Những trận lũ quét và sạt lở đất thảm khốc diễn ra liên tục trong thời gian gần đây tại miền Trung làm thổi bùng lên các câu hỏi “Thủy điện làm tăng lũ hay giảm lũ”? “Lỗi do thủy điện”?, “Quy hoạch thủy điện của chúng ta chưa hợp lý”?...
Chưa thể có được câu trả lời xác quyết về nguyên nhân dẫn đến thảm họa này, dù buổi tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức vào ngày 30/10 vừa qua đã khép lại.
Thủy điện có làm “lũ chồng lũ”?
Không phải ở thời điểm hiện nay, khi hiện tượng bão chồng bão ở miền Trung dẫn đến thảm họa đau xót, vấn đề thủy điện và tác động của nó tới môi trường nói chung và hiện tượng lũ lụt nói riêng mới được đặt ra. Các quan điểm chủ yếu gặp nhau ở một vài điểm quan trọng, đó là việc thủy điện xả lũ vào các mùa mưa bão sẽ làm cho lũ lụt trở nên trầm trọng hơn ở hạ du; việc triển khai các dự án thường đi kèm với việc phá rừng để xây dựng công trình thủy điện, điều đó làm mất đi “tấm rào chắn” tự nhiên, khiến cho lũ về nhanh và nhiều hơn so với bình thường, đồng thời làm xói mòn và sạt lở đất. Với con số hơn 800 dự án thủy điện đã và sắp được triển khai tại Việt Nam, những lo ngại này ngày càng được công chúng quan tâm.
Trong cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia thủy điện và môi trường, chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn – kỹ sư thủy công, thành viên Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà, khẳng định về bản chất của loại hình năng lượng này, đó là một trong nguồn năng lượng tái tạo mà rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang khai thác hiệu quả. Tại Việt Nam, năng lượng do thủy điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia chiếm từ 30 – 40%. Với tư cách là người đã tham gia vào nhiều dự án thủy điện lớn, nhỏ trên cả nước, ông phân tích về trường hợp các dự án thủy điện nhỏ đã triển khai ở miền Trung “Do đặc điểm tự nhiên của từng khu vực khác nhau cho nên không phải lúc nào cũng có thể xây dựng được hồ chứa đủ lớn, vì vậy sẽ có những dự án thủy điện chỉ có mục tiêu phát điện là chính. Trong đó, thủy điện nhỏ thường chỉ có hồ điều tiết ngắn hạn hoặc không có hồ. Và cũng chính vì vậy nên tác động của thủy điện nhỏ lên môi trường thấp nhất”. Ông còn nêu dẫn chứng về cái lợi của thủy điện “Đợt lũ miền Trung vừa qua, thủy điện ở Quảng Trị giúp cắt 296 m3/s tương đương 21% lượng nước; ở Hương Điền giúp giảm 45%; Bình Điền giảm 42,3% và Đắk Mi 4 giảm đến 2353.5 m3/s tương đương 74.7%”,
Quan điểm của ông Nguyễn Tài Sơn đã được PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, ủng hộ. Đối với các thủy điện nhỏ như ở miền Trung, do những thủy điện này không có chức năng điều tiết lũ nên lượng nước xả ra nhiều nhất cũng chỉ đúng bằng lượng nước vào hồ và do vậy không làm gia tăng lũ lụt, ông lưu ý.
Dẫn một số nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam, PGS. TS Vũ Thanh Ca thừa nhận thủy điện có thể gây ra rất nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái, gia tăng xói lở bờ biển do chặn dòng bùn cát chảy ra biển hoặc gây lũ quét khủng khiếp nếu đập bị vỡ nhưng đến nay ông chưa thấy cơ sở khoa học nào về việc thủy điện làm tăng lũ. “Nếu không có đập thủy điện lũ vẫn thế, thậm chí còn cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện thì lũ có thể cao hơn rất nhiều”, ông nói.
Để giải thích về điều này, PGS.TS Vũ Thanh Ca đã đi sâu vào phân tích quy trình xả lũ chung của các hồ thủy điện. Dù mỗi quy trình được các chủ đầu tư xây dựng, trình phê duyệt có các thông số kỹ thuật khác nhau nhưng chúng đều có điểm chung: khi mưa về, hồ xả nước tới mức “đón lũ”. Được thực hiện trước khi lũ đến hay khi lũ còn nhỏ, việc xả không làm gia tăng lũ. Trong trường hợp nước trong hồ dâng lên vượt một mức nào đó (ngưỡng thứ nhất, gọi là ngưỡng xả), hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ với lưu lượng tăng theo mực nước trong hồ và công trình thủy điện nào cũng có bể tiêu năng để không ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy xuống hạ du. Khi mực nước trong hồ đạt ngưỡng thứ hai, hồ sẽ xả với lưu lượng nước ra bằng lưu lượng nước về. Vì vậy theo ông, “lúc đó có thủy điện hay không có thủy điện thì lượng nước về hạ lưu vẫn thế. Thủy điện sẽ không xả quá lượng nước về vì vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nước trong hồ là tài sản nên các nhà quản lý thủy điện không xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du”.
Do đặc điểm tự nhiên của từng khu vực khác nhau cho nên không phải lúc nào cũng có thể xây dựng được hồ chứa đủ lớn, vì vậy sẽ có những dự án thủy điện chỉ có mục tiêu phát điện là chính. Trong đó, thủy điện nhỏ thường chỉ có hồ điều tiết ngắn hạn hoặc không có hồ. Và cũng chính vì vậy nên tác động của thủy điện nhỏ lên môi trường thấp nhất”.
Ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia về thủy điện.
Dù giải thích của PGS. TS Vũ Thanh Ca còn chưa làm khách tham dự tọa đàm cảm thấy thỏa mãn thì một vấn đề tiếp nữa lại được đặt ra: việc mất diện tích do làm thủy điện có làm lũ về nhiều hơn? Ông giải thích về bản chất của vấn đề là “thủy điện phá rừng không đáng kể” và phần diện tích rừng bị phá chủ yếu chỉ nằm trong lòng hồ và cũng nhỏ hơn diện tích mặt nước, đồng thời lượng nước rừng giữ được cũng chỉ khoảng 0,2m, nhỏ hơn 20 lần so với khả năng tích nước lên đến 4m của hồ chứa. “Theo Hiệp hội các tổ chức nghiên cứu về rừng quốc tế, rừng có khả năng giảm lũ và điều tiết với những trận lũ nhỏ và cục bộ, nhưng với các trận lũ cực đoan và trên diện rộng như vừa rồi ở miền Trung thì giá trị giảm lũ của rừng không đáng kể”, ông nhận định.
Một vài số liệu mà ông Nguyễn Tài Sơn dẫn ra là sau khi thủy điện phát triển, độ che phủ của rừng nói chung và rừng tự nhiên nói riêng không giảm đi mà thậm chí còn tăng lên so với những năm 1995, một phần nhờ vào đóng góp của thủy điện cho kinh phí phục hồi rừng không nhận được đồng tình của người tham dự. Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, rừng mới trồng không thể được tính là rừng tự nhiên bởi chất lượng, khả năng ngăn lũ của những khu rừng này sẽ không thể nào bằng được rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, tiềm năng thủy điện ở Việt Nam cũng đã sử dụng gần hết, nếu tiếp tục xây dựng thêm vài trăm thủy điện nhỏ nữa thì tối đa tổng công suất cũng chỉ đến 6000 MW, “không ăn thua gì so với nhu cầu điện của chúng ta trong khi hệ quả để lại thì rất lớn, hoạt động quản lý cũng chưa chắc chắn”, ông bày tỏ lo ngại.
Cần quy hoạch và quản lý chặt chẽ
Từ những góc nhìn khác nhau, những ý kiến khác nhau về thủy điện nhỏ khiến cho ngươi ta thấy câu chuyện thủy điện ở miền Trung hết sức phức tạp mà một chuyên gia, một lĩnh vực không thể giải thích được một cách thấu đáo hiện trạng, tác động và hệ lụy của nó. Việc lật lại vấn đề để tìm ra nguyên nhân chính xác là điều hết sức cần thiết để chính quyền và người dân có thể sớm phòng bị, ứng phó trước những mùa lũ trong tương lai.
