Chiến tranh đang khiến số nhà khoa học lâm vào tình trạng nguy hiểm tăng vọt, và dù có ổn định được công việc ở nước ngoài hay không, đối với họ, tương lai đều không có gì chắc chắn.

Chạy trốn

Khi cuộc chiến ở Syria lan tới Aleppo vào năm 2012, nhà địa lý Mohamed Ali Mohamed phải cùng gia đình chuyển đến một thị trấn cách đó 50km về phía bắc. Hằng ngày anh tiếp tục đi dạy ở ĐH Aleppo bằng xe buýt, bất chấp bom đạn. Năm 2014, Ali Mohamed nhận được lời mời từ Đức. Anh phải chi tiền để một tay buôn lậu đưa mình tới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, anh tìm được đường tới Berlin, nơi anh được nhận học bổng dành cho các nhà khoa học di cư của Alexander von Humboldt Foundation.

Chiến tranh ở Iraq và Syria khiến số lượng các nhà khoa học lâm vào tình trạng nguy hiