Mới đây, PLOS – nhà xuất bản tiên phong trong mô hình truy cập mở – đã bắt đầu thử nghiệm một mô hình kinh doanh mới có khả năng chấm dứt thời đoạn nhà nghiên cứu phải trả tiền để công bố bài báo khoa học.

Một trong những phương án đó là chuyển việc thu phí xuất bản từ cá nhân nhà nghiên cứu thành thu phí theo đơn vị công tác của họ, thông qua việc thu phí thường niên. Chỉ bằng khoản phí này, tất cả các nhà nghiên cứu thuộc cơ quan đó đều có thể đăng bài trên các tạp chí của PLOS mà không cần trả thêm khoản phát sinh nào khác.

Mô hình này đang được PLOS thử nghiệm trong 3 năm trên 2 tạp chí có tiêu chuẩn chọn lọc cao (highly selective journal) - PLOS Biology và PLOS Medicine.


Không chỉ PLOS, nhiều mô hình tài chính truy cập mở mới nổi khác cũng đang hướng đến loại bỏ việc thu phí của tác giả.

Theo tuyên bố của PLOS, mục đích của thử nghiệm nhằm “chứng minh một tạp chí truy cập mở, có tiêu chuẩn chọn lọc cao, vẫn có thể trang trải kinh phí vận hành mà không cần thu phí xử lý bài báo (APC) ở mức cao, hay thậm chí là không thu phí” và “để phân bổ chi phí một cách công bằng giữa những cơ sở công bố nhiều nhất trên 2 tạp chí này.”

Để thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở, tổ chức, PLOS đã ra thông báo, những tác giả liên hệ đến từ các cơ sở không lựa chọn mô hình này sẽ phải chịu một lệ phí “không phải thành viên” (non-member fee), mà cho đến năm 2023 sẽ tăng lên thành 5.500 USD – 6.300 USD/bài báo, cao hơn rất nhiều so với phí APC hiện giờ (3.000 USD)."

PLOS có 7 tạp chí và có kế hoạch chi tiết về chính sách thu phí cho từng ấn phẩm của mình.

Đối với hai tạp chí có tiêu chuẩn chọn lọc cao, các cơ sở sẽ chi trả một trong 12 cấp độ phí hằng năm. Mức phí này được tính toán một phần dựa trên tổng số bài báo của tất cả các nhà khoa học (cả tác giả liên hệ lẫn tác giả đóng góp) đến ở tất cả các cơ sở trong cùng một cấp độ đã công bố trên 2 tạp chí này trong những năm gần đây. Phí hằng năm dao động từ chỉ vài trăm USD, tức thấp hơn phí APC cho một bài báo thông thường, đến gần 40.000 USD. Khoản tiền này được PLOS sử dụng để trang trải chi phí vận hành, cùng với một biên lợi nhuận 10% dành cho việc cải tiến các tạp chí. Nếu số lượng cơ sở nghiên cứu đăng ký tham gia lớn hơn con số họ kỳ vọng, PLOS sẽ dùng phần doanh thu thặng dư để giảm lệ phí của năm tiếp theo.

Nhà xuất bản cũng đưa ra một thay đổi trong chính sách thu phí của 5 tạp chí còn lại, bao gồm siêu tạp chí PLOS ONE. Các cơ sở giờ đây có thể trả một khoản phí thường niên để các nhà khoa học của mình có thể công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí này, bất kể họ là tác giả liên hệ hay tác giả đóng góp.

Khách hàng đầu tiên của cả hai mô hình trên là Jisc – một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ thư viện cho các trường đại học ở Anh. Caren Milloy, giám đốc bản quyền của Jisc, cho rằng kế hoạch của PLOS dành cho các tạp chí có tiêu chuẩn chọn lọc cao có “tiềm năng tái định hình khoản kinh phí tương lai của khoa học mở.” Bên cạnh đó, theo Sara Rouhi, giám đốc Quan hệ Đối tác Chiến lược của PLOS, nhà xuất bản này đã đạt được khoảng 30 cam kết bằng miệng với các cơ sở và liên hiệp khác.

Kế hoạch của PLOS dành cho các tạp chí có tiêu chuẩn chọn lọc cao là một nỗ lực dung hoà nhu cầu công bố của các nhà khoa học và yêu cầu tài chính của nhà xuất bản. Chi phí để vận hành các tạp chí có tiêu chuẩn chọn lọc cao vốn rất lớn, bởi chúng chỉ xuất bản một số lượng rất ít trong số các bản thảo. Hiện giờ, PLOS đang phải sử dụng doanh thu của 5 tạp chí còn lại để trợ cấp phí APC cho 2 tạp chí về sinh học và y dược của mình; nếu không, phí APC của PLOS Biology và PLOS Medicine sẽ phải tăng lên lần lượt là 2.500 USD và 3.300 USD cho một bài báo thì mới đảm bảo chi phí vận hành.

Kế hoạch này còn có thể góp phần vào các nỗ lực đạt tới sự ổn định tài chính tổng thể của PLOS trong bối cảnh phải báo lỗ và chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng số lượng bài báo được công bố trên PLOS One – tạp chí kiếm tiền chính của PLOS – trong những năm 2016-2018.

Không chỉ PLOS, nhiều mô hình tài chính truy cập mở mới nổi khác cũng đang hướng đến loại bỏ việc thu phí của tác giả, cho thấy thời đoạn mà các nhà nghiên cứu phải tự chi trả cho truy cập mở bài báo của mình sắp kết thúc, cùng với đó là sự chấm dứt của mô hình khiến PLOS trở thành một trong những nhà xuất bản truy cập mở lớn nhất.

Tuy nhiên, PLOS không có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn phí APC cho tất cả các ấn phẩm của mình trong tương lai gần. “Có những nơi trên thế giới đầu tư rất nhiều vào APC, và đó là cách thức kinh doanh họ muốn”, Rouhi chia sẻ. Trong lúc đó, thử nghiệm về cách thu phí mới có mục đích khám phá những cách thức khác để loại bỏ “mọi rào cản đối với cả việc đọc và việc công bố ở những tạp chí của PLOS.”