Từ ngày 16/9, nền tảng gọi xe và giao đồ ăn Gojek sẽ đóng cửa hoạt động ở Việt Nam, nơi chỉ mang về cho họ 1% doanh thu.

GoJek bất ngờ thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh: H.K
Gojek bất ngờ thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh: H.K

Sáng 5/9, trong thông báo của mình tới các đối tác, Gojek cho biết công ty mẹ của họ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) đã đưa ra quyết định rút khỏi Việt Nam sau khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường nhằm tối ưu hóa tăng trưởng.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ hơn một tuần trước khi Công ty chính thức đóng cửa các dịch vụ cho khách hàng vào ngày 16/9. Các hoạt động khác với đối tác, tài xế và giải quyết thủ tục thanh toán sẽ kéo dài đến 30/9.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn GoTo vẫn đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng để đạt tới điểm hòa vốn. Theo báo cáo tài chính quý II/2024 của Tập đoàn, họ chỉ kiếm được 1% doanh thu tại Việt Nam và muốn tập trung hơn vào thị trường nội địa là Indonesia.

Thời gian qua, Gojek hoạt động ở TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và chiếm 7% thị phần gọi xe ở Việt Nam, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me.

Tại Việt Nam, hãng xe Grab của Singapore vẫn chiếm ưu thế, với 42% thị trường, nhưng các công ty Việt Nam như Be Group (32%) và Xanh SM của Vingroup JSC (19%) đang tăng tốc. Hai công ty này cũng lấy ít phần trăm từ tài xế hơn so với Grab.

Suốt sáu năm hoạt động tại Việt Nam, Gojek gặp nhiều khó khăn trong việc tối ưu hóa lợi nhuận. Năm 2023 đánh dấu sự sụt giảm lớn về doanh thu của Gojek tại Việt Nam, khi doanh thu chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng, trong khi Grab và Be đều đạt mức hàng nghìn tỷ đồng.

Mức lỗ lũy kế của Gojek tại Việt Nam lên đến gần 5.700 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023. Nếu tính riêng năm 2023, khoản lỗ của Gojek là 250 tỷ đồng, giảm mạnh so với lỗ 1.400 tỷ đồng của năm 2022 nhưng mức lỗ lũy kế trong sáu năm hoạt động vẫn là gánh nặng tài chính lớn đối với hãng gọi xe này.

Thị phần của GoJek đã giảm xuống trong hai năm qua về tay các hãng như Be Group và Xanh SM, từ mức , từ mức 30% năm 2022 xuống còn 7% năm 2024. Nguồn: Q&Me
Thị phần của Gojek đã giảm mạnh trong hai năm qua, từ mức 30% năm 2022 xuống còn 7% năm 2024. Nguồn: Q&Me

Một trong những lý do chính khiến Gojek không thể duy trì vị thế tại Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Cuối năm ngoái, một hãng xe gọi xe công nghệ khác là Beamin (Hàn Quốc) cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam vì lý do tương tự. Khác với những hãng kể trên, Beamin chỉ tập trung vào mảng gọi xe giao đồ ăn. Những người quản lý nói rằng mức độ cạnh tranh giữa các ứng dụng giao hàng ở Việt Nam ngày càng khốc liệt và họ có thể “không bao giờ có lãi”.

Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet cùng hai dịch vụ GoBike để gọi xe máy và GoSend để giao nhận. Chỉ vài tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.

Tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị xóa sổ. Công ty được đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ. Màu xanh này cũng gần giống với màu của Grab, hãng xe chiếm ưu thế trên thị trường.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại TP HCM vào tháng 8/2021, Gojek đã gấp rút ra mắt ứng dụng gọi xe ô tô GoCar.

Các tài xế không mấy bất ngờ

Nếu thị trường tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin Gojek ngừng hoạt động, thì theo một số tài xế, đây là việc có thể đoán trước. Một số cho biết, Gojek cạnh tranh bằng giá rẻ nhưng tài xế không được trả công tương xứng.

Trong một thời gian dài, việc quản lý của Gojek đã bộc lộ nhiều điểm yếu, chẳng hạn phản hồi của tài xế ít được quan tâm, chính sách thưởng cuốc xe đòi hỏi phải chạy quãng đường rất lớn (gần 300km/ngày), khó đạt được, hoặc việc tuyển chọn tài xế buông lỏng hơn so với các hãng khác, dẫn đến trường hợp có nhiều tài xế phản ứng không tốt với khách hàng và dần dần mất khách.

Ứng dụng này cũng mất sức hút đối với người dùng bởi các chính sách về giá như không còn nhiều ưu đãi như thời kỳ đầu. Đặc biệt, năm ngoái, Gojek nâng giá khi trời mưa hoặc nắng nóng - giống như Grab; trong khi Be không nâng giá nên nhiều khách hàng chuyển sang dùng Be. Sau thời kỳ đó, dù không nâng giá, Gojek vẫn khó thuyết phục được khách hàng quay lại.

Các tài xế Gojek ở TP HCM cho biết, nửa tháng qua, họ nhận được ít cuộc đặt xe mỗi tuần hơn.

Việc Gojek rút lui có thể không quá ảnh hưởng đến cánh tài xế. Anh Hải, một cựu tài xế Gojek ở Hà Nội, nói rằng hiện có rất nhiều ứng dụng giao hàng cần người. "Trước đây ít app thì còn lo lắng chứ bây giờ thì nhiều nơi tuyển dụng lắm", anh tự tin.