Các quốc gia cần lập kế hoạch cho một tương lai nơi hàng triệu người sống sót sau COVID-19 mắc các di chứng kéo dài.

Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo khắp thế giới tìm cách đẩy lùi đại dịch COVID-19, với sự hỗ trợ của vaccine hiệu quả cao, thì một lỗ hổng cơ bản về chính sách và kế hoạch đang xuất hiện: Nhiều người sống sót sau COVID bị các di chứng làm suy yếu sức khỏe và thiếu các chính sách hỗ trợ dành cho họ.

Không giống như cảm lạnh thông thường hoặc thậm chí là cúm, SARS-CoV-2 gây ra một loạt các triệu chứng kéo dài sau khi căn bệnh cấp tính đã khỏi, khiến một số người không thể tiếp tục cuộc sống bình thường.

Ảnh minh họa

Hơn 185 triệu người trên thế giới (và có thể nhiều hơn nữa) đã mắc COVID. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy hơn 1/4 số bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã phát triển một số triệu chứng kéo dài. (Trong một nghiên cứu từ Trung Quốc, ba phần tư số bệnh nhân có ít nhất một di chứng kéo dài liên tục sáu tháng sau khi xuất viện; và trong một báo cáo khác, hơn một nửa số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh có di chứng kéo dài bảy đến tám tháng.) Các phát hiện đến nay cho thấy việc phát triển di chứng có thể không liên quan đến mức độ nặng nhẹ của bệnh cấp tính ban đầu; thậm chí các ca bệnh ban đầu không có triệu chứng cũng có thể để lại di chứng dai dẳng.

Các di chứng COVID kéo dài phổ biến bao gồm mệt mỏi; các vấn đề về đường hô hấp, thần kinh, tim, thận và tiêu hóa; và mất mùi và vị.

Đối với một số người, các di chứng này kéo dài trong nhiều tháng mà không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí nhiều người lo sợ rằng họ sẽ phải chung sống với di chứng đến hết đời. Ngày càng có nhiều người không thể trở lại lao động bình thường sau khi khỏi COVID.

Các chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan cũng vẫn chưa rõ ràng. Bao nhiêu người sẽ cần hỗ trợ ngắn hạn? Bao nhiêu người trở thành phụ thuộc vĩnh viễn vào các chương trình hỗ trợ? Khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh, liệu có kéo theo cả một thế hệ mắc di chứng mãn tính không? Các quốc gia phải tích cực nghiên cứu để hiểu rõ hơn về quy mô và phạm vi của vấn đề, và bắt đầu lập kế hoạch ngay từ bây giờ.

Steven Martin, - bác sĩ và giáo sư y khoa ở Đại học Massachusetts - gần đây cho biết: “Nếu chúng ta có một triệu người với các triệu chứng suy nhược kéo dài, đó đã là một gánh nặng to lớn đối với mỗi cá nhân, nhưng cũng là gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội".

Lấy ví dụ ở Mỹ, hệ thống y tế và bảo hiểm dường như không được trang bị đầy đủ để hỗ trợ cho nhóm bệnh nhân mới này. Chẳng hạn, rất khó bồi thường cho người lao động vì khó xác định xem người lao động bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc hay trong cộng đồng. Thậm chí nhiều người nhiễm COVID chưa được xét nghiệm và không có căn cứ để xác nhận họ bị thương tật do COVID để được bồi thường và hỗ trợ. Rào cản trong việc hỗ trợ người bị thương tật do COVID có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề y tế của họ và kéo dài thời gian bệnh nhân không thể trở lại các hoạt động bình thường.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ tất cả các hậu quả đối với sức khỏe mà COVID gây ra, một phần do cuộc khủng hoảng y tế ngay trước mắt, nhưng Pomeroy cho rằng, đã đến lúc phải chủ động lập kế hoạch đối phó với những tác động mới to lớn mà COVID sẽ để lại.

Nguồn: