Dù vaccine giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19, tuy nhiên các nghiên cứu mới cho thấy nó không hoàn toàn giúp người bệnh tránh được hội chứng “COVID kéo dài” (Long COVID).

Một bệnh nhân đang được đánh giá ở một phòng khám dành cho những người có các triệu chứng sau COVID tại Bệnh viện Mount Sinai ở Thành phố New York. Ảnh: Mount Sinai Health System/Nature
Một bệnh nhân đang được đánh giá ở một phòng khám dành cho những người có các triệu chứng hậu COVID tại Bệnh viện Mount Sinai ở Thành phố New York. Ảnh: Mount Sinai Health System/Nature

Từ khi hội chứng “COVID kéo dài” xuất hiện, phòng khám phục hồi chức năng của nhà vật lý trị liệu David Putrino đã tiếp nhận thêm khoảng 50-100 người mỗi tuần với các triệu chứng như mệt mỏi cực độ, khó thở, mất tập trung và nhiều triệu chứng khác của hội chứng diễn ra sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, và hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu nhiều về nó.

Một nghiên cứu của Anh ước tính, có khoảng 7-18% số người mắc COVID-19 có các triệu chứng hậu COVID sau 5 tuần. Đối với một số người, các triệu chứng này khá nhẹ; tuy nhiên, với một số người khác, hội chứng đã làm đảo lộn cuộc sống của họ. Một phần ba trong số những bệnh nhân mắc COVID kéo dài của Putrino gặp những vấn đề nghiêm trọng về nhận thức, khiến cho họ rất khó tập trung, nói và ghi nhớ thông tin - những vấn đề họ không gặp phải trước khi mắc bệnh. Thậm chí, khoảng 60% số bệnh nhân của Putrino phải thay đổi công việc hoặc ngừng làm việc do ảnh hưởng của hội chứng.

Hiện tại, các chuyên gia y tế công cộng vẫn chưa rõ tác dụng của vaccine đối với hội chứng này ra sao, dù ai cũng biết rằng, vaccine giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 cũng như nguy cơ chuyển nặng và tử vong, do đó tất nhiên cũng giảm xác suất bị hội chứng hậu COVID. Tuy nhiên, với những trường hợp nhiễm virus “đột phá” (nhiễm sau khi tiêm), các nghiên cứu cho thấy người bệnh vẫn có thể bị COVID kéo dài dù trước đó chỉ mắc COVID rất nhẹ hoặc thậm chí là không triệu chứng.

Bởi vậy, ngay cả khi có tỉ lệ tiêm chủng cao, các quốc gia có mức độ lây nhiễm lớn vẫn có thể có rất nhiều người mắc hội chứng hậu COVID. Việc hiểu được điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với y tế công cộng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế lây nhiễm. Đồng thời, nó cũng có thể cung cấp manh mối cho các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng hậu COVID-19.

Hiện nay, nguyên nhân của hội chứng này vẫn còn là một ẩn số. Các nhà khoa học cho rằng, khả năng thứ nhất có thể là do có một ổ chứa virus corona vẫn tồn tại trong cơ thể sau khi khỏi bệnh, chúng ẩn náu trong các mô khác nhau - chẳng hạn như ruột, gan hoặc não - và tiếp tục gây ra các thương tổn. Khả năng thứ hai là ngay từ khi nhiễm virus, cơ thể người bệnh đã kích hoạt phản ứng miễn dịch rộng và tạo ra các kháng thể cũng như các phản ứng miễn dịch khác chống lại chính các mô trong cơ thể, từ đó tiếp tục gây ra các biến chứng.

Vaccine có thể làm giảm nguy cơ xảy ra tình huống này. Theo Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, nếu một vaccine có thể tạo ra một lượng lớn kháng thể và tế bào T có khả năng nhận diện virus SARS-CoV-2, hệ thống miễn dịch sẽ có thể ngăn chặn được virus ngay trong vài lần nhân lên đầu tiên trước khi nó tạo ra các ổ chứa virus ẩn trong cơ thể. Đồng thời, vaccine cũng giúp cơ thể tạo ra các phản ứng miễn dịch nhắm trúng đích hơn ngay từ khi virus xâm nhập, từ đó làm giảm nguy cơ hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh.

Tuy nhiên, vẫn rất khó để xác định chính xác “COVID kéo dài” có phổ biến ở những ca nhiễm sau tiêm chủng hay không và phổ biến đến mức độ nào do có nhiều người mắc COVID nhẹ hoặc không có triệu chứng đã bị "bỏ sót" và không được xét nghiệm.

Ở Israel, một nghiên cứu trên khoảng 1.500 nhân viên y tế đã tiêm phòng cho thấy, có 7/39 người nhiễm COVID đột phá (tương đương 19%) đã mắc các triệu chứng của COVID kéo dài trong hơn 6 tuần. Tuy nhiên, con số người bệnh này quá nhỏ nên các nhà nghiên cứu không thể đưa ra kết luận chắc chắn về nguy cơ mắc hội chứng.

Tuy nhiên, theo Claire Steves, bác sĩ lão khoa tại Đại học King London và là tác giả chính của nghiên cứu, “thông điệp” từ các kết quả vẫn rất rõ ràng: tiêm vaccine có thể giúp giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm và các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả khi khả năng miễn dịch nhờ vaccine giảm đi theo thời gian và biến chủng Delta xuất hiện. Steves và các đồng nghiệp còn phát hiện, vaccine còn giúp giảm một nửa nguy cơ mắc COVID kéo dài ở những người nhiễm virus đột phá. Theo đó, khoảng 11% số người thuộc nhóm chưa tiêm có các triệu chứng kéo dài ít nhất 28 ngày, trong khi ở những người đã tiêm và bị nhiễm virus, con số này chỉ là 5%.

Con số những người bị "hậu COVID" dù đã tiêm như vậy vẫn là đáng kể và cần được chú ý. “Thành thực thì tôi đã nghĩ rằng vaccine sẽ giúp bảo vệ chúng ta khỏi hội chứng COVID kéo dài một cách hiệu quả hơn”, Iwasaki nói. Theo bà, có thể do Delta dễ lây truyền hơn các biến thể khác nên đã làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với hội chứng mới.

Và trong khi dữ liệu vẫn còn ít ỏi, Nisreen Alwan, nhà dịch tễ học ở ĐH Southampton, UK, người đã mắc hội chứng COVID kéo dài, lo lắng rằng các quốc gia - nơi có nhiều người được tiêm mũi tăng cường và đã giảm số ca nhập viện và tử vong - sẽ không còn ưu tiên xét nghiệm COVID-19 nữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến những nỗ lực xác định vai trò bảo vệ của vaccine đối với hội chứng hậu COVID, mà còn đồng nghĩa với việc những người nhiễm virus thể nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ không có giấy tờ cần thiết để được điều trị.


Nguồn: