Đó là ý kiến của TS Phạm Xuân Hoàng - Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - sau khi đọc bài viết “Cần có nghiên cứu về hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” của TS Phạm Phương Chi trên báo Khoa học và Phát triển số 921. Xin lược đăng ý kiến này.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan từng đề nghị đừng coi Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải là một hiện tượng, bởi ông chỉ thực hiện đúng công việc mà mình phụ trách.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của người nghiên cứu, có thể coi Đoàn Ngọc Hải trong chiến dịch “dọn dẹp vỉa hè” ở TPHCM là một hiện tượng do có khía cạnh đặc biệt, bất thường. Bởi trong bối cảnh bình thường, khi mọi thứ tuân theo đúng trật tự như lẽ ra phải có - vỉa hè dành cho người đi bộ - thì hành động như của ông Hải sẽ không có lý do xuất hiện và nếu xuất hiện cũng không gây hiệu ứng lớn như vừa qua.


Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải

Nhưng bối cảnh trên thực tế hoàn toàn ngược lại, nên sự “tả xung hữu đột” rất quyết liệt của ông Hải mới nổi lên như một hiện tượng gây chú ý lớn. Tuy nhiên, vấn đề đối với các nhà khoa học không phải là tranh cãi xem ông Hải có phải là một hiện tượng hay không, mà là có thể thấy gì xung quanh hành động của ông để từ đó kiến nghị, tư vấn về chính sách.

Tôi đồng tình với đề xuất của TS Phạm Phương Chi - Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - về sự cần thiết có các nghiên cứu về vấn đề truyền thông xung quanh “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải”, bởi chính qua truyền thông mà hình ảnh ông Hải trở thành “bão mạng”. Truyền thông luôn có tính hai mặt.

Với câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, truyền thông đã tôn vinh, tạo hiệu ứng lan tỏa về hình ảnh một nhà lãnh đạo xông xáo, dấn thân “vì nhân dân hành động” thay vì ngồi phòng lạnh ra các chỉ thị. Nhưng truyền thông cũng tạo ra một hình ảnh khác của ông Hải - một vị chỉ huy trận đánh nhiều khi quá cứng rắn, lạnh lùng, thiếu sự gần gũi - bằng cách đặc tả cái chỉ tay, khuôn mặt hình sự...

Từ thực tế đó, theo tôi khoa học xã hội có thể nghiên cứu về vai trò của truyền thông trong việc tạo dựng hình ảnh của cán bộ, nhà lãnh đạo khi thực thi các chính sách của Chính phủ trong các hoạt động phục vụ nhân dân. Việc này có ý nghĩa không nhỏ đối với việc thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang quyết tâm thực hiện.

Với chính phủ kiến tạo, điểm nhấn phải là hướng vào phục vụ. Góp phần vào đó, truyền thông có vai trò tôn vinh, cổ vũ những hành động đẹp, xây dựng và lan tỏa hình ảnh người cán bộ, nhà lãnh đạo hướng vào phục vụ, góp phần loại bỏ lực cản trong tiến trình xây dựng chính phủ kiến tạo.

Câu chuyện “đòi vỉa hè” của Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM Đoàn Ngọc Hải cũng gợi lên nhiều vấn đề khác từ góc nhìn khoa học xã hội như: Chuyện quy hoạch đô thị và dân sinh; thói quen sinh sống lệ thuộc vỉa hè - mà có người gọi là văn hóa vỉa hè; “sức ỳ” của người dân khi pháp luật chưa nghiêm, người thi hành pháp luật chưa ngay thẳng; vấn đề tìm kiếm sự đồng thuận của người dân và tăng cường vai trò của luật pháp trong thiết lập an toàn đô thị...

Cũng từ góc nhìn của một người làm khoa học xã hội, xung quanh “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải”, tôi cho rằng cần có nghiên cứu về các hiệu ứng xã hội qua hành động của ông Hải để nâng cao hiệu lực của pháp luật trong việc điều chỉnh hành vi của công dân và cán bộ, sao cho ai cũng sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật.