Năm 2002, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hà Tây (cũ) khai quật hai ngôi mộ thuyền Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là hai ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, là một loại hình mai táng độc đáo của người Việt cổ với những nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Trong mộ này có rất nhiều đồ quý giá bằng kim loại, đồ gốm và đồ gỗ như khay, cốc, chén, muôi... ở tình trạng khá nguyên vẹn nhưng do không được xử lý đúng cách ngay sau khi phát hiện nên đến nay đều không còn hoặc bị biến dạng.
Câu chuyện khai quật mộ thuyền Châu Can là một minh chứng đầy thuyết phục cho tầm quan trọng của công tác bảo quản cổ vật.
Khi nói đến bảo quản cổ vật, nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là đơn thuần là công việc kiểm kê, đánh số, lưu giữ cổ vật. Trên thực tế, công việc bảo quản không đơn giản như vậy. Để duy trì được nguyên trạng và kéo dài tuổi thọ cho cổ vật, người làm công tác bảo quản cần có hiểu biết toàn diện về hiện vật, từ lai lịch, chất liệu đến giá trị thẩm mỹ...
Ngoài ra, họ cũng cần nắm được các nguyên tắc vật lý, hóa học trong bảo quản, bên cạnh việc trau dồi một tay nghề thủ công nhất định. Kết hợp những kiến thức và kỹ năng này với nhau sẽ cho hiệu quả bảo quản, phục hồi cổ vật cao. Điển hình như việc phục hồi thành công bốn chiếc mũ triều Nguyễn trong điều kiện tất cả đều không còn cốt mũ, các chi tiết trang sức trên mũ tồn tại ở dạng rời rạc với hàng ngàn chi tiết bằng vàng, ngọc, pha lê, đá quý… cách đây mấy năm.
Những cuộc gặp gỡ với các chuyên gia bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) - nơi lưu giữ nhiều hiện vật nhất Việt Nam - sẽ mang tới một cái nhìn cận cảnh về công việc công phu này và những vấn đề, có lẽ cũng là điển hình của ngành bảo quản cổ vật nói chung.