Các nhà khoa học tại Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận thấy ​​một số hoạt chất từ vỏ cây ngô đồng, thân rễ cây chút chít và cành chùm ngây có tiềm năng phát triển thành các sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng giúp điều trị bệnh gút.

f
TS. Trương Ngọc Minh, chủ nhiệm đề tài“Nghiên cứu thành phần hoạt tính chống oxy hóa và ức chế enzyme gây bệnh gút từ một số cây dược liệu Việt Nam”. Ảnh: VAST

Xanthine oxidase được biết đến như là enzyme chính gây ra hội chứng tăng acid uric trong máu và bệnh gút. Enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tác quá trình oxy hóa xanthine và hypoxanthine thành acid uric.

Lượng acid uric trong máu tăng cao sẽ dẫn tới hiện tượng kết tủa tinh thể urat, chủ yếu tập trung ở các khớp của tay, chân gây ra những đợt viêm khớp cấp (cơn gút cấp). Do đó, một trong những phương pháp điều trị gút là làm ức chế hoạt động của enzyme xanthine oxidase và ngăn chặn quá trình oxy hóa để giảm thiểu sự hình thành acid uric trong máu.

Gút là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam với số lượng người mắc rất lớn. Hiện tại, có khoảng 1 triệu bệnh nhân đang sử dụng Allopurinol - hoạt chất làm giảm nồng độ acid uric có trong máu - để điều trị bệnh. Trớ trêu là Allopurinol không chỉ giúp điều trị, nó còn là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các phản ứng tổn thương da nặng với tỷ lệ cao ở người châu Á. Trong một hội thảo được tổ chức vào năm 2022, TS.BS. Nguyễn Văn Đĩnh (Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) cho biết, cùng với Carbamazepine (loại thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh động kinh và đau liên quan đến thần kinh), Allopurinol là “thủ phạm” hàng đầu khiến tỉ lệ tổn thương nghiêm trọng về da do dị ứng thuốc tại Việt Nam cao hơn 17-20 lần so với châu Âu.

Với mong muốn tìm ra các chất hóa học từ nguồn dược liệu lành tính có khả năng điều trị bệnh gút, nhóm nhà khoa học tại Học viện Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hoạt tính chống oxy hóa và ức chế enzyme gây bệnh gút từ một số cây dược liệu Việt Nam”.

Trong quá trình nghiên cứu, TS. Trương Ngọc Minh, chủ nhiệm đề tài, cho biết nhóm nhận thấy cây ngô đồng (Jatropha podagrica), cây chút chít (Rumex acetosa) và cây chùm ngây (Moringa oleifera) là ba nguồn dược liệu tiềm năng để ứng dụng điều trị gút.

Các bộ phận đặc trưng của cây chùm ngây. Ảnh: VAST
Các bộ phận đặc trưng của cây chùm ngây. Ảnh: VAST

Cây ngô đồng có tên khoa học là Jatropha podagrica thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), ở Việt Nam còn được gọi bằng các tên khác là dầu lai có củ, sen lục bình hay dầu lai lá sen. Ngô đồng có nguồn gốc từ châu Mỹ nhiệt đới, nhưng hiện đã được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới trên toàn thế giới.

Cây chút chít còn có tên gọi khác là lưỡi bò, dường đề, đại hoàng, tên khoa học là Rumex acetosa thuộc họ Rau Răm (Polygonaceae). Loài này được tìm thấy phổ biến trên các bãi đất hoang, là một loại cỏ dại xâm lấn nghiêm trọng đất nông nghiệp, được tìm thấy trên hầu hết các loại đất, ngoại trừ đất có tính axit cao.

Cây Chùm ngây (Moringa oleifera) thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae) có nguồn gốc ở Ấn Độ, Arabia, châu Phi, vùng Viễn Tây châu Mỹ; được trồng và mọc tự nhiên ở vùng nhiệt đới châu Phi, nhiệt đới châu Mỹ, Sri Lanka, Ấn Độ, Mexico, Malabar, Malaysia và Philippines. Ở Việt Nam, cây được trồng ở Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc.

Cả ba loại dược liệu này đều phổ biến ở Việt Nam, từ lâu vẫn được các nhà khoa học đánh giá cao vì chứa hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học cao có khả năng ức chế hoạt động của enzyme xanthine oxidase. Tuy nhiên, qua phân lập bằng ethyl acetate, nhóm nghiên cứu nhận thấy các thành phần trong thân vỏ cây ngô đồng, thân rễ cây chút chít, và cành chùm ngây còn có khả năng chống oxy hoá mạnh. Đặc biệt, các hợp chất như fraxetin và tomentin trong vỏ cây ngô đồng và 7 hợp chất chrysophanol, physcion, nepalenside A, nepalenside B, torachrysone, emodin và citreorosein trong thân rễ cây chút chít có khả năng chống oxy hoá mạnh hơn đối chứng dương BHT (một chất chống oxy hoá phổ biến).

Nhóm nghiên cứu đã công bố các kết quả của mình trong các bài báo như A Potential Use of Moringa oleifera Twigs Extracts as an Anti-Hyperuricemic and Anti-Microbial Source (Phân lập và tinh chế các hợp chất có hoạt tính sinh học từ vỏ thân cây ngô đồng Jatropha podagrica), Potential Use of Moringa oleifera Twigs Extracts as an Anti-Hyperuricemic and Anti-Microbial Source (Tiềm năng sử dụng các chiết xuất từ ​​cành chùm ngây Moringa oleifera như một cách kháng khuẩn và chống tăng acid uric máu) v.v.

Theo nhóm nghiên cứu, việc phân lập các hoạt chất từ vỏ cây ngô đồng, thân rễ cây chút chít và cành chùm ngây sẽ góp phần bổ sung dữ liệu hóa học và có tiềm năng phát triển thành các sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, TS. Trương Ngọc Minh cho biết cần có những nghiên cứu tiếp theo nhằm thiết lập, tối ưu hoá các điều kiện và hệ thống dung môi hiệu quả hơn để tinh chế các hợp chất hoạt tính sinh học trong 3 loại cây nghiên cứu. Ngoài ra, cần tiến hành các thử nghiệm in vivo để khẳng định hoạt tính sinh học của các hợp chất phân lập được, phát triển các chất phụ gia thực phẩm và chất bổ sung nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh gút.