Nhóm tác giả tại Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu, tạo ra quy trình nuôi cấy dòng tế bào mô sẹo, phục vụ nhân giống bằng phôi vô tính trên quy mô lớn cây dược liệu quý Tam thất hoang.

Tam thất hoang còn có tên gọi khác như tam thất rừng, tam thất lá xẻ, là loài cây thuốc thuộc chi Panax (sâm), họ Ngũ gia bì. Trong ngành y học cổ truyền Việt Nam, thân rễ của loài này được xem là dược liệu quý với khả năng tăng cường thể lực, trí nhớ, giảm nguy cơ bị ung thư, bổ máu, tiêu sưng,… Những nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy, các saponin từ rễ và thân rễ của Tam thất hoang, là những hợp chất có khả năng kìm hãm hoạt động của một số dòng tế bào ung thư (tử cung, gan,…).

Với nhiều công dụng nên nhu cầu sử dụng thân rễ của Tam thất hoang ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc thu hoạch được thân rễ của loài Tam thất này trên đồng ruộng phải mất từ 5 đến 7 năm. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng thân rễ, cần kiểm soát chặt chẽ nhiều yếu tố môi trường như đất trồng, nhiệt độ, khí hậu, sâu bệnh. Do đó, hiện nay tại Việt Nam, Tam thất hoang đang bị săn lùng và khai thác một cách bừa bãi khiến cho số lượng cá thể bị giảm sút nghiêm trọng.

C
Cây Tam thất hoang tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lao Cai. Ảnh: NNC

Theo Sách Đỏ Việt Nam, Tam thất hoang hiện là loài cực hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong khi, việc nhân giống cây Tam thất hoang hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp giâm hom từ đoạn thân rễ, phụ thuộc vào số lượng, chất lượng của nguồn vật liệu thân rễ vốn đã rất khan hiếm trong tự nhiên.

Trong nhiều năm qua, việc tạo phôi vô tính để nhân giống các loài cây thuốc quý hiếm thuộc chi Panax như Nhân sâm, sâm Ngọc Linh, Tam thất,… đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, đối với Tam thất hoang, việc nuôi cấy tế bào mô sẹo có khả năng sinh phôi vẫn còn rất hạn chế, chưa có nhiều nghiên cứu được công bố trong nước và trên thế giới.

Mới đây, trong đề tài “Nuôi cấy dòng tế bào mô sẹo nhằm mục đích nhân giống vô tính cây Tam thất hoang”, nhóm tác giả đã sử dụng đoạn thân rễ có đường kính 1 – 1,5cm của Tam thất hoang, được trồng bằng phương pháp giâm hom tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lao Cai), để nghiên cứu và thực nghiệm nuôi cấy.

v
Cây Tam thất hoang in vitro sau 8 tuần nuôi cấy. Ảnh: NNC

Sau khi tiến hành phân tích chu kỳ tăng trưởng của dòng mô sẹo từ thân rễ, kết quả cho thấy, môi trường MS ½ có bổ sung 2,4-D (2,4 Diclophenoxyl acetic acid) 0,5 mg/L phù hợp cho sự hình thành và tăng sinh của mô sẹo ở thân rễ Tam thất hoang. Môi trường dinh dưỡng khoáng (SH) bổ sung 0,5 mg/L BA và 1 mg/L GA3 giúp cây con in vitro tăng chiều cao và khối lượng tươi tốt hơn các môi trường khác như B5, MS ½,... Ngoài ra, nếu bổ sung NAA (α-naphthalene acetic acid) 3 mg/L sẽ giúp cây hình thành rễ tốt nhất.

Theo nhóm tác giả, việc chọn được môi trường nuôi cấy phù hợp, tạo ra được cây con và cụm chồi in vitro phát triển tốt, là tiền đề để nhân giống phôi vô tính Tam thất hoang trên quy mô lớn.

Nghiên cứu của nhóm tác giả cũng đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.