Không những thế, hiện vật được vớt lên lại tiếp tục bị chia năm, xẻ bảy do Việt Nam không đủ nhân lực, phương tiện và kinh phí để chủ động khai quật mà phải dựa vào các công ty tư nhân trong hoặc ngoài nước.
Mò kim đáy bể
TS Phạm Quốc Quân – nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cho biết, kể từ những năm 1990 tới nay, chúng ta đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế khai quật được 6 con tàu cổ ở Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hòn Dầm (Phú Quốc – Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Hội An – Quảng Nam), Cà Mau, Bình Thuận và gần đây nhất là Châu Thuận Biển (Bình Sơn – Quảng Ngãi).
Để phát hiện tọa độ của con tàu đắm, trước hết, phải dùng các thiết bị như drop camera, scan sonar và side scan sonar quét trên mặt biển, khoanh vùng những điểm có khả năng tàu đắm rồi dùng thiết bị định vị vệ tinh đánh dấu tọa độ những vị trí đó. Khi thiết bị phát ra tín hiệu trên màn hình, người điều khiển trên bờ mới đưa thợ lặn xuống xác định chuẩn xác vị trí và định vị bằng nhiều phương tiện thiết bị GPS.
Để lặn xuống biển có nhiều cách, có thể là lặn scuba (lặn với bình oxy), nhưng ở độ sâu 75m như trường hợp Cù Lao Chàm thì phải dùng phương pháp lặn cấp khí từ bề mặt, cũng là phương pháp thường được vận dụng để hàn các công trình dầu khí dưới biển. Khi đó, thợ lặn chui vào trong một quả cầu được cấp khí để họ đủ sống trong một tháng. Quả cầu sau đó được thả xuống biển để thợ lặn luân phiên ra làm việc. Phương pháp lặn này vô cùng tốn kém.
Trong quá trình khai quật, người lặn ở phía dưới phải thường xuyên dùng camera và máy ảnh để phát hình ảnh hiện trạng lên máy ở trên tàu. Thông qua màn hình, các chuyên gia theo dõi và chỉ đạo họ bằng bộ đàm để họ có thể giải quyết các tình huống ở dưới nước.
Ngay cả khi chạm được vào hiện vật rồi cũng không phải cứ thế đưa lên ngay được. “Như con cá, dù đã mắc câu, nhưng nếu giật lên ngay, do áp suất thay đổi đột ngột, nó sẽ bị nổ. Vì thế phải đưa lên từ từ để hiện vật thích ứng dần với áp suất, có như vậy mới tránh được nứt, vỡ” – TS Quân cho biết.
Khai quật kiểu "chữa cháy"
“Khó khăn”, “khiếm khuyết” và “bị động” là những cụm từ mà TS Quân thường nhấn mạnh khi nói về những cuộc khai quật các con tàu đắm cổ ở Việt Nam. “Lý do là chúng ta thiếu đội ngũ và không có một cơ quan chuyên sâu” - TS Quân nói.
Còn Ths Nguyễn Tuấn Lâm – Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, người từng tham gia cuộc khai quật tàu đắm ở Cù Lao Chàm và hai cuộc khai quật hợp tác khác ở Hàn Quốc, thì nhận định, tất cả các cuộc khai quật tàu đắm ở Việt Nam hiện nay đều được tiến hành theo kiểu "chữa cháy" vì chưa áp dụng quy trình và phương pháp khai quật cũng như bảo quản tiên tiến.
Ông dẫn chứng: hầu hết những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam đều do ngư dân địa phương phát hiện trước và họ thường lặn xuống lấy cổ vật trên tàu trước khi thông báo cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, “Chúng ta mới chủ yếu đưa hiện vật lên bờ, trong khi xác tàu là độc bản quan trọng nhất thì bỏ lại” - ông Lâm nói.
Chậm chân khai quật hơn ngư dân, các nhà khảo cổ học dưới nước không chỉ để “tuột tay” hiện vật mà cả “mất dấu” không ít thông tin về con tàu. Sự can thiệp vô ý thức của ngư dân làm mất đi những dấu vết, những hiện vật độc bản cùng những tư liệu có một không hai khiến cho việc nhận thức về các con tàu rất khó khăn, nặng về phỏng đoán, thiếu căn cứ khoa học - TS Lê Thị Liên – Viện Khảo cổ học - nhận định.
Bị xé lẻ, giá trị cổ vật sẽ giảm
Đến bây giờ PGS.TS Tống Trung Tín - Viện Khảo cổ học - vẫn nuối tiếc khi nghĩ đến những hiện vật có giá trị trên con tàu cổ ở Cù Lao Chàm được các công ty khai quật mang sang đấu giá ở Mỹ ngay sau đó. “Đây lại đúng là con tàu chuyên chở những món đồ gốm đẹp và có giá trị thương mại cao, thuộc thời kỳ phồn vinh nhất của gốm Việt Nam, nhưng chúng ta đã không giữ được.”
Theo ông, khi bị phân chia, những hiện vật này trở nên nhỏ bé, lẻ loi trong các bảo tàng hay sưu tập tư nhân, và khó mà phát huy giá trị như những di sản độc đáo của Việt Nam. PGS. TS Tín còn thuật lại lời các nhà khoa học Anh nói với ông trong cuộc khai quật tàu đắm ở Cù Lao Chàm rằng, bản thân con tàu này đã là một di sản thế giới, nếu được giữ nguyên bản cùng với hiện vật để trưng bày ở Hội An.
Ấm hình phượng và ấm phượng men trắng vẽ nhiều màu được khai quật từ tàu cổ Cù Lao Chàm. Ảnh: Lê Hằng
“Làm được như vậy, các giá trị sẽ cộng hưởng, không chỉ mang ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có sức hút ghê gớm với khách du lịch, cơ hội thu hồi vốn bỏ ra để trục vớt con tàu và hiện vật sẽ rất cao” - PGS.TS Tín khẳng định.
Một chuyên gia khảo cổ học Thái Lan đưa ra cách tính đơn giản về tỉ lệ chi phí tài chính và nhân sự giữa khảo cổ học trên đất liền và khảo cổ học dưới nước là 1/6. Nghĩa là cứ một đồng cần chi phí trên đất liền thì dưới nước là 6 đồng. Vị chuyên gia này còn cho biết thêm, năm 2011, Chính phủ Thái Lan đã thông qua ngân sách 27 triệu Bạt (tương đương 900.000 USD) để xây dựng phương tiện đào tạo lặn cho ngành khảo cổ học dưới nước ở Chanthaburi, nơi đã có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ nghiên cứu và tập huấn quốc tế.
Còn Viện Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc đã được trang bị hai tàu SEAMUS (nặng 18 tấn, dài 18m) và NURLAN (nặng 280 tấn, dài 36,4m). Tàu NURLAN có thể làm việc trên biển 20 ngày với 20 nhà nghiên cứu trên boong, được trang bị đầy đủ các phương tiện khảo sát và nghiên cứu hiện đại nhất…
Để ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam cũng nhận được những đầu tư quy mô như cho cả con người và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chắc chắn cần có những quyết sách lớn từ phía chính phủ.