Khi xem triển lãm tại các bảo tàng, chúng ta thường được yêu cầu không sử dụng máy ảnh. Quy định này liên quan gì đến việc bảo vệ những hiện vật tại triển lãm?

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề - chia sẻ những hiểu biết thú vị về công việc của mình.

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Loan Lê
Bà Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Ảnh: Loan Lê

Đã là hiện vật, sẽ được chăm sóc như nhau

Trước hết, bà khẳng định: “Với cán bộ bảo quản, dù hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia hay chưa thì đều được chăm sóc như nhau, theo những nguyên tắc chung về điều kiện bảo quản phòng ngừa như biên độ dao động trong ngày đối với nhiệt độ không quá 2-40C, độ ẩm tương đối dao động không quá 5%”.

Ngoài nguyên tắc chung đó, mỗi loại hiện vật lại có những yêu cầu riêng. “Ví dụ, trong bảo quản hiện vật chất liệu đồng, giấy yếu tố cần được quan tâm hàng đầu ngoài độ ẩm và nhiệt độ, còn phải đặc biệt chú ý đến yếu tố ánh sáng” - theo bà Thơm.

“Cả giấy và mực viết đều chịu tác động của ánh sáng, vì vậy khi mang trưng bày hiện vật chất liệu giấy, cần kiểm soát ánh sáng chặt chẽ, hạn chế tối đa thời gian chiếu sáng, giảm cường độ sáng và ngăn chặn các tia bức xạ có hại tới hiện vật như tia tử ngoại từ đèn flash của máy ảnh và nhiều nguồn sáng khác. Bên cạnh đó, nhiệt độ và độ ẩm cao và không ổn định có thể khiến hiện vật bị rúm và tạo điều kiện cho nấm mốc, côn trùng phát triển, xâm hại hiện vật. Có thể nói, bảo quản hiện vật chất liệu giấy khó khăn hơn nhiều” - bà Thơm nhận định.


Nói tới bảo quản cổ vật là nói tới bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu và tu sửa phục dựng. Bảo quản phòng ngừa liên quan đến việc bảo đảm cho hiện vật một môi trường sạch, không có vi khuẩn, côn trùng nấm mốc và có các tham số không khí về nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, ổn định, nhờ đó làm giảm thiểu nguyên nhân gây hại cho hiện vật. Bảo quản trị liệu là khi hiện vật có dấu hiệu biến đổi, hư hỏng thì phải tác động trực tiếp để ngăn chặn sự xuống cấp. Trong khi đó, phục dựng được thực hiện khi hiện vật bị vỡ phải gắn lại, bị mất bộ phận thì tạo lại…



Cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản bình hoa pháp lam từ thế kỷ XIX. Ảnh: Lê Phượng
Cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản bình hoa pháp lam từ thế kỷ XIX.
Ảnh: Lê Phượng

Tuy nhiên, không phải hiện vật nào sau khi được tìm thấy đều có thể đưa vào kho bảo quản ngay được. “Một số loại gốm được khai quật từ các con tàu đắm phải được loại muối. Mặc dù ngay sau khi được vớt lên khỏi mặt nước, các công ty, đơn vị khai quật đã tiến hành loại muối bằng cách ngâm hiện vật qua nước ngọt nhưng như vậy chưa triệt để. Khi đưa về kho bảo tàng, nếu không được loại muối một lần nữa thì muối kết tinh sẽ phá vỡ lớp men và ảnh hưởng đến cấu trúc xương gốm, thậm chí dẫn tới nguy cơ vỡ hiện vật. Lúc này, cán bộ bảo quản lại phải ngâm hiện vật trong nước cất và thay nước ngâm nhiều lần cho đến khi nước ngâm không còn clorua, đồng nghĩa hiện vật đã được loại sạch muối” - bà Thơm giải thích.

“Công việc này quả thật không hề đơn giản. Một số hiện vật gốm, ví dụ như gốm Chu Đậu, dùng kỹ thuật vẽ màu trên men, lớp màu này sau hàng trăm năm hiện vật nằm dưới biển sâu đã bị phai mờ nhiều, nếu ngâm hiện vật vào nước cất ngay có thể sẽ làm bay nốt những dấu vết màu còn lại. Chính vì vậy chúng tôi lại phải tìm cách gia cố bề mặt hiện vật trước khi loại muối”.

Với những cổ vật bằng đồ đồng cổ thời Văn hóa Đông Sơn hay những đồ sắt thời kỳ phong kiến khai quật được từ dưới lòng đất, cán bộ bảo quản phải dùng các biện pháp cơ học làm sạch đất bẩn bám vào trước, sau đó mới dùng các chất hóa học chuyên dụng để tẩy gỉ sắt, xử lý vết ôxy hóa trên hiện vật hoặc để ổn định bề mặt hay gia cố cấu trúc hiện vật.


Ba năm để bảo quản hai cánh cửa

“Để xây dựng quy trình làm sạch hiện vật thuộc một chất liệu nào đó là rất khó, bởi tuy cùng chất liệu song các hiện vật khác nhau lại đòi hỏi các bước bảo quản khác nhau, tùy vào hiện trạng của hiện vật đó. Với nhiều cổ vật, để vệ sinh 1cm2 bề mặt, cán bộ bảo quản chúng tôi phải mất cả một buổi chiều” - bà Thơm chia sẻ.

Không ít cổ vật, sau một thời gian dài đã có dấu hiệu bị xuống cấp, cần được trùng tu. Ngoài những trùng tu, phục dựng đơn giản mà cán bộ bảo tàng có thể tự mình thực hiện được, có những lúc, họ phải nhờ tới sự giúp sức của các chuyên gia trong và ngoài nước khác.

“Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án bảo quản hai cánh trong số bốn cánh của bộ cửa chùa Phổ Minh do Quỹ Sumitomo của Nhật Bản tài trợ. Hai cánh cửa này đã bị mục ruỗng và từng được tu sửa nhiều lần với những vật liệu chưa phù hợp. Các chuyên gia Nhật Bản đang cùng chúng tôi tiến hành loại bỏ những vật liệu không phù hợp được sử dụng trong những lần tu bổ hàng chục năm trước đây, sử dụng vật liệu tương đồng là gỗ lim và sơn ta để phục dựng những phần đã bị hư hỏng của các cánh cửa” - bà Thơm chia sẻ về một trong những dự án bảo quản quan trọng của Bảo tàng.

Những hợp tác quốc tế với các bảo tàng, các chuyên gia trên thế giới đang giúp cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có thêm rất nhiều kinh nghiệm quý giá trong công tác bảo quản của mình.