Vậy chúng ta có thể làm những gì hạn chế rủi ro trong tương lai? Có lẽ, nhìn vào hiện trạng những gì diễn ra ở miền Trung, có thể thấy những điều mà các chuyên gia bàn đến là những điều kiện lý tưởng và cương quyết để áp dụng trong vận hành, điều tiết ở các nhà máy thủy điện nhỏ. Chỉ khi đó thì thủy điện mới có thể trở về giá trị thực của nó, như nhận xét của PGS.TS Vũ Thanh Ca “giá trị của thủy điện rất lớn, người ta đánh giá rất cao thủy điện nhỏ ở chỗ thời gian từ khi khởi động đến khi cung cấp điện cực kỳ ngắn, có thể vận hành gần như tức thời để hỗ trợ điện mặt trời, điện gió”.
Ở góc độ này, các chuyên gia thủy điện và môi trường đều đồng tình: muốn thủy điện thực sự làm đúng chức năng của nó thì hoạt động quản lý và quy hoạch thủy điện nói chung cũng như thủy điện nhỏ nói riêng cần được quan tâm đặc biệt. Một dẫn chứng thực tế về hoạt động quản lý và quy hoạch chưa chặt chẽ được ông Nguyễn Tài Sơn chỉ ra đó là việc thủy điện Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 do thời điểm xây dựng chưa phù hợp với nhau nên có một thời gian khiến Đà Nẵng gặp hạn hán. “Đây không phải là bản chất của thủy điện mà do quản lý quy hoạch của chúng ta chưa tốt. Đối với quy hoach về thủy lợi, thủy điện, việc cái nào xuất hiện trước, cái nào xuất hiện sau phải quy hoạch rất nghiêm ngặt bởi nó liên quan đến yếu tố tự nhiên và môi trường, chỉ cần lơ là là sẽ gây hậu quả”, ông Sơn nhấn mạnh.
Công tác quản lý vận hành của chúng ta chưa tốt. Hiện nay có khá nhiều đập thủy điện nhỏ chưa có quy trình vận hành, do vậy cần phải có sự rà soát và đánh giá chặt chẽ việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như ko làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới hệ sinh thái vùng hạ nguồn. Đồng thời, các công trình thủy điện cần xây dựng các “thang cá” để đảm bảo cá có thể di cư ngược dòng và vượt qua đập để khôi phục hệ sinh thái, cũng như cần phải làm các cửa xả đáy cho các công trình để đảm bảo bùn cát có thể về hạ nguồn thường xuyên. “Đây là những nội dung yêu cầu rất quan trọng khi xây dựng công trình thủy điện ở các nước phát triển, nhưng nhiều công trình của Việt Nam chưa có”, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết.
Ông cũng lưu ý, phải hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện. “Cần phải lập thẩm định phê duyệt một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường để có kế hoạch giảm thiểu tác động của hồ, đập thủy điện và đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ, tác động môi trường của thủy điện đem lại”, ông nói và nhận định, việc dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi bỏ quy định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường dù đã được quy định trong luật cũ là “một bước lùi rất lớn”, bởi nếu không có quy định này thì sẽ không thể đảm bảo được việc các doanh nghiệp công bố báo cáo, trong khi đây lại là một bước cực kỳ quan trọng.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương). “Đối với quy hoạch liên quan đến rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ thì chúng tôi yêu cầu phải có ý kiến của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thì mới được xem xét. Bản thân chúng tôi cũng đã chủ động dừng các dự án thủy điện dưới 3MW và các dự án có ảnh hưởng đến môi trường, hạ du. Sắp tới, qua đợt lũ cực đoan, chúng tôi cũng đang có chương trình, yêu cầu các tỉnh rà soát và đánh giá lại các dự án trên địa bàn của mình để đề ra hướng phát triển thủy điện nhỏ trong thời gian tới”.