Việc Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM Đoàn Ngọc Hải xuống đường giành lại vỉa hè cho người đi bộ là công việc bình thường của người lãnh đạo, nhưng đã trở thành hiện tượng do sự đồng hành của truyền thông và hiệu ứng lan truyền của mạng xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Người lao động “Hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” thu hút sự chú ý của công luận bởi nó đã “châm ngòi” cho những đụng độ, mâu thuẫn tiềm ẩn khá lâu trong đời sống đô thị, giữa một bên là sự tăng tốc của quá trình đô thị hoá với tầng lớp thị dân mới sống trong các biệt thự, chung cư mọc lên dày đặc, đòi hỏi giải phóng vỉa hè, trả lại không gian sinh hoạt cho cộng đồng; một bên là lối sống tạm bợ, tuỳ tiện đậm chất tiểu nông thể hiện ở việc biến phố phường, vỉa hè thành ngôi làng nhỏ, thành khu chợ di động.
Tư duy “mạnh ai nấy chiếm”, biến của công thành của tư... khiến vỉa hè ngày càng nhếch nhác. Giải phóng không gian này là xu hướng tất yếu, nhưng vì tư duy tiểu nông đã bám rễ vào quan niệm nhiều người nên “cuộc chiến” không hề dễ dàng. Thực tiễn lịch sử chứng minh, bất kỳ sự chuyển đổi hệ hình tư duy, hành động nào cũng gặp phải những luồng ý kiến trái chiều - ủng hộ và phản đối.
Sự kiện ông Hải xuống đường với những hành động, lời nói cương quyết đã làm thay đổi nhận thức của người dân về hình ảnh cán bộ - vốn bị ảnh hưởng bởi một bộ phận “sáng vác ô đi tối vác về” - xa dân, cửa quyền, tham nhũng.
Hình ảnh này giúp củng cố niềm tin của người dân về cơ quan công quyền hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại lợi ích cho số đông, dám đụng chạm với các nhóm lợi ích kinh tế có thế lực ngầm chống lưng. “Hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” cũng cho thấy quyền lực người lãnh đạo có thể tạo nên sự thay đổi lớn nếu sức mạnh đó hướng về nhân dân, vì mục đích chung của cộng đồng.
Thực tế, mối quan hệ giữa người dân với chính quyền không phải là những vấn đề “đao to búa lớn” mà là những câu chuyện giản dị, đời thường. Sự gắn kết, chia sẻ giữa cán bộ và nhân dân làm nên sức mạnh cộng đồng, giúp xây dựng, chỉnh trang đô thị từ những việc làm nhỏ nhất. Đó là biểu hiện cụ thể, sinh động của mô hình nhà nước kiến tạo, chính phủ khởi nghiệp, gần dân, hiểu dân và song hành cùng suy nghĩ của người dân.
Tôi rất đồng tình với đề xuất của tiến sỹ Phạm Phương Chi rằng khoa học xã hội có thể nghiên cứu về vai trò của truyền thông và cách thức quản lý truyền thông trong việc tác động, xây dựng và phát triển các chương trình hành động của Chính phủ và cộng đồng qua “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải”, nhằm nhân rộng những việc làm hay, những tấm gương sáng của người lãnh đạo.
Truyền thông là một quyền lực mềm, có sức mạnh ghê gớm trong việc chia sẻ, kết nối thông tin với sự hậu thuẫn của lực lượng lớn độc giả. Nó là công cụ đắc lực để chính quyền phổ biến chủ trương, chính sách, hành động cụ thể nhằm tạo sự kết nối, đồng thuận. Truyền thông chỉ phát huy tác dụng là công cụ của chính quyền khi nói lên được tâm tư, nguyện vọng của dân.
Sức nóng của “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” sẽ giảm theo thời gian, nhiệm vụ của truyền thông là hâm nóng và lan truyền những hiện tượng tương tự để từ câu chuyện vỉa hè, các đô thị sẽ tìm được phương thức tối ưu để bước qua ranh giới “vỉa hè” một cách nhanh nhất, tiến ra “đại lộ” hội nhập cùng các nền văn minh lớn.