Các nhà khoa học từ Trường ĐH Thuỷ lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, ĐH Quốc gia Chungnam và Viện nghiên cứu Tài nguyên nước quốc tế IWRRI đã tính toán thành công dòng chảy bùn cát đến hồ chứa Pleikrong (Kon Tum) để dự báo bùn lắng hồ chứa dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Hồ thủy điện Pleikrông được xây dựng trên dòng Krông Pô Kô, một phụ lưu cấp 2 của sông Sê San, tại xã Sa Bình huyện Sa Thầy và xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Công trình có 2 tổ máy, hoàn thành vào tháng 5/2009, sau gần sáu năm xây dựng, công suất phát điện 100MW.

Hồ chứa thủy điện Pleikrong, TP Kon tum. Nguồn: INT
Hồ chứa thủy điện Pleikrong, TP Kon tum. Nguồn: INT

Từ khi đưa vào vận hành đến nay, đơn vị quản lý vận hành hồ đã tiến hành ba chu kì đo đạc địa hình lòng hồ vào năm 2010, 2015 và 2018. Kết quả cho thấy trong tám năm tiến hành quan trắc, tổng lượng bùn cát bồi lắng trong hồ là 47 triệu m3, bằng khoảng một nửa dung tích chết của hồ và tại vị trí gần cửa nhận nước cũng đã bị bồi lắng tới xấp xỉ cao trình cửa nhận nước. Vì vậy, cần có những nghiên cứu tính toán dự báo bồi lắng dài hạn để có giải pháp giảm thiểu bồi lắng hồ chứa và hạn chế ảnh hưởng đến công suất phát điện và công tác vận hành hồ.

Trong quá trình tính toán, nhóm đã phân tích xu thế và chi tiết hóa các yếu tố chịu tác động của biến đổi khí hậu (mưa, nhiệt độ) đến dòng chảy bùn cát theo các kịch bản khác nhau; nghiên cứu kết hợp mô hình thuỷ văn mưa dòng chảy bùn cát cùng mô hình thủy lực một và hai chiều.

Bên cạnh mô hình SWAT, nhóm còn áp dụng mô hình mưa dòng chảy và vận chuyển bùn cát C-SEM để tính dòng chảy bùn cát đến hồ Pleikrong.

Phương pháp mà nhóm đề xuất mở ra cơ hội dự báo diễn biến bồi lắng trong hồ chứa với chi phí tối ưu so với công tác đo đạc trực tiếp.

Ngoài ra, nhóm còn phân tích ưu, nhược điểm và phạm vi áp dụng của mỗi giải pháp giảm thiểu bồi lắng hồ chứa. Dựa vào đó, các nhà quản lý và vận hành có thể đưa ra lựa chọn phù hợp, không những đảm bảo giảm bồi lắng mà còn kéo dài tuổi thọ cho hồ chứa.

Đây là kết quả từ đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp Quốc gia, Nghị định thư Việt Nam – Hàn Quốc.