Ý tưởng của “Cơm 9 phút” rất đơn giản: đảm bảo rằng những nhân viên công sở bận rộn và cả những người mẹ đi làm ở xa có thể đặt các suất ăn trưa cho bản thân hoặc con cái chỉ trong vòng 9 phút. Nhưng liệu doanh nghiệp này có thể giao hàng trong thời gian ngắn như vậy?

Cơm 9 phút

Giao hàng nhanh

Năm ngoái, khi Cơm 9 phút bắt đầu như một nền tảng gọi đồ ăn trực tuyến ở Hải Phòng, anh Đỗ Minh Phương, đồng sáng lập của công ty đã cố gắng thay đổi hành vi người tiêu dùng để khiến mọi người “ăn ngoài” (thực ra là đặt suất ăn) thường xuyên hơn và bằng hình thức trực tuyến.

Trên thực tế, nhu cầu đồ ăn ship tận nhà của mọi người là rất lớn, đặc biệt sau đại dịch Covid. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán ăn phụ thuộc hoàn toàn vào những đối tác ship (Grab, Loship, Baemin,…) và người tiêu dùng thường bị tính phí khá cao, cộng thêm thời gian chờ đợi lâu.

“Trung bình mỗi khách hàng có thể đặt 2-3 suất ăn. Nếu muốn phục vụ số lượng khách lớn – chẳng hạn như 10.000 suất ăn ở 3.000 địa điểm khác nhau trong vòng một giờ - thì đó là một bài toán lớn về khả năng xử lý đơn hàng và giao hàng mà chưa có đơn vị nào đầu tư riêng”, anh Phương tâm sự.

Cơm 9 phút là một kẻ liều mình như thế. Không giống như GrabFood tổng hợp thực phẩm từ nhiều nhà bếp khi có đơn hàng, Cơm 9 phút chuẩn bị thực phẩm lại bếp ăn của riêng mình - gọi là các xưởng sản xuất - và thông qua một đội xe chuyên biệt để mang chúng đến địa điểm chờ sẵn ở gần những khu vực mà họ biết rằng khách hàng của mình sẽ chuẩn bị đặt lệnh mua.

Nói cách khác, Cơm 9 phút áp dụng triệt để triết lý “Tôi đi giao hàng trước khi bạn đặt mua” của Amazon. Nghĩa là, khi người dùng đặt cơm thì các suất ăn của họ đã ở rất gần, do vậy khoảng cách thực tế từ người giao cơm đến khách hàng chỉ từ 500m đến 1,5km, thậm chí có những khi người giao cơm đã đứng ngay dưới chân tòa nhà văn phòng. Và như thế, họ giải quyết được phần nào bài toán giao hàng trong 9 phút.

Nhưng liệu người shipper có thể đảm bảo rằng sau khi khách hàng thứ nhất nhận cơm trong chín phút, thì người khách thứ hai, thứ ba, thứ tư trong phạm vi gần đó cũng nhận được cơm đúng giờ? Để đối diện với bài toán này, Cơm 9 phút đã kết hợp hai thứ: Một hệ thống AI có khả năng xử lý nhiều đơn hàng và sắp xếp các shipper theo lộ trình tối ưu để đảm bảo họ có thể lần lượt đến từng chỗ giao hàng một cách nhanh chóng và tiết kiệm quãng đường nhất. Và một đội ngũ shipper am hiểu đường phố địa phương đóng vai trò là các “hub” chở sẵn suất ăn.

Mô hình này đã được thử nghiệm và hoàn thiện ở Hải Phòng trong gần một năm. Theo tiêu chí thử nhỏ, sửa nhanh, Cơm 9 phút liên tục điều chỉnh các biến đầu vào để kiểm tra kết quả, ví dụ như vị trí để đặt các “hub”, hay số lượng “hub” để có thể bao quát hết phạm vi.

“Trong 10 ngày đầu tiên, chúng tôi bị chửi lên chửi xuống. Khách hàng gọi điện mắng te tua, bảo đổi thành cơm 90 phút đi. Nhưng đến nay, chúng tôi tự tin khắc phục được những bất cập trong việc tiếp nhận đơn, chế biến các suất ăn để tạo được khả năng giao cơm trong 9 phút mà vẫn đảm bảo tiêu chí cơm ngon, thơm nóng và đúng giờ”, anh Phương nhớ lại.

Trong giai đoạn thử nghiệm cao điểm nhất ở Hải Phòng, họ đã chạy khoảng 250 suất cơm/ngày. Lúc đấy một shipper trong đội xe có thể chở được tối đa 30 suất cơm, và có khoảng hơn chục shipper như thế. Trong giai đoạn thấp điểm chỉ từ 100 suất cơm/ngày, số lượng shipper giảm đi, chỉ còn 4-5 người.

Shipper giao hàng của Cơm 9 phút
Shipper giao hàng của Cơm 9 phút

Các shipper sử dụng những thùng thiết kế riêng được trang bị thiết bị giữ nhiệt và hâm nóng để suất cơm vẫn còn nóng hổi khi đến tay người dùng. Ban đầu, thùng được thiết kế để chở 50 suất, sau đó giảm xuống gần 40 để đảm bảo an toàn khi di chuyển và phiên bản cuối cùng dừng lại ở 30 suất.

Đội ngũ shipper này là những người được thuê theo giờ, làm từ 2 - 2,5 tiếng buổi trưa. Họ thường là những người đã quen chạy cho các hãng gọi xe công nghệ như Grab hay Baemin. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm điều hướng khéo léo của con người và công nghệ hỗ trợ từ ứng dụng giúp Cơm 9 Phút có thể đưa các suất cơm đi gần như ngay lập tức sau khi đặt hàng.

“Bằng cách thuê ngoài như thế, chúng tôi có thể kiểm soát chi phí và linh động thay đổi số lượng “hub” theo nhu cầu. Ngược lại, chúng tôi cũng giúp các anh em shipper hiện nay giải quyết nỗi lo “bom hàng” khi ship đồ ăn hoặc giảm được thời gian chạy rỗng vào buổi trưa”, giám đốc công ty chia sẻ.

Sau một năm thử nghiệm, Cơm 9 phút tự tin nói rằng mình có thể “sống khỏe” ở Hải Phòng. Họ cũng phát hiện ra một điều thú vị: tới 70% các đơn hàng đã được định hình sẵn - đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 5-10 người bỏ tiền ra mua cơm trưa cho nhân viên theo tháng. Như vậy, việc giao hàng chín phút đã trở thành một bài toán đơn giản hơn: định kỳ giao đồ ăn tới một địa điểm biết trước.

Với 30% còn lại là những đơn hàng rải rác khắp thành phố mà họ phải xử lý trong chín phút. Công ty khởi nghiệp này đã phát triển một mô hình AI theo dõi thói quen người dùng và kỳ vọng rằng, trong tương lai, sau một thời gian dài tích lũy dữ liệu, AI này có thể dự đoán và điều chỉnh mức cung-cầu phù hợp. Anh Phương giải thích, “Chẳng hạn nếu tôi biết anh Dũng thường đặt cơm lúc 12h, chị Phương thường ăn lúc 12h5 phút, và hai nơi cách nhau một khoảng thế này, thì AI sẽ dẫn làm sao để bạn shipper đúng 12h chạy qua nhà anh Dũng, sau đó đúng 12h5 phút qua nhà chị Phương. Khi đó, việc giao hàng không còn là con số chín phút nữa mà sẽ là giao hàng đúng giờ”.

Khởi điểm ở Hải Phòng, nhưng Cơm 9 phút nhắm đến những thị trường rộng lớn hơn là Hà Nội và TP.HCM. Startup này có ý định mở dịch vụ của mình ở Hà Nội vào tháng bảy tới, và nếu thuận lợi có thể tiến quân vào TP.HCM vào cuối năm nay. Ở mỗi thành phố, họ ước tính phục vụ khoảng 30.000-40.000 suất ăn/ngày.

Đó sẽ là thách thức không hề nhỏ mặc dù mô hình giao thực phẩm với quy mô từ hàng chục đến hàng trăm nghìn suất mỗi ngày trong vòng 10-15 phút đã được nhiều startup kỳ lân trên thế giới chứng minh là “khả thi” ở các thị trường Ấn Độ (Swiggy,Zomato, Zepto) hay Thổ Nhĩ Kỳ (Getir). Mô hình phân phối lớn này sẽ phải đối mặt với các rủi ro tài chính và vận hành, chẳng hạn như “đốt tiền” vào chi phí cố định để phủ được một diện tích lớn với độ linh hoạt cao, thiếu hụt các shipper trong những thời kỳ nhất định, rủi ro xảy ra tai nạn trên đường, ùn tắc giao thông công cộng hay việc suy giảm chất lượng thực phẩm theo thời gian.

Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu này tại Việt Nam, những người sáng lập ra Cơm 9 phút vẫn tỏ ra lạc quan. “Chúng tôi cố gắng xây dựng các nền tảng chắc chắn ngay từ đầu để khi mở rộng ra sẽ ít rủi ro hơn”, anh Phương nói. “Hiện tại, chúng tôi có thể theo dõi toàn bộ vòng đời của một đơn đặt hàng - từ khi đặt đến khi giao xong. Trong tương lai, bản thân khách hàng sẽ có thể theo dõi toàn bộ quá trình này. Thậm chí, đến lúc một lúc nào đó, khi doanh nghiệp sẵn sàng triển khai các hệ thống truy xuất nguồn gốc thì khách hàng sẽ còn được biết đồ ăn của mình đến từ đâu.”

Tiêu chuẩn hóa thực phẩm

Mặc dù giao hàng trong 9 phút nghe có vẻ ấn tượng, nhưng anh Đỗ Minh Phương nói với Khoa học & Phát triển rằng đó không phải là điều khó nhất mà họ làm. Trong thế giới của những công ty công nghệ thực phẩm (FoodTech), những phần Tech về công nghệ thông tin – như bài toán AI và triển khai app giao hàng – chỉ là một nửa. Nửa còn lại nằm ở những công nghệ sản xuất thực phẩm.

Logic của giao hàng trong 9 phút là bất kỳ ai cũng có thể giao được đơn hàng đó, tức là tất cả các suất ăn đều phải giống nhau trong ngày. Trong một năm thử nghiệp ở Hải Phòng, Cơm 9 phút đã rút ra rằng họ không thể duy trì một món ăn (cơm sườn) liên tục vì người ăn sẽ ngán, nhưng cũng không thể duy trì một ngày có 2-3 suất ăn khác nhau (ví dụ: cơm gà và cơm cá) vì như thế sẽ rất khó để khớp nhu cầu của người đặt hàng với số lượng suất ăn tồn kho tại các “hub” trong 9 phút.

Họ buộc phải chuẩn hóa thức ăn thành một set cơm duy nhất trong ngày và làm ra những suất cơm đủ vượt trội để thu hút người tiêu dùng tiếp tục đặt hàng.

Đó là lúc Cơm 9 phút gặp được anh Phạm Tuấn Hải, một đầu bếp kỳ cựu và từng là giám khảo khó tính của chương trình MasterChef VietNam. “Những tư vấn giải pháp ẩm thực toàn vẹn từ anh Phạm Tuấn Hải đã khiến cho con đường của Cơm 9 phút trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Anh Hải đưa triết lý ‘cơm văn phòng tiêu chuẩn 5 sao’ vào dây chuyền của Cơm 9 phút để chúng tôi có thể tạo ra những suất cơm ngon, chất lượng, đẹp mắt với giá chỉ 35.000 đồng cùng 9.000 đồng phí ship”, anh Phương nói.

CEO Đỗ Minh Phương (phải) cùng đầu bếp Phạm Tuấn Hải chuẩn hóa sản phẩm của Cơm 9 phút.
CEO Đỗ Minh Phương (phải) cùng đầu bếp Phạm Tuấn Hải chuẩn hóa sản phẩm của Cơm 9 phút.

Các tiêu chuẩn ‘5 sao’ này rất đa dạng. Chẳng hạn, các suất ăn được nấu bằng gạo ST25, một trong những loại gạo ngon nhất Việt Nam. Tất cả việc mua sắm nguyên liệu thô cũng được tập trung để đảm bảo tính nhất quán về chất lượng.

Các đầu bếp cũng sáng tạo ra những công thức chế biến sốt riêng để đảm bảo hương vị khiến người ăn thích thú. Thức ăn được chia thành các miếng vuông vắn, đều đặn để tăng sự hấp dẫn và kiểm soát định lượng. Việc đóng gói cũng được thực hiện trên một dây chuyền hoàn toàn tự động nhằm hạn chế các nguy cơ nhiễm khuẩn từ người. Và suất cơm khi giao đến tay người dùng vẫn nóng sốt nhờ các thùng giữ nhiệt.

Cơm 9 phút đang cố gắng tạo ra một tiêu chuẩn mới cho ngành thực phẩm “bữa ăn phục vụ một lần”. Doanh nghiệp đang xây một xưởng sản xuất cơm với dây chuyền tự động hóa hiện đại ở trong lòng Hà Nội. Một hệ thống tương tự cũng sẽ được triển khai ở Hải Phòng để thay thế hệ thống sản xuất thử nghiệm cũ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Những người sáng lập nói rằng họ phải tự đưa ra các thiết kế xưởng vì trên thị trường hầu như không có. Trên thực tế, startup này đã đổ một lượng đầu tư lên tới 5 tỷ đồng vào giai đoạn thử nghiệm và phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho việc sản xuất, giao nhận nhanh ở Hải Phòng. Họ dự kiến huy động số vốn gấp 2-3 lần để bước chân vào thị trường Hà Nội.

Tầm nhìn phía xa

Chỉ sau sáu tháng từ khi ra mắt lần đầu tiên, dự án “Cơm 9 phút” đã lọt vào Top 20 tại TECHFEST 2022 vì những công nghệ tích hợp đằng sau cũng như tính khả thi của nó. Đây là một thành tích đáng ngạc nhiên khi so sánh với những doanh nghiệp khác trong bảng xếp hạng vốn đã hoạt động được vài năm. Dường như các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng gì trong đó.

Anh Đỗ Minh Phương tiết lộ, sản phẩm của Cơm 9 phút hôm nay có thể đang dừng lại ở các món cơm, nhưng sau này có thể là những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, hoặc bán các loại nguyên liệu thực phẩm với thời gian vận chuyển nhanh nhất.

Mấu chốt của mô hình kinh doanh mà Cơm 9 phút theo đuổi là chiếm lĩnh cuộc chơi về chuyển đổi số trong ngành F&B. Họ đã phát triển các công nghệ để tự động hóa việc tiếp nhận đơn hàng, quản trị sản xuất, quản trị giao hàng, thu thập phân tích cơ sở dữ liệu khách hàng để dự đoán nhu cầu khách hàng.Nếu chỉ nhìn vào mô hình kinh doanh, Cơm 9 phút dường như có ưu thế so với các mạng lưới phân phối thực phẩm hiện tại vì nó giữ quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị (từ chuẩn bị thực phẩm đến giao hàng).

Tương lai, khi lượng người dùng đủ lớn với tần suất lặp lại cao, Cơm 9 phút sẽ nắm trong tay thói quen và khẩu vị của một lượng lớn túi tiền chi tiêu về mặt thực phẩm của các gia đình. Thực phẩm là một trong những cơ hội thị trường lớn nhất ở Việt Nam và nếu nhìn sang các thị trường phát triển thì có rất nhiều người chơi trị giá hàng triệu USD đứng trong phân khúc này.