Nhưng vẫn có hai khả năng để ngỏ: một là lần “biến hóa” này sẽ khiến corona mạnh hơn, nhưng biết đâu, cũng có thể khiến nó suy yếu đi. Giới khoa học cần vài tuần đến vài tháng mới có đủ cơ sở khoa học để khẳng định.
Nhiều điểm đột biến nhất trong các biến thể
Gần một tuần qua, khi đang trên đà sống chung với COVID nhờ tỉ lệ tiêm chủng mỗi ngày một tăng, nhưng cả thế giới dường như đảo lộn vì biến thể Omicron. Kể từ lúc Nam Phi báo cáo về biến thể Omicron vào ngày 24/11 và WHO xếp Omicron vào nhóm “biến thế đáng lo ngại” đến nay Liên minh châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản cùng 17 nước đã liên tiếp ra lệnh đóng cửa với Nam Phi và một số nước lân cận. Mới đây nhất, Bộ Y tế cũng mới có đề xuất dừng bay đến và đi, dừng cấp phép nhập cảnh với các Nam Phi và sáu quốc gia khác cùng khu vực, đồng thời chuẩn bị cho các phương án ứng phó với chủng Omicron.
Cũng có những “giai thoại” xung quanh Omicron như nó có khả năng lây lan hơn 500% so với biến chủng Delta mà các nhà khoa học chưa xác quyết, nhưng những nỗi lo về khả năng “thay hình đổi dạng” của virus để trở nên độc không phải là không có cơ sở, vì những giải trình tự gene virus bước đầu đã cho thấy, so với chủng virus gốc từ Vũ Hán thì biến chủng mới này đã đột biến nghiêm trọng.
Thông thường, đột biến của virus sẽ ảnh hưởng tới việc nó bám vào tế bào và trốn tránh kháng thể của hệ miễn dịch, theo hai chiều hướng: hoặc làm virus có khả năng bám chắc hơn, gây độc nhiều hơn cho cơ thể người hoặc là yếu dần đi để dễ bề chung sống dài lâu hơn với con người. Hiện nay người ta chưa rõ đột biến nghiêm trọng trên protein S (protein gai) của biến thể này sẽ gây ra hậu quả gì nên phải nín thở đóng cửa đường bay liên tiếp để chờ giải mã vì protein S là “chìa khóa” để virus mở cánh cửa xâm nhập tế bào. Những chiếc gai này được sử dụng để mở một “ổ khóa” gọi là thụ thể ACE2 trên tế bào của người, từ đó kích hoạt cho virus đi vào cơ thể người. Muốn chặn đường tấn công của virus vào cơ thể người, chỉ có thể trông chờ vào hệ miễn dịch.
Để so sánh mức độ đáng quan tâm của 32 điểm đột biến trên protein gai của Omircon, thì các biến chủng khác như Delta xuất phát từ Ấn Độ giờ đây đang áp đảo cả chủng virus gốc và các chủng khác lây lan phổ biến trên thế giới cũng chỉ có 10 điểm đột biến, Gamma, Beta, Alpha cũng lần lượt có 12, 10 và 11 điểm đột biến. TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu, City of Hope, California cho biết, mỗi một lần virus tạo ra một biến chủng có nhiều thay đổi cũng giống như một lần phẫu thuật chỉnh hình, sẽ có những đợt “phẫu thuật” khiến hệ miễn dịch được vaccine tạo ra không thể nhận diện được nữa và virus có thể trốn thoát vaccine. Trong số những điểm đột biến lần này của Omicron, có những điểm đột biến mang tính ổn định như điểm D614G - giúp cho virus có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng cũ trước đó và có mặt ổn định ở biến thể Ấn Độ cũng như tất cả các biến thể khác. Và cũng có những đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm như E484K cũng từng được phát hiện trên chủng Beta được phát hiện ở Nam Phi có thể giúp virus bám vào “ổ khóa” thụ thể ACE2 của con người tốt hơn (tăng khả năng lây nhiễm), cũng như khả năng lẩn tránh để không bị hệ miễn dịch của người nhận dạng tốt hơn. Ít nhất, những điểm đột biến làm tăng cường khả năng của virus như đã thấy ở trên một số biến chủng trước khiến nhiều nhà khoa học lo ngại.
Tuy nhiên, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi các kết quả nghiên cứu sâu hơn tiếp theo thay vì hoang mang hay quá sốt ruột trước những phát hiện ban đầu này, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định. Theo anh, ít nhất điểm may mắn đầu tiên mà chúng ta có là chủng này vẫn có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm PCR hiện nay, nếu điều tệ hơn xảy ra là gene virus thay đổi đến nỗi khiến các xét nghiệm hiện nay không còn nhận ra chúng nữa thì các nhà khoa học sẽ lại phải thiết kế các bộ xét nghiệm mới.
5 câu hỏi về Omicron
Nhìn từ các chủng trước đó thì các điểm đột biến của Omicron có thể sẽ tạo nên một phiên bản virus đủ sức đánh lừa, vượt qua hàng rào miễn dịch do vaccine tạo ra hoặc những người đã được vaccine tự nhiên bằng cách từng nhiễm và khỏi bệnh. Nhưng đó mới chỉ là các dự đoán, vẫn còn một loạt các câu hỏi khác nữa mà đến giờ giới khoa học chưa thể trả lời ngay. Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, 5 câu hỏi quan trọng là: 1) Khả năng Omicron kháng vaccine tới đâu? Kháng hoàn toàn ở mức 100% hay 70% hoặc 50%? 2) Khả năng kháng vaccine của Omicron có mạnh hơn các chủng hiện tại như Alpha, Beta, Gramma, Delta hay không? 3) Omicron có kháng với hệ miễn dịch của những người đã được “vaccine tự nhiên” – mắc rồi tự khỏi - hay không? Vì vaccine tự nhiên của những người đã nhiễm rồi khỏi thường mang lại khả năng đề kháng mạnh, tuy nhiên khi chủng biến đổi quá nhiều thì có thể vượt hàng rào miễn dịch. 4) Omicron có lây nhiễm nhanh hơn chủng Delta hay không? vì chủng Delta đang là chủng lây lan nhanh nhất và áp đảo các chủng khác; 5) Chủng Omicron có tăng độc lực lên khiến người nhiễm dễ bị tăng nặng và tử vong không?
“Để trả lời 3 câu hỏi đầu tiên thì các nhà khoa học phải thực hiện một thí nghiệm quan trọng là thí nghiệm trung hòa giữa virus và kháng thể”, TS Nguyễn Hồng Vũ nói. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học sẽ so sánh khả năng trung hòa virus của người thường, người đã được tiêm vaccine và người đã được “vaccine tự nhiên” bằng cách: trộn lẫn từng loại huyết tương của người bình thường và của người đã được tiêm vaccine, của người đã khỏi bệnh một cách tự nhiên với virus. Quan sát khả năng trung hòa virus chúng ta mới có câu trả lời rõ ràng về việc virus xâm nhập vào tế bào mạnh như thế nào, các kháng thể trong huyết tương của người đã khỏi bệnh hoặc người đã được tiêm vaccine có thể bám vào virus và có khả năng ngăn virus tiếp xúc lên màng tế bào của con người ở mức độ nào.
Tuy nhiên, với câu hỏi biến thể mới có làm tăng khả năng lây lan của virus thì cần quan sát thêm một khoảng thời gian nữa, khi chúng ta có đầy đủ dữ liệu về tình hình lây nhiễm của chủng này và các chủng khác như Alpha, Delta, Gamma. TS. Nguyễn Hồng Vũ cho biết, nếu có một chủng trở nên trội hơn thì sẽ tăng độ lây nhiễm và chèn ép các chủng còn lại, như hiện nay chúng ta đang chứng kiến là biến chủng Delta tăng nhiều, hầu hết các ca lây nhiễm trên thế giới là chủng Delta.
Nhưng cũng vẫn còn có một khả năng là Omicron sẽ không lây lan nhanh và chiếm ưu thế được như Delta. Trước đây, khi chủng Beta được phát hiện ở Nam Phi, lúc đầu các nhà khoa học lo lắng là chủng này có thể vượt hàng rào miễn dịch tốt nhưng tình hình thực tế sau đó cho thấy chủng này lây lan yếu. Rất may mắn là sự biến đổi của Beta không giúp cho nó lây lan nhanh hơn, không cạnh tranh được với chủng khác.
Còn lại câu hỏi khó nhất vẫn là “liệu virus này có trở nên độc hơn không”, thì TS. Nguyễn Hồng Vũ cho biết “không thể trả lời một sớm một chiều mà cần số liệu nghiên cứu từ các bệnh nhân”. Để biết rằng bệnh nhân mắc chủng mới này có số lượng virus trong người cao hơn không, thời gian mắc bệnh có dài hơn, tỉ lệ người mắc bệnh trở nặng, tử vong có nhiều hơn hay không? Đều cần thời gian để theo dõi tình trạng bệnh tật của bệnh nhân mắc chủng Omicron trong vài tháng.
Nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng trước Omicron, các biến chủng khác như Delta, Alpha cũng từng làm suy yếu hiệu quả của vaccine tuy nhiên vaccine vẫn giúp bảo vệ người được tiêm tránh tử vong và tăng nặng. Tiêm đủ 2 liều AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ khoảng 60% hoặc 66% với từng biến thể Delta và Anpha (trước đó vaccine này đạt hiệu quả 70% ở chủng ban đầu); giúp bệnh không tiến triển nặng dẫn tới phải nằm viện (92% và 86%), giảm triệu chứng khi nhiễm virus (74% và 64%) và quan trọng là người mắc sẽ không tử vong. Hiệu lực bảo vệ của Pfizer còn cao hơn (lần lượt 88% và 92%).
Trước khi Omicron xuất hiện, chúng ta đang kỳ vọng chung sống với SARS-CoV-2 nhưng cũng chưa thể xác quyết nó có thể trở thành cúm mùa hay không. Nếu tiến độ phát triển vaccine của con người mau lẹ hơn tốc độ đột biến của virus này, qua đó làm giảm lượng virus đang lưu hành, giảm lượng người bị nhiễm bệnh thì virus không còn khả năng biến đổi, lúc đó virus sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, không còn cơ hội trở thành virus cúm mùa nữa. Còn nếu tình hình dịch bệnh vẫn không thể dập tắt hẳn, các biến thể mới của virus tiếp tục tạo ra và làm giảm hiệu quả của vaccine thì có thể chúng ta phải tiêm nhắc lại vaccine với những biến đổi phù hợp theo mùa, theo năm.
Đứng trước các thách thức biến chủng mới vừa trở nên nguy hiểm hơn vừa có khả năng lẩn tránh kháng thể do vaccine tạo ra, nhất là sau khi Omicron xuất hiện các công ty như Pfizer, Moderna tuyên bố đang tiến hành nghiên cứu vaccine cập nhật thay đổi trên protein gai của chủng mới này. Người ta hy vọng, khi virus trốn thoát miễn dịch trở nên nguy hiểm rồi thì sẽ có liều vaccine bổ sung, vaccine bổ sung sẽ mang protein gai có đột biến mới giúp cho cơ thể tạo ra kháng thể phù hợp để nhận ra protein mới của virus và chống chủng mới hiệu quả hơn.
Chúng ta không nên quá lo lắng trước Omicron, các biến chủng khác như Delta, Alpha cũng từng làm suy yếu hiệu quả của vaccine tuy nhiên vaccnine vẫn giúp bảo vệ người được tiêm tránh tử vong và tăng nặng.
TS. Nguyễn Hồng Vũ |