Trong quá khứ, từng có sự cân bằng giới trong ngành lập trình máy tính. Vậy tại sao ngày nay, điều đó không còn tồn tại?
Những người phụ nữ vận hành Máy tính và Tích phân số điện tử Eniac. Ảnh: Corbis, Getty Images
Khởi thủy của lập trình máy tính
Vào năm 1959, Mary Allen Wilkes, cô nữ sinh trước đó chưa từng nghĩ bản thân sẽ trở thành người tiên phong về phần mềm, đã bẻ ngoặt ước mơ theo ngành luật để xin vào làm việc tại Học viện Công nghệ Massachuset (MIT). Ở trường Wellesley, cô nghe người ta nói nghề máy tính sẽ trở nên quan trọng trong tương lai và biết ở MIT thì đang thiếu người trong lĩnh vực này. “Ở đây có vị trí nào cho các nhà lập trình máy tính không?”, cô hỏi người phụ trách tuyển dụng. Hóa ra là họ cần và ngay lập tức, cô được chấp nhận.
Việc một người không hề có kinh nghiệm lập trình như Wilkes được nhận việc ở MIT nghe có vẻ kỳ lạ. Nhưng ở thời điểm đó, hầu như không ai biết viết mã máy tính, ngành này vẫn chưa thực sự tồn tại, ví dụ trường Stanford còn chưa có khoa Khoa học máy tính cho đến năm 1956. Các tổ chức thường chỉ sử dụng các bài kiểm tra năng khiếu để đánh giá khả năng suy nghĩ logic của ứng viên.
Thật tình cờ là Wilkes đã có một số chuẩn bị về năng lực: học triết học, cô đã tìm hiểu về logic biểu tượng - việc sử dụng các biểu tượng để biểu thị các mệnh đề, thuật ngữ và các mối liên quan theo trật tự để hỗ trợ việc lập luận - nhờ vậy có thể tạo ra các lập luận và suy luận bằng cách xâu chuỗi với nhau theo cách giống như mã hóa.
Wilkes nhanh chóng trở thành một nhà lập trình máy tính. Cô làm việc trên chiếc IBM 704, viết ra một thứ ngôn ngữ lập trình hợp ngữ (assembly language) khó hiểu. Do IBM 704 không có bàn phím hay màn hình, Wilkes phải viết chương trình ra giấy và đưa cho người đánh máy chuyển từng lệnh thành lỗ trên tấm thẻ đục lỗ. Máy tính sẽ tuân theo chương trình này.
Do mã của Wilkes viết không tạo ra kết quả như cô muốn nên cô đã tự nghiền ngẫm các dòng mã, cố gắng suy ra lỗi và hình dung ra cách máy sẽ làm theo. Sau đó, cô viết lại chương trình…
Đó là cách những người phụ nữ như Wilkes bước vào nghề lập trình trong giai đoạn đầu của ngành máy tính. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Anh đã tuyển dụng cả phụ nữ vận hành máy tính, tham gia chương trình phá mật mã. Ở Mỹ, vào năm 1960, theo thống kê của chính phủ, hơn một phần tư lập trình viên là phụ nữ tại Phòng thí nghiệm Lincoln M.I.T, nơi Wilkes làm việc.
Vào năm 1961, Wilkes trở thành người viết phần mềm cho LINC, máy tính bán dẫn 12 bit, một thiết bị đột phá và là tiền thân của máy tính cá nhân ngày nay. Những người thiết kế LINC biết họ có thể tạo ra phần cứng của máy tính và cần Wilkes để cô viết phần mềm để người dùng có thể thoải mái thao tác theo thời gian thực.
Không lâu sau, người dùng LINC trên toàn cầu đã sử dụng các dòng lệnh của cô để lập trình các phân tích y tế và thậm chí tạo ra chatbot để phỏng vấn bệnh nhân về các triệu chứng của họ.
Và dòng chảy của lập trình máy tính đã trôi đi theo cách mà ngày nay người ta vẫn thấy: nam giới chiếm ưu thế và phụ nữ thường được cho là kỳ quặc muốn theo nghề này.
Bản thân Wilkes cũng dừng bước theo nghề. Năm 1972, cô đã vào trường Luật Harvard và hơn bốn thập niên sau làm việc trong nghề luật. Câu chuyện của Wilkes đã dần bị lãng quên.
Tuy nhiên Wilkes cũng chỉ là một cá nhân của ngành lập trình. Ngược dòng lịch sử khoảng 200 năm trước, người được coi là lập trình viên đầu tiên cũng là một phụ nữ: Ada Lovelace. Lovelace đã viết ra thứ được coi là chương trình máy tính đầu tiên trong lịch sử cho Máy phân tích (Analytical Engine) được thiết kế bởi Charles Babbage. Tuy nhiên, Babbage không bao giờ hoàn thiện thiết kế của mình, còn Lovelace đã ra đi ở tuổi 36 do bệnh ung thư và không thể nhìn thấy các dòng lệnh của bà được thực thi.
Khi máy tính kỹ thuật số trở thành hiện thực vào những năm 1940, phụ nữ một lần nữa đi đầu trong việc viết phần mềm. Một nhóm toàn phụ nữ đã được tuyển dụng để viết chương trình vận hành cho Máy tính và Tích phân số điện tử hay còn gọi là Eniac, bao gồm: Kathleen McNulty, Jean Jennings, Betty Snyder, Marlyn Wescoff, Frances Bilas và Ruth Lichterman.
Mary Allen Wilkes và máy tính LINC tại MIT. Ảnh: Joseph C. Towler, Jr Cũng như một số lập trình viên khác, nhóm Eniac khám phá ra rằng phần mềm không bao giờ hoạt động đúng ngay từ lần đầu tiên, và công việc chính của một lập trình viên là tìm và sửa lỗi. Những cải tiến của họ bao gồm một số khái niệm cốt lõi của phần mềm, trong đó Betty Snyder nhận ra là nếu muốn xóa lỗi một chương trình chạy không đúng thì phải có “break point” (điểm ngắt/điểm dừng cho phép dừng chương trình giữa chừng để quan sát các thông tin khác). Ngày nay, đây vẫn là một phần quan trọng của quá trình sửa lỗi các chương trình máy tính.
Sự mất cân bằng giới trong ngành lập trình Quá trình ‘thanh lọc” phụ nữ khỏi ngành lập trình diễn ra một cách từ từ. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, khi công việc lập trình lan rộng từ quân đội sang tư nhân, phụ nữ tiếp tục là những người tiên phong.
Grace Hopper được ghi nhận là người tạo ra “trình biên dịch” (compiler) đầu tiên, một chương trình cho phép người dùng tạo ra các ngôn ngữ lập trình giống với ngôn ngữ viết thông thường. Hopper cũng đã phát triển ngôn ngữ “Flowmatic” cho những doanh nhân không chuyên về kỹ thuật. Sau đó, bà đã tư vấn cho nhóm của mình đã tạo ra Cobol, ngôn ngữ này về sau được các tập đoàn sử dụng rộng rãi.
Một lập trình viên khác trong nhóm tên Jean E. Sammet tiếp tục có ảnh hưởng đến sự phát triển của Cobol trong nhiều thập kỷ. Một thành viên khác tên Fran Allen thậm chí đã trở thành nghiên cứu viên nữ đầu tiên của IBM do quá thành thạo trong việc tối ưu hóa Fortran, một ngôn ngữ để thực hiện các phép tính khoa học.
Công việc lập trình nở rộ vào những năm 1950 và 1960, khi các công ty bắt đầu dựa vào phần mềm để xử lý bảng lương và thu thập dữ liệu. Lúc này, các nhà tuyển dụng vẫn đặc biệt ưu ái phụ nữ bởi nam giới không có lợi thế đặc biệt nào khi được tuyển dụng. Như cái nhìn của Wilkes, họ chỉ đơn giản tìm kiếm những ứng viên có tư duy logic, giỏi toán và tỉ mỉ. Hóa ra, định kiến giới này lại có lợi cho phụ nữ: Một số CEO cho rằng, năng lực truyền thống của phụ nữ trong các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ như đan lát và dệt vải đã thể hiện chính xác tư duy này. Bên cạnh đó, lập trình phần mềm lúc đó chưa phải là một công việc hào nhoáng và được coi trọng.
Nhờ vậy, một phụ nữ da màu tên Arlene Gwendolyn Lee trở thành một trong những lập trình viên nữ đầu tiên ở Canada. Một người phụ nữ tên Elsie Shutt thậm chí đã thành lập Computations Inc., một công ty chuyên tư vấn sản xuất code cho các tập đoàn. Bà thuê những người nội trợ làm nhân viên bán thời gian, nếu họ chưa biết cách lập trình, bà sẽ đào tạo họ. Họ chăm sóc con cái vào ban ngày và viết code vào ban đêm.
Đến năm 1967, số lượng lập trình viên nữ nhiều đến mức tạp chí Cosmopolitan đã đăng một bài viết với tiêu đề “The Computer Girls” (Những cô gái máy tính) và chỉ ra phụ nữ có thể kiếm được 20.000 USD một năm khi làm công việc này (hơn 150.000 USD theo giá trị tiền tệ ngày nay).
