Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cả nhận thức của phần đông dân chúng về vấn đề bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa dưới nước khiến lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học dưới nước vốn đã “vào cuộc” chậm lại càng đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Những kết quả bước đầu

Từ việc Việt Nam có rất nhiều di tích khảo cổ dưới nước, đặc biệt là các con tàu đắm, được phát hiện, những năm gần đây, khảo cổ học dưới nước (KCHDN) là một lĩnh vực được nhắc đến khá thường xuyên trong giới khảo cổ học và các nhà quản lý văn hóa Việt Nam. Đây là một lĩnh vực không mới trong nền khảo cổ học thế giới, nhưng nội hàm của nó được thay đổi ngày càng phong phú, đa dạng, song hành với sự phát triển về phương pháp và phương tiện nghiên cứu, và sự thay đổi trong quan niệm trên cơ sở những kết quả nghiên cứu mới.

Nếu coi mọi dấu tích phản ánh đời sống của con người trong quá khứ, các ứng xử với văn hóa, các hoạt động của họ trên mặt nước, trong, xung quanh và dưới biển, ở các vùng cửa sông và các sông... là đối tượng nghiên cứu của khảo cổ học dưới nước, thì từ thập niên 1960 đến trước năm 2008, bên cạnh các nghiên cứu dưới góc độ sử học của các nhà nghiên cứu quốc tế, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã thực hiện một số cuộc khảo sát, khai quật tại các di tích chìm ngập và bến cảng cổ và đã đạt được những thành tựu nhất định.

Di tích được các nhà khảo cổ quan tâm nhiều nhất là khu di tích chiến trường Bạch Đằng (nay thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Nhiều cuộc khai quật được tiến hành tại di tích bãi cọc Yên Giang từ những năm 1960 đến cuối những năm 1980 nhằm nghiên cứu đặc điểm địa chất, địa mạo, lịch và mực nước chịu tác động của thủy triều... và thu thập các nguồn tư liệu dân gian, văn bia theo hướng tiếp cận đa ngành đã đưa đến những hiểu biết toàn diện hơn về bối cảnh trận thủy chiến năm 1288 của Trần Hưng Đạo đánh tan đoàn thuyền chiến của quân Nguyên.

Năm 2005, các cuộc khảo sát và khai quật tại khu vực Đồng Vạn Muối đã phát hiện thêm một bãi cọc mới và các cách thức bố trí chiến trường độc đáo của quân dân nhà Trần. Không chỉ là những cọc lớn được đóng vào lòng sông như thấy ở Yên Giang mà ở Đồng Vạn Muối các cọc lớn nhỏ còn được cắm lắt léo vào những bãi lầy ven sông, nhằm thu hẹp lòng sông và ngăn cản quân đổ bộ.

Hiện trường khai quật tàu cổ đắm Bình Châu. Ảnh: T.Tin

Thương cảng Vân Đồn (được thành lập bởi triều đình nhà Lý vào năm 1149) cũng là một di tích được quan tâm nghiên cứu ngay từ những năm 1970. Đến thập niên 1990 và thập niên đầu thế kỷ 21, một số địa điểm trong khu vực thương cảng Vân Đồn tiếp tục được khai quật đã bộc lộ nhiều dấu vết khảo cổ học cho thấy sau khi nhà Lý xây dựng thành một thương cảng quốc tế, khu vực này đã phát triển phồn thịnh với dấu tích của các chùa tháp, bến bãi và nhà cửa xuất lộ trên nhiều đảo (Jun Kimura và nkk, 2014).

Nhiều thương cảng cổ khác như Phố Hiến, Hội Thống, Hội An, Thi Nại-Nước Mặn... cũng được quan tâm nghiên cứu. Trong đó Hội Thống và một di tích khác cùng nằm trong bối cảnh cửa sông Lam là Đền Huyện đã được khảo sát và khai quật từ những năm 1990.

Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, việc áp dụng các phương pháp hiện đại của khảo cổ học dưới nước đã được chính thức áp dụng tại di tích Bạch Đằng. Tại đây, việc sử dụng các thiết bị và các phương pháp nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, như phương pháp khảo sát quét cạnh siêu âm (Side scan sonar), phương pháp đo từ trường (Magnetic), phối hợp với việc sử dụng thiết bị kết nối thông tin địa lý toàn cầu (GPS) và khoan mẫu trầm tích nhằm xác định các dòng chảy cổ v.v. đã được ứng dụng và giới thiệu cho các cán bộ trẻ của Viện Khảo cổ học.

Các phương pháp này đã góp phần phục dựng lại địa hình cổ khu vực Bạch Đằng, gồm nhiều dòng chảy xen giữa các bãi đá trong khu vực đảo Hà Nam. Đồng thời góp phần lý giải sự có mặt của các cọc trong khu vực Đồng Má Ngựa.

Năm 2011, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban quản lý di tích văn hóa trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và đoàn chuyên gia quốc tế chương trình Bạch Đằng tiến hành khai quật theo định hướng nghiên cứu và bảo tồn tại chỗ di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa, đã phát hiện 55 cọc gỗ trong các hố khai quật (chưa kể các cọc xuất lộ trên bề mặt đã được khảo sát năm 2009) và nhiều loại hình di vật khác như đồ gốm, sành, sứ, các loại vỏ sò, các di vật gỗ có dấu vết chế tác...

Cũng trong năm 2011, một cán bộ của Viện đã được cử tham gia khóa tập huấn về khảo cổ học dưới nước do UNESCO tổ chức tại Thái Lan, mở đầu cho hoạt động đào tạo nhân lực về chuyên ngành này cho Viện Khảo cổ học. Sau đó các cán bộ của phòng Khảo cổ học dưới nước tiếp tục được gửi đi tham dự các khóa tập huấn tại Thái Lan và Indonesia; các khóa tập huấn với các bài giảng theo chương trình của Hội khảo cổ học Hàng hải (Nautical Archaeology Society – NAS) được thực hiện từ năm 2012 tại Hà Nội, Vinh, Hội An.


Bốn vấn đề cấp bách của khảo cổ học dưới nước

Từ thực tế các cuộc khai quật cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy KCHDN đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, kinh phí hoạt động hằng năm, bảo quản di tích di vật và chi phí đào tạo con người. Đối với Việt Nam, cơ sở vật chất và thiết bị hiện nay có thể nói là con số “không” và là khó khăn hàng đầu trong việc triển khai các hoạt động khảo sát và nghiên cứu.

Cùng với khó khăn này, nguồn nhân lực cũng là một vấn đề đáng lưu ý. George Bass - người tiên phong trong lĩnh vực khảo cổ học dưới nước từng nói: “Đào tạo một nhà khảo cổ để tiến hành thu thập và khai quật những địa điểm dưới nước khó hơn là đào tạo một người thợ lặn trở thành một nhà KCHDN giỏi (Richard A. Gould, 2000, pp.2).

Tuy nhiên, để đảm bảo cho các nhà nghiên cứu làm việc dưới nước an toàn, có đầy đủ kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại, có phông kiến thức rộng đủ để giải quyết các vấn đề đa dạng có liên quan và có khả năng phối hợp với các chuyên gia liên ngành là một vấn đề không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được.

Trung Quốc từng cử người đi đào tạo về khảo cổ học dưới nước từ những năm 1970. Tuy nhiên, do chưa có một cơ sở vật chất đồng bộ nên họ không thể phát huy được kiến thức của mình vào thời kỳ đó. Vào thập niên đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách tập hợp đội ngũ các nhà nghiên cứu từ nhiều cơ quan trung ương và cấp tỉnh. Đến nay họ đã có đội ngũ gồm 710 chuyên gia lặn, bao gồm nhiều nhà khảo cổ học.

Do vậy, theo chúng tôi, để phát triển KCHDN ở Việt Nam, trước mắt cần giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:

- Chính phủ cần đầu tư những phương tiện và trang thiết bị cơ bản, thiết yếu nhất một cách đồng bộ, tránh nhỏ giọt hoặc không lựa chọn ưu tiên. Những trang bị này cần đảm bảo chất lượng và phù hợp cho người Việt sử dụng.

- Về nhân sự, cần tiếp tục duy trì các đợt tập huấn hằng năm tại Việt Nam và lựa chọn, cử người đi đào tạo tại nước ngoài. Bài học của các nước cho thấy, do đặc thù của khảo cổ học dưới nước, phần lớn các nước, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, không có đủ lực lượng để triển khai các hoạt động nghiên cứu quy mô dưới nước một các độc lập.

Vì vậy, các dự án nghiên cứu thường mang tính chất liên kết, hợp tác giữa các đơn vị và các nước, đồng thời là môi trường để đào tạo thế hệ trẻ. Từ kinh nghiệm đó, trong tình hình Việt Nam hiện nay có thể mở rộng đào tạo tại chỗ cho các cán bộ thuộc các phòng khác của Viện Khảo cổ hay các cán bộ trẻ thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu khác để có thể phối hợp thực hiện các dự án có quy mô lớn. Cần chọn những người có năng lực và tâm huyết gửi tới các cơ sở đào tạo chuyên ngành quốc tế và đảm bảo công việc và thu nhập cho họ sau khi tốt nghiệp trở về.

- Cần có định hướng nghiên cứu và đề ra kế hoạch công tác hằng năm, và theo đó là kinh phí cần có. Trước mắt là thực hiện cam kết với SPAFA về việc cung cấp các tư liệu thông tin về di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam, đặc biệt là các tàu đắm dọc ven biển Việt Nam thông qua hoạt động khảo sát dưới nước

- Cần có kinh phí đối ứng hằng năm cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo hợp tác quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Sự vận hành đồng bộ các yếu tố trên sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành KCHDN ở Việt Nam.

PGS Mark Staniford (ĐH Flinders, Úc) một chuyên gia dành nhiều tâm sức cho sự phát triển của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một Trung tâm Khảo cổ học dưới nước.

Các cán bộ thuộc Trung tâm cần được đào tạo bài bản ở trình độ đại học và sau đại học về chuyên ngành khảo cổ học dưới nước và phải có chứng chỉ First Aid (về an toàn) và chứng chỉ DAN Oxygen Provider. Họ cũng cần được tham gia các khóa tập huấn hằng năm để tăng cuờng kỹ năng làm việc an toàn dưới nước, vận hành, duy trì và sửa chữa các thiết bị lặn cùng các thiểt bị khác.