Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Sức tàn phá khủng khiếp của Bão số 3 (Yagi).

Yagi, siêu bão đầu tiên của năm đã bùng phát trên vùng nước nóng ẩm ở Tây Thái Bình Dương rồi càn quét qua Philippines, Trung Quốc, trước khi đổ bộ vào Việt Nam.

Trước đó vào ngày 30/8, bản tin thông báo của Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) đã cảnh báo về một khu vực áp thấp được hình thành cách bờ biển Palau xấp xỉ 540 km về phía Đông Bắc. Khu vực này đã phát triển rộng hơn thành một áp thấp nhiệt đới vào ngày 31/8. Chỉ một ngày sau, Trung tâm Cảnh báo bão Quốc gia Mỹ (JTWC) đã lưu ý, hoạt động đối lưu quanh một trung tâm hoàn lưu, nơi có một môi trường thuận lợi, tiếp nhiên liệu cho các cơn bão với dòng biển chảy về phía xích đạo và nhiệt độ bề mặt biển ở mức 29 đến 30°C.

Sau khi đi qua Philippines để vào Biển Đông, Yagi được tiếp thêm sức mạnh với một hoàn lưu phụ ở phía Tây vịnh Lingayen và phát triển những dải đối lưu sâu về phía Bắc và Nam, theo Trung tâm Cảnh báo bão Quốc gia Mỹ. Vào ngày 3/9, Cơ quan khí tượng Nhật Bản bổ sung thông tin rằng Yagi đã mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới do sự tiếp tay của nhiệt độ bề mặt biển và hàm lượng nhiệt đại dương của khu vực biển (Ocean Heat Content OHC). Đó là lý do để ngày 4/9, hai cơ quan khí tượng này đều nâng cấp cơn bão lên thành bão nhiệt đới, khi ảnh vệ tinh đã “bắt” được mắt bão.

Tuy nhiên, vào ngày 5/9, Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã nâng cấp cơn bão này thành siêu bão với sức gió duy trì tối đa 260 km/h.

Những gì xảy ra sau đó với con bão này thì chúng ta đã biết. Sau hơn 15 tiếng vào đất liền, bão Yagi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ do các điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, các tỉnh phía Bắc vẫn tiếp tục phải gánh chịu nhiều đợt mưa liên tục và nước trên các con sông trên khu vực này lên tới mức báo động hai.

Hướng di chuyển của bão số 3 Yagi. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Hướng di chuyển của bão số 3 Yagi. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Lo gì từ điểm dị thường?

Quá trình hình thành bão Yagi trở thành điểm quan trọng để các chuyên gia khí tượng phân tích. Trung tâm cảnh báo bão quốc gia Mỹ nhận định, đây là cơn siêu bão thứ tư hình thành ở Biển Đông, sau Pamela vào năm 1954, Rammasun vào năm 2014 và Rai năm 2021.

Thông thường, các cơn bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ. Rất hiếm có siêu bão nào hình thành ngay trên Biển Đông và bão Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Có một điểm mà các chuyên gia lưu ý là nhiệt độ cao bất thường của bề mặt Biển Đông trong năm nay đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho sự hình thành bão Yagi. Cơn bão này đã mạnh lên khi đi vào Vịnh Bắc Bộ, bởi theo trang WeatherSpark, nơi cung cấp các báo cáo chi tiết về thời tiết điển hình cho 145.479 địa điểm trên toàn thế giới, nước biển trong khu vực này rất nóng, dao động từ khoảng 29°C đến 30°C, còn theo trang sea-temperature.com, trong tháng này, nhiệt độ biển của vùng biển Việt Nam có khi lên tới 33°C.

Hãng thông tấn AP đã dẫn lời một số nhà khoa học quốc tế cho rằng cơn bão này cho thấy một xu hướng đang gia tăng về việc hình thành các cơn bão có cường độ mạnh trên biển và đổ bộ vào vùng Nam Á và Đông Nam Á do nhiệt độ đại dương gia tăng. Nước biển ấm hơn làm gia tăng cường độ bão, khiến chúng xuất hiện thường xuyên hơn và có tính phá hủy. Cũng có ý kiến cho rằng, những cơn bão ngày một mạnh hơn có liên quan đến khủng hoảng khí hậu, bởi các vùng biển ấm khiến sự gia tăng của cường độ bão nhanh hơn.

