kinh phí để đảm bảo các khoản chi cho việc kiểm tra đánh giá cơ sở chiếu xạ của các chuyên gia từ APHIS, nên cần có đối tác tại Việt Nam có đủ nguồn lực tài chính cho việc này. Ví dụ, tính riêng việc mời chuyên gia của APHIS từ Mỹ tới kiểm định cơ sở vật chất, công ty Sơn Sơn và Toàn Phát đã phải bỏ ra khoảng 340.000 đến 350.000 USD/năm. Đổi lại, các đối tác sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu các lô hàng trái cây được chiếu xạ tại miền Bắc.

Trung tâm có chức năng nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng năng lượng nguyên tử; đồng thời cung cấp dịch vụ kiểm tra vi sinh và chiếu xạ thực phẩm. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nâng cấp cơ sở chiếu xạ để đáp ứng quy định xuất khẩu hoa quả tươi. Ảnh: VGP
Dây chuyền chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: VGP

Nắm bắt các quy định và yêu cầu, từ năm 2015, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã bắt đầu thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng. Sang năm 2016, Trung tâm đã có hệ thống kho lạnh đầu vào và đầu ra để đảm bảo chất lượng trái cây tươi trước và sau khi xử lý. Thêm vào đó, dây chuyền chiếu xạ, hệ thống giá treo cũng được nâng cấp để có thể xử lý trên 200 tấn quả mỗi ngày. Đến đầu năm 2022, Trung tâm tiếp tục bổ sung nguồn chiếu xạ, lắp đặt thêm bẫy côn trùng, hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy và phòng làm việc cho chuyên gia Mỹ sang thực hiện công việc đánh giá cơ sở và phối hợp lập bản đồ liều hấp thụ sản phẩm chiếu xạ. Gần đây hơn, năm 2023, Trung tâm đã đầu tư các hệ đo liều B3 DoseStix và Gafchromic HD-V2, đáp ứng tốt việc đo liều chiếu xạ kiểm dịch trong dải liều 100-1000 Gy.

Vừa qua, đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nhằm khảo sát các điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất. Sau khi thực hiện các đánh giá, đoàn chuyên gia đề nghị Trung tâm xem xét thực hiện việc kiểm dịch ngay trong kho lạnh để hạn chế tối đa sự xâm nhập của các côn trùng không thuộc đối tượng kiểm dịch (non-target insect) có trong môi trường có thể nhiễm vào hàng hóa. Các chuyên gia cũng khuyến cáo phải có khu vực riêng được quy định cho nông sản không đạt chất lượng sau khi xử lý chiếu xạ, tuân thủ các quy trình vệ sinh nhà xưởng theo quy trình thực hành chiếu xạ chuẩn (SOP) để đảm bảo chất lượng chiếu xạ kiểm dịch.

Về vấn đề tìm kiếm đối tác với APHIS, bà Erica R. Grover, Giám đốc chương trình tiền thông quan hàng hóa khu vực Châu Á - Châu Đại Dương, Bộ Nông nghiệp Mỹ, đề xuất Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để Công ty cổ phần CBS Solutions (thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Logistics 528) có thể làm đối tác của APHIS, hoặc thông qua Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Kinh doanh trái cây xuất khẩu hợp nhất các đối tác thành một để có thể điều phối việc chiếu xạ tại các cơ sở được phê duyệt ở Việt Nam.

Tán thành đề xuất từ phía các chuyên gia, Ban lãnh đạo Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực hợp tác chặt chẽ với đối tác của APHIS tại Việt Nam và sẽ dồn sức nâng cấp cơ sở để tuân thủ các quy định của APHIS. Hai bên kỳ vọng trái vải thiều sẽ được chiếu xạ kiểm dịch tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2025, mở đường cho việc cho việc xuất khẩu các loại trái cây khác từ miền Bắc.

Nguồn tham khảo: