Một nghiên cứu mới đưa ra những dấu ấn giúp chẩn đoán sớm với tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở binh sĩ.
Hậu chấn tâm lý hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn/chấn thương (PTSD) là một loại rối loạn lo âu xuất hiện sau khi trải qua hay chứng kiến sự kiện căng thẳng, hãi hùng hoặc đau buồn. Binh sĩ có nguy cơ mắc PTSD cao do họ có những trải nghiệm khổ sởkhi thực hiện nghĩa vụ và tham chiến. Tùy vào vị trí trong quân đội, người ta ước tính chứng rối loạn này ảnh hưởng khoảng 11-30% cựu binh.
Công trình mới của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, Mỹ, đã phát hiện các dấu ấn sinh học đặc trưng ở những người bị PTSD bằng một xét nghiệm máu đơn giản.
Dấu ấn sinh học là hàng loạt những phân tử phản ánh quá trình sinh học diễn ra trong tế bào, mô hay toàn bộ cơ thể. Nghiên cứu mới tập trung vào khả năng dùng dấu ấn sinh học trong máu để cải thiện độ chính xác của chẩn đoán PTSD và điều chỉnh phương pháp điều trị cho từng nhóm phụ cụ thể.
Gần 1.800 quân nhân tại ngũ đã tham gia nghiên cứu, độ tuổi 25 đến 45, khoảng 6% là nữ. Đây là nghiên cứu tiền cứulớn nhất từ trước đến nay về dấu ấnsinh học của PTSD.
Nam quân nhân được chia thành các nhóm khác nhau, tùy vào các chỉ số PTSD và mức độ kiên cường về tinh thần:
- Phân nhóm PTSD (146 người)
- Dưới ngưỡng PTSD (171 người)
- Nhóm có độ kiên cường cao (502 người)
- Nhóm có độ kiên cường thấp (505 người).
Phân loại mức độ kiên cường dựa vào một số thước đo như PTSD, tâm trạng lo lắng, chất lượng giấc ngủ, các rối loạn sử dụng rượu, số lần ra trận, chấn thương não, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần nói chung.
Những người tham gia nộp mẫu máu vào ba thời điểm: trước khi ra quân, 3 ngày sau đợt ra quân kéo dài 10 tháng, và 90-180 ngày sau đợt ra quân.
Các nhà nghiên cứu phân tích nồng độ của 4 dấu ấn sinh học trong máu liên quan đến tình trạng căng thẳng, trầm cảm, lo âu và các chứng rối loạn tâm lý:
- Tỉ lệ đường glycolytic: thước đo cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng.
- Arginine: một axit amin quan trọng với chức năng của hệ miễn dịch và tim mạch.
- Serotonin: một chất dẫn truyền thần kinh thường được gọi là hormone hạnh phúc, hỗ trợ điều hòa giấc ngủ.
- Glutamate: một chất dẫn truyền thần kinh chủ yếu với học tập và trí nhớ.
Kết quả cho thấy nhóm PTSD hay nhóm dưới ngưỡng PTSD đều cao hơn nhóm có độ kiên cường cao một cách rõ rệt ở tỉ lệ đường glycotic và glutamate, và thấp hơn ở hai chỉ số còn lại. Sự khác biệt không phụ thuộc vào giới tính, tuổi, chỉ số khối lượng cơ thể, tình trạng hút thuốc hay uống cà phê, nước tăng lực.
Tuy những dấu ấn sinh học này không đặc trưng cho riêng PTSD, song có thể dùng nó làm công cụ sàng lọc để phát hiện dấu hiệu liên quan tới những triệu chứng đặc trưng của PTSD, bao gồm rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp sinh học, không kiềm chế được tức giận, yếu tố tinh thần biểu hiện thành bệnh thể chất, xu hướng dùng chất kích thích, và các hành vi tự hại khác. Những triệu chứng này góp phần gây đổ vỡ gia đình, công việc, và các mối quan hệ xã hội. Khi áp dụng sớm công cụ sàng lọc khách quan thì có thể tìm được phương pháp điều trị thích hợp cho người có nguy cơ.
Hiện chưa có dấu ấn sinh học hoặc xét nghiệm nào được xác thực để phân biệt giữa những người bị và không bị PTSD sau sáng chấn/chấn thương.