Hình ảnh về sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3 ở Hà Nội.

Biến đổi khí hậu đã được chứng minh là làm gia tăng lượng mưa cực lớn đi kèm với các cơn bão khắp vùng Đông Á. Vào năm 2023, khi sử dụng mô phỏng mô hình khí hậu khu vực có độ phân giải cao, một nhóm nghiên cứu ở trường Đại học KH&CN Pohang (Hàn Quốc) đã phát hiện ra, sự nóng lên toàn cầu từ các hoạt động của con người đã làm tăng cường độ bão và lượng mưa đi kèm. Kết quả này ngụ ý, các siêu bão mạnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở Đông Á trong tương lai. Mưa lớn kèm theo bão cũng có xu hướng mở rộng phạm vi do độ ẩm trong khí quyển tăng lên, một hệ quả khác từ nhiệt độ bề mặt đại dương gia tăng.

Một nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) được công bố vào tháng bảy cũng chỉ ra rằng, các cơn bão trong khu vực Đông Nam Á hiện đang hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và ở trên đất liền lâu hơn do biến đổi khí hậu.

Những thông tin này khiến người ta không khỏi lo âu về những cơn bão tiếp theo, và xa hơn, của những mùa bão tiếp theo: liệu những cơn bão đó có khủng khiếp và gây hậu quả nặng nề như Yagi? Liệu chúng ta có chuẩn bị ứng phó được chúng không?

Hồi tháng sáu, dựa trên các thông tin về bão ở các trung tâm nghiên cứu khí hậu hàng đầu thế giới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã dự đoán về mối nguy của những cơn bão hình thành “ngay trên Biển Đông”. Nghĩa là, Biển Đông đang có đủ điều kiện để hình thành nên bão. Khi bão xuất hiện trên Biển Đông, chúng sẽ diễn biến rất nhanh và khó lường. Điều đó khiến việc phòng chống bão trên Biển Đông sẽ gặp khó khăn hơn.

Trong một cuộc trao đổi với Khoa học & Phát triển, giáo sư Phan Văn Tân, một chuyên gia khí tượng, khí hậu giàu kinh nghiệm ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, cho rằng, để có thể ứng phó được với xu hướng mới, năng lực dự báo của Việt Nam phải ngày một tốt hơn, nghĩa là tăng thêm độ chính xác của các bản tin dự báo.

“Điều chúng ta cần là dự báo trong thời gian dài hơn và đây chính là điều chúng ta chưa làm tốt, chúng ta còn để trống bài toán dự báo hạn nội mùa (ngoài 10 ngày đến khoảng hai tháng). Ở góc độ phòng tránh thiên tai, một trong những thách thức lớn nhất của ngành Khí tượng thủy văn hiện nay là dự báo bão và mưa lớn”, ông nói.

Muốn có năng lực tốt hơn, theo góc nhìn của giáo sư Phan Văn Tân “Cần phải tăng chất lượng dự báo mà muốn làm được điều đó thì việc đầu tiên là phải có con người. Nhiều năm gần đây, nhân lực ngành khí tượng thủy văn càng ngày càng ít đi, đặc biệt là thiếu người giỏi. Nhiều người được đào tạo bài bản đã chuyển sang làm khác vì chế độ đãi ngộ thấp hoặc bị san sẻ thời gian làm quản lý trong khi để giải những bài toán nhiều yếu tố bất định của ngành Khí tượng đòi hỏi phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu”.

Giải pháp cho ngành khí tượng khí hậu, theo ông, “phải có cơ chế đãi ngộ tốt và một môi trường nghiên cứu tốt. Để làm tốt công việc dự báo khí tượng khí hậu thì trách nhiệm lớn nhất vẫn là nhà nước, nơi đề ra những phương hướng thúc đẩy và đầu tư nguồn lực để theo đuổi bằng được những mục tiêu đó”.