Câu chuyện về bảo tàng queer đầu tiên trên thế giới ở Đức và mạng lưới lưu trữ queer ở Indonesia cho thấy một cộng đồng có thể tự xây bảo tàng để lưu trữ ký ức và hình thành lịch sử của riêng mình, rồi dùng tri thức tự tích lũy ấy để xây dựng căn tính và các mối quan hệ liên cá nhân.


Một bảo tàng đa lịch sử

Cuối thế kỷ 19, các xã hội nói tiếng Anh đã dùng từ “queer” (kỳ dị, bất bình thường) để miệt thị những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Từ thập niên 1980, cộng đồng bị kì thị này bắt đầu tự nhận mình là queer để phản đối cái nhìn thù địch của xã hội. Hiện nay, “queer” trở thành danh xưng chung cho nhiều căn tính “kháng chuẩn” trong lĩnh vực văn hóa, chính trị và nghệ thuật, thay vì chỉ bó hẹp trong câu chuyện giới như trước đây. Từ queer đã gắn liền với cuộc thảo luận về một xã hội chung sống trong đa dạng, nơi mọi người tôn trọng sự khác biệt của nhau thay vì áp đặt những tiêu chuẩn của đa số cho các nhóm thiểu số.

Trong hoàn cảnh đó, một bảo tàng queer nên tìm kiếm lịch sử chung của mọi người queer, hay nên sẵn sàng kể nhiều câu chuyện lịch sử khác nhau và đôi khi mâu thuẫn nhau, mỗi cái được ghi lại bởi một cộng đồng dị biệt đang không ngừng chung sống và va chạm? Nhà nghiên cứu Thảo Hồ đã đặt ra vấn đề này khi mô tả hoạt động của Bảo tàng Gay, Berlin, Đức, nơi cô đang làm việc, tại buổi tọa đàm “Xung quanh lưu trữ queer và nữ quyền” mới đây.

Chuyện kể của Thảo đưa cử tọa về thành phố Berlin trong thập niên 1930 – nơi những người đồng tính nam bí mật diện những trang phục nữ lộng lẫy để chụp ảnh kỷ niệm, dù biết rằng nếu phát-xít Đức tìm thấy ảnh, họ sẽ bị bắt và đày đến các trại tập trung.

Câu chuyện tiếp tục với ảnh chụp các tạp chí gay trong nửa sau thế kỷ 20, những cuộc biểu tình sôi động của các phong trào bảo vệ sự đa dạng về giới, các tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc queer của những người Đức thuộc nhiều màu da, và những biên bản cuộc họp ghi lại cuộc tranh luận đa chiều giữa các tổ chức tham gia phong trào và các cơ quan chính phủ… Số hình ảnh này, được trích từ hàng trăm nghìn hiện vật mà Bảo tàng Gay đang lưu trữ, kể lại một hành trình gian khổ dài hơn một thế kỷ mà người queer tại Đức đã đi qua. Thảo cho biết kho hiện vật khổng lồ của Bảo tàng, bao gồm một thư viện chứa 20.000 cuốn sách về queer, có xuất phát điểm khá khiêm tốn.

Mọi thứ khởi đầu ở Tây Berlin năm 1984, khi một nhóm queer địa phương tổ chức thành công triển lãm mang tên “Người đồng tính nam và nữ ở Berlin giai đoạn 1850-1950”. Một năm sau, năm người thuộc nhóm này đã xây dựng Bảo tàng Gay trong một căn hộ nhỏ, nằm liền kề một quán bar gay, một quán café thân thiện với người queer, và trụ sở của một tổ chức bảo vệ quyền của người queer – tất cả nối liền tạo thành một hệ sinh thái. Để duy trì hoạt động, họ đã huy động hiện vật và ý tưởng từ bạn bè, xin hiện vật và đồ nội thất từ các bảo tàng khác, đồng thời tiến hành thu phí thành viên. Mười năm sau, Bảo tàng chuyển đến một địa điểm lớn hơn, và phải đợi 24 năm sau ngày thành lập, Bảo tàng mới nhận được khoản tài trợ đầu tiên từ chính phủ Đức.

Bảo tàng Gay tại Berlin hóa ra là bảo tàng queer đầu tiên trên thế giới. Hoạt động của Bảo tàng, vì thế, đặt ra một thách thức chưa có tiền lệ: tìm cách lưu trữ trọn vẹn những câu chuyện lịch sử có nhiều điểm khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn nhau, do được viết ra bởi các cộng đồng có nhãn quan và mối quan tâm khác nhau, hoặc thậm chí đôi lúc xung khắc. Chẳng hạn, không lâu sau khi Bảo tàng ra đời, các thành viên nữ đã ngừng nộp phí sinh hoạt và tách thành nhóm riêng, để có thể tập trung hoạt động của mình vào những vấn đề thật sự quan trọng với họ – như bạo lực nhắm vào nữ giới, hoặc các cấu trúc xã hội cổ súy quyền lực của người nam. So với nữ giới, người đồng tính nam vẫn được hưởng nhiều đặc quyền xã hội dành riêng cho người nam, và điều đó có thể khiến họ khó cảm thông với những câu chuyện từ góc nhìn nữ mà người nữ muốn kể.

Bức ảnh được trưng bày trong một triển lãm tại Bảo tàng Gay, ghi lại cuộc họp của một nhóm queer nữ tại Berlin trong thập niên 1970. Nguồn: Schwules Museum
Bức ảnh được trưng bày trong một triển lãm tại Bảo tàng Gay, ghi lại cuộc họp của một nhóm queer nữ tại Berlin trong thập niên 1970. Nguồn: Schwules Museum

Để vượt qua những lằn ranh chia cắt như vậy, thay vì xây dựng những gian lưu trữ cố định kể một câu chuyện lịch sử duy nhất, hiện Bảo tàng Gay chỉ tổ chức các buổi triển lãm tạm thời, để các nhóm queer khác nhau luân phiên kể những lịch sử khác nhau. Mỗi nhóm cũng đưa hiện vật và triển lãm của mình di chuyển từ bảo tàng này sang bảo tàng khác, thay vì xem Bảo tàng Gay là nơi lưu trữ có thẩm quyền duy nhất.

Tính độc lập mà các diễn ngôn queer nên có trong mối quan hệ với diễn ngôn chính trị chủ lưu cũng đặt ra một vấn đề khác. Các không gian lưu trữ truyền thống, vốn chỉ xem queer như một trong những điểm xung đột của chính trị thế giới hoặc quốc gia, đã khiến nhiều người queer cảm thấy bị hiểu lầm và áp chế. Khi đứng trong đó, họ cảm thấy mình chỉ hiện diện như một điểm dị biệt trong xã hội, hoặc một nạn nhân, hoặc một cử tri cần tranh thủ, thay vì như một cá nhân có đời sống và cảm xúc muôn mặt, hầu như độc lập khỏi các ấn tượng mà truyền thông và chính trị đang có về người queer. Họ cảm thấy căn tính của mình đang bị bán rẻ để đổi lấy các lợi ích thực tiễn cho cộng đồng queer, thứ chưa chắc bù đắp được sự toàn vẹn cá nhân đã mất.

Để giảm bớt ảnh hưởng từ các đại tự sự, Bảo tàng Gay áp dụng một lối trưng bày đặc biệt. Thay vì sắp xếp các hiện vật theo trình tự thời gian, để rồi biến chúng thành vật minh họa cho các sự kiện và giai đoạn lịch sử thường được nhắc đến trên truyền thông chủ lưu, Bảo tàng nhóm hiện vật lại để truyền đạt cảnh sống riêng tư mà một cá nhân queer đã thật sự trải nghiệm. Đó là cảnh sống đầy ắp những câu chuyện lấy điểm khởi đầu là những căng thẳng về tình dục; các cảm nhận, cảm xúc và ham muốn queer; các sở thích và vai tuồng khác nhau trong mối quan hệ; các khuynh hướng và phong cách… Những câu chuyện đó được kể bằng các gian trưng bày mô phỏng những album ảnh cá nhân; hoặc những sổ tay đầy ắp các ghi chép vụn vặt, tin đồn, suy đoán – thay vì những “sự kiện lịch sử” được kiểm chứng và trình bày bằng thứ ngôn ngữ mang tính hành chính hoặc chuyên môn. Theo cách đó, Bảo tàng liên tục nhắc nhở người xem rằng quá khứ được mỗi người diễn giải theo một cách khác nhau, và rằng ham muốn của chúng ta đang định hình cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với các kho lưu trữ.

Nơi “bảo tồn tình yêu”

Các diễn giả tại sự kiện “Xung quanh lưu trữ queer và nữ quyền” do Viện Goethe Hà Nội, Một Bảo tàng Queer, Hà Nội Pride và Ba-Bau AIR đồng tổ chức, Hà Nội, ngày 1/9/2024. Từ trái sang: Thảo Hồ (Bảo tàng Gay), Chu Thanh Hà, Đinh Nhung (Một Bảo tàng Queer), Sidhi Vhisatya (QIA). Nguồn: Viện Goethe Hà Nội
Các diễn giả tại sự kiện “Xung quanh lưu trữ queer và nữ quyền” do Viện Goethe Hà Nội, Một Bảo tàng Queer, Hà Nội Pride và Ba-Bau AIR đồng tổ chức, Hà Nội, ngày 1/9/2024. Từ trái sang: Thảo Hồ (Bảo tàng Gay), Chu Thanh Hà, Đinh Nhung (Một Bảo tàng Queer), Sidhi Vhisatya (QIA). Nguồn: Viện Goethe Hà Nội

Tiếp nối câu chuyện của Thảo Hồ, nhà hoạt động xã hội Sidhi Vhisatya giới thiệu những ảnh chụp mô tả lịch sử queer của Indonesia từ những tạp chí tự xuất bản trong thập niên 1980 với trang bìa được thiết kế theo phong cách Art Deco đến những lễ hội thập niên 1990 với dàn Drag Queen ăn vận bắt mắt. Những mảnh ghép này – Vhisatya cho biết – đều từng là thứ lịch sử bị chối bỏ và lãng quên. Khi lần đầu cầm trên tay một tạp chí queer của thế kỷ trước, anh ước mình đã biết đến nó sớm hơn, để có thể cảm thấy bớt lạc lõng trong xã hội khi biết có một lịch sử mà mình thuộc về. Điều này đã thôi thúc anh cùng ba người bạn xây dựng mạng lưới Lưu trữ Queer Indonesia (QIA) vào năm 2020, và thu thập cho nó một lượng thông tin khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn.

Với 86% dân số theo Hồi giáo và 9% theo Kito giáo, Indonesia từng là mảnh đất khắc nghiệt với người queer, nơi họ có thể bị hành hung bởi các nhóm cực đoan và bị chặn website bởi chính phủ. Lãnh thổ “vạn đảo” của Indonesia cũng mang lại một trở ngại khác, khiến những người queer phân bố tản mát, khó có thể tập hợp thành một cộng đồng chia sẻ ký ức chung. Để thích nghi với hoàn cảnh đó, Vhisatya và các cộng sự quyết định biến mỗi cá nhân queer thành một kho lưu trữ nhỏ, và xây dựng một mạng lưới để kết nối họ thành một bảo tàng queer trên Internet, cũng như thành một cộng đồng. “Thay vì thu thập các hiện vật, tôi chụp ảnh hiện vật rồi trả chúng cho chủ nhân; chúng tôi sẽ liên lạc với họ để mượn hiện vật khi cần triển lãm và rồi lại trả chúng về,” anh cho biết.

Trong những năm kế tiếp, QIA đã lập được một loạt danh mục lưu trữ trực tuyến để thể hiện lịch sử queer tại Indonesia, bao gồm danh mục các văn hóa phẩm queer từng được lưu hành, và một bản đồ thể hiện lộ trình di cư của các nhóm queer trong quá khứ. Những thông tin được thu thập cũng bao gồm các bài viết về queer trên sách báo – nhiều bài trong số này quy kết queer là một căn bệnh – và lịch sử truyền miệng của cộng đồng queer. Trong khi nhiều thông tin trong số này được công bố online để mọi người đều có thể truy cập, những thông tin nhạy cảm hơn, liên quan đến bí mật đời tư, đòi hỏi người xem phải chứng minh độ tin cậy để được phép tiếp cận.

Cuộc khai quật quá khứ của QIA cho họ thấy một sự thật thú vị: nhiều tổ chức queer từng xuất hiện ở Indonesia đã sinh ra từ những bức thư tình. Ban đầu, các sáng lập viên chỉ viết thư để tán tỉnh nhau, nhưng sau đó, họ lại cùng nhau lập ra các tổ chức. Phát hiện này đã khiến Vhisatya và các cộng sự tin rằng lưu trữ queer trước hết là một hoạt động “bảo tồn tình yêu”.

Mỗi khi chuẩn bị một triển lãm để kể câu chuyện về lịch sử queer tại Indonesia, QIA sẽ đặt trục chính của câu chuyện quanh các không gian thân mật, các cảm thức cá nhân, thay vì các hội nhóm. Chẳng hạn, QIA đã dành buổi trưng bày hiện vật đầu tiên để kể về những người queer sống ở các vùng nông thôn hoặc thị trấn nhỏ, nơi họ không có cơ hội hòa nhập vào cộng đồng queer ở các đô thị lớn, chỉ còn cách sống lạc lõng giữa gia đình và đức tin của bản thân. Những triển lãm như vậy cung cấp một ví dụ thú vị, trong đó tri thức về con người có thể phát sinh từ đời sống đang tiếp diễn của các cá nhân dị biệt thay vì chỉ từ các thiết chế truyền thống; nhờ đó tri thức liên tục được cập nhật, làm mới để trở nên đa chiều hơn, bao quát được một phổ biểu hiện rộng lớn hơn của con người. Và để tham gia vào quá trình kiến tạo tri thức này, người ta có thể bắt đầu bằng một nhóm bạn, một thùng carton đựng hiện vật hoặc một website, miễn sao kho lưu trữ có thể bám rễ vào các giao tiếp thân mật trong cộng đồng suốt một thời gian dài, như hai kho lưu trữ queer vừa nêu đã thể hiện.