Các nhà khoa học tại NASA đã tìm thấy một hệ sao có số lượng hành tinh bằng với hệ Mặt Trời của chúng ta.
Nhờ có trí tuệ nhân tạo (AI) trong một dự án hợp tác với Google, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một hệ sao có chứa 8 hành tinh giống như hệ Mặt Trời, được đặt tên là Kepler-90, cách Trái Đất khoảng 2.545 năm ánh sáng.
Trước đây, giới khoa học đã biết hệ sao Kepler-90 có 7 hành tinh. Nhưng ngày nay, nhờ có kỹ thuật mới, các nhà khoa học tại NASA đã phát hiện ra hành tinh thứ 8 gọi là Kepler 90i.
Hành tinh đá này bay theo quỹ đạo vòng xung quanh sao chủ với chu kỳ 14,4 ngày. Phát hiện được công bố trên Astrophysical vào hôm 15/12.
"Kepler-90 giống như một phiên bản thu nhỏ của hệ Mặt Trời. Nó có những hành tinh nhỏ nằm ở phía trong và những hành tinh lớn hơn nằm ở bên ngoài, tuy nhiên khoảng cách giữa các hành tinh lại gần hơn" - Andrew Vanderburg – thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) - cho biết.
Kính thiên văn Kepler của NASA đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm các ngoại hành tinh từ năm 2009. Cho đến nay, nó đã phát hiện được hàng nghìn hành tinh lớn nhỏ khác nhau trong vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hành tinh đang nằm ẩn nấp trong khối dữ liệu thu được mà chúng ta chưa nhận ra.
Kính thiên văn Kepler phát hiện được các hành tinh khi chúng di chuyển đi qua phía trước của ngôi sao chủ, khiến cho độ sáng của ngôi sao này giảm xuống.
Đôi khi tín nhiệu nhận được từ các hành tinh rất yếu và không rõ ràng. Đó là lúc hành tinh có thể đang đi qua phía trước của một ngôi sao hay thiên thể khác. Nhờ sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo của Google, NASA đã có khả năng sàng lọc dữ liệu hiệu quả hơn.
"Chúng tôi đã phát hiện ra nhiều điều thú vị ẩn chứa trong đống dữ liệu thu được từ Kính thiên văn Kepler. Đó là một kho báu để các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn trong tương lai nhờ vào các công nghệ tiên tiến hơn" - Paul Hertz - Giám đốc Phòng Vật lý Thiên văn của NASA ở Washington (Mỹ) - cho biết.
Quốc Hùng (Theo IFL Science)