Tuy nhiên, khoảng đầu thập niên 1980, một sự thay đổi chóng mặt diễn ra, phụ nữ bắt đầu ít xuất hiện hơn trong nghề lập trình. Một nguyên nhân lý giải cho sự suy giảm này là sự thay đổi trong cách thức và thời điểm thế hệ sau học lập trình. Từ cuối những năm 1970, máy tính cá nhân bắt đầu xuất hiện trong các hộ gia đình và giúp trẻ em được làm quen với lập trình từ rất sớm. Nút thắt nằm ở điểm này. Một nghiên cứu xã hội học, thực hiện từ năm 1995 đến năm 1999 đã cho thấy cha mẹ có xu hướng khuyến khích các cậu bé tiếp xúc với máy tính trong khi các cô bé thì không. Do đó, tỉ lệ sinh viên nữ chọn ngành học liên quan đến Khoa học Máy tính và Khoa học Thông tin trở nên ít đi.
Do được tiếp xúc với máy tính từ sớm nên các sinh viên nam đã tích lũy được nền tảng kiến thức nhất định và tự tin vào khả năng của mình khi bắt đầu theo học tại đại học, còn nữ được tiếp xúc với lập trình muộn và có thể nghi ngờ năng lực của bản thân.
Vào thời điểm đó, khái niệm lập trình bắt đầu trở nên phổ biến, rất nhiều sinh viên đã đổ xô đăng ký ngành Khoa học Máy tính đến nỗi các trường đại học không có đủ giáo sư để dạy. Một số trường đã tạo ra các khóa học mà sinh viên cần phải vượt qua trước khi được nhận vào chuyên ngành. Khối lượng bài vở nặng nề và tốc độ dạy học chóng mặt đã nhanh chóng loại bỏ những người không thể tiếp thu ngay lập tức, hầu như chỉ các sinh viên nam được tiếp xúc với lập trình từ sớm mới vượt qua. Một rào cản khác đối với sinh viên nữ đó là chính là sự phân biệt đối xử tại trường học từ bạn học nam và cả các giáo sư.
Khi ngành lập trình dần đóng cửa đối với phụ nữ trong giới học thuật, một sự chuyển đổi tương tự cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp Mỹ.
Vào cuối những năm 1990, để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới trong chương trình Khoa học Máy tính, Allan Fisher - Phó khoa Khoa học Máy tính tại Đại học Carnegie Mellon và các đồng nghiệp đã tạo ra các lớp học phân chia học sinh theo kinh nghiệm: những người được tiếp xúc với lập trình từ sớm sẽ bắt đầu theo hướng riêng, còn những người mới tiếp xúc lập trình sẽ có chương trình học khác một chút để cho phép họ có thời gian bắt kịp. Nhà trường cũng hỗ trợ dạy kèm thêm cho tất cả học sinh, điều này rất thiết thực với những người mới học lập trình.
Những nỗ lực của trường Carnegie Mellon đã thành công đáng kể. Chỉ vài năm sau, tỉ lệ nữ giới tham gia chương trình khoa học máy tính của trường đã tăng vọt, từ 7% lên 42%; tỉ lệ tốt nghiệp của phụ nữ tăng gần bằng nam giới. Các trường khác lo ngại về số lượng nữ sinh thấp cũng đã bắt đầu áp dụng các phương pháp tương tự như Fisher.
Một dịch chuyển văn hóa rộng hơn đã diễn ra với nỗ lực của các trường phổ thông. Theo nghiên cứu của Linda Sax, một giáo sư giáo dục tại U.C.L.A, vào năm 2012, tỷ lệ sinh viên nữ chọn ngành khoa học máy tính bắt đầu tăng trưởng ở mức chưa từng thấy trong 35 năm qua. Ngày càng xuất hiện nhiều các nhóm, các tổ chức đào tạo khuyến khích phụ nữ và các nhóm ít được quan tâm tham gia vào lĩnh vực này như một phần của chương trình STEM.
Vào năm 2018, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, khoảng 26% người làm trong “nghề máy tính và toán học” là phụ nữ.
Song, thay đổi văn hóa tại các trường học là một chuyện, điều khó khăn hơn là thay đổi văn hóa của toàn ngành công nghiệp máy tính, vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức những nơi như Thung lũng Silicon. Vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể đẩy mạnh tỉ lệ nữ giới trong lĩnh vực Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin trong tương lai.
Theo: The New York Times