Theo Ths Nguyễn Tuấn Lâm, khảo cổ học dưới nước có hai công việc vô cùng quan trọng, đó là khai quật và xử lý hiện vật. Mỗi một công việc có một quy trình riêng, nguyên tắc riêng và phương pháp riêng.
>>
Chuyên đề: Khảo cổ học dưới nướcĐĩa men nhiều màu được khai quật từ tàu cổ Cà Mau. Ảnh: Lê Hằng
Trong đó, các bước khai quật dưới nước gồm khảo sát; định vị vị trí tàu đắm; đo vẽ, chụp ảnh hiện trạng; trục vớt hiện vật bao gồm cả xác tàu; thống kê, phân loại hiện vật; và viết báo cáo khoa học. Còn quy trình bảo quản hiện vật gồm các bước phân loại sơ bộ hiện vật để xác định từng loại hình chất liệu của hiện vật để từ đó có phương pháp bảo quản tối ưu nhất (mỗi loại chất liệu có cách bảo quản riêng); giảm mặn; sấy khô.
“Khó nhất là bảo quản xác tàu. Việc này có thể tốn hàng chục tỷ nhưng nếu không đúng quy trình thì cũng xôi hỏng bỏng không" - Ths Nguyễn Tuấn Lâm cho biết.
“Nếu gỗ tàu còn chắc thì có thể bao lưới xung quanh và nâng lên bằng bóng nitơ; nếu gỗ tàu bị mục nát nhiều thì sau khi lấy hết hiện vật, tiến hành đánh dấu từng vị trí rồi tháo dỡ và đưa lên rồi mới lắp ráp lại. Việc bảo quản xác tàu cũng vô cùng phức tạp: sau khi giảm mặn trong nhiều tháng thì cho ngâm trong nước ngọt có bổ sung dung dịch làm chắc thớ gỗ cho đến khi thớ gỗ đã ổn định thì vớt lên đưa vào phòng sấy khô. Việc sấy khô phải tiến hành từ từ vì nếu nhanh quá sẽ làm biến dạng khung gỗ của tàu hoặc sẽ làm cho gỗ tàu bị nứt, gãy...; còn chậm quá sẽ làm gỗ bị mủn... Tất cả những công đoạn này đều cần đến phương tiện máy móc nhưng chúng ta đều chưa có. Hiện tại chúng ta chỉ xử lí được đồ gốm sứ mà thôi” - ông Lâm giải thích.
Lâm Vũ