Tăng cường cơ giới hóa mang lại hiệu quả cho việc sản xuất nông nghiệp, song máy móc cũng có thể nén ép vùng rễ cây và làm giảm sản lượng thu hoạch.

Máy kéo ngày nay có thể cao hơn một con voi châu Phi, còn máy gặt đập liên hợp khi chứa đầy ngũ cốc có thể nặng đến 36 tấn, tương đương một bầy voi nhỏ. Khi những chiếc máy khổng lồ này di chuyển trên cánh đồng, trọng lượng của chúng có thể dần nén ép đất và khiến rễ cây khó phát triển. Nghiên cứu mới cho thấy những hiệu ứng như vậy có thể giảm sản lượng của 20% diện tích trồng trọt trên toàn cầu trong những thập niên tới đây.

Kể từ những năm 1960, máy kéo đã ngày càng to hơn, những chiếc máy lớn nhất hiện nay có thể nặng gấp 10 lần so với trước. Tức là chúng nặng hơn một số khủng long chân thằn lằn, những sinh vật lớn nhất từng bước đi trên cạn. Tuy kích cỡ lớn giúp những chiếc máy này làm việc hiệu quả, song trọng lượng lớn lại đi kèm một cái giá.

Để tìm hiểu sự biến đổi của các phương tiện nông nghiệp và ảnh hưởng của chúng lên đất, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển và Viện Nghiên cứu Sa mạc (Mỹ) đã tập hợp số liệu trong ngành được công bố từ năm 1958 trở lại đây. Sau đó, họ lập mô hình các lực mà bánh xe tác động lên đất ở những độ sâu khác nhau.

Trong nông nghiệp cơ giới, hiện tượng nén ép ở tầng đất phía trên có độ dày không quá 50cm đã xuất hiện từ lâu. Ở nhiều nông trại, lớp đất bề mặt này thường được cày xới vào mỗi vụ mùa để chuẩn bị cho việc trồng trọt, giúp làm giảm vấn đề nén ép. Nhưng nay, các nhà nghiên cứu cho biết vấn đề giờ đây trở nên trầm trọng hơn, vì tình trạng nén ép ở những lớp đất sâu hơn 50cm thường vượt quá ngưỡng an toàn.

Trọng lượng khổng lồ của máy kéo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và việc sản xuất nông nghiệp.
Trọng lượng khổng lồ của máy kéo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và việc sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng nén chặt có thể phá vỡ những khoảng không nhỏ giữa các hạt đất, khiến nước và không khí không thẩm thấu xuống được lớp đất sâu. Tổng thể, những ảnh hưởng này có thể làm giảm 10-20% sản lượng. Không những thế, hệ quả của chúng chắc chắn sẽ kéo dài, vì phải mất hàng thập kỷ thì giun đất và các sinh vật khác mới làm tơi lớp đất sâu được.

Không chỉ mỗi máy gặt đập liên hợp mà các thiết bị nông nghiệp khác dùng để cày xới đất và rải phân, cũng như các phương tiện dùng trong đốn gỗ cũng đang trở nên nặng hơn. Những khu vực như thảo nguyên ở Brazil và Đông Nam Úc, vùng sản xuất nông nghiệp chính của thế giới, lại là những nơi có máy móc hạng nặng và dễ bị ảnh hưởng.

Các nhà khoa học nêu ra một số cách để giảm thiểu tác động này. Một là không lái máy trên ruộng khi đất ướt, như vậy đất sẽ dễ bị nén hơn. Trong những ngày khô ráo, nông dân có thể lái máy theo lộ trình cố định bằng cách sử dụng định vị GPS để làm giảm diện tích bề mặt bị nén.

Nghiên cứu mới cũng nêu ra một vấn đề được các tác giả gọi là “nghịch lý tiền sử”. Nếu máy móc nông nghiệp hiện đại làm giảm sản lượng thực vật đến vậy, vậy khi khủng long chân thằn lằn còn tồn tại thì chúng gây ảnh hưởng lớn tới đâu?

Các nhà nghiên cứu đoán rằng có thể khủng long chỉ đi trên các lối mòn hoặc lội dọc bờ sông. Dù câu trả lời là gì thì máy móc nông nghiệp hiện đại cũng cần được thiết kế để tính đến độ nén của đất, nếu không chúng cũng sẽ biến mất như những loài khủng long trước đây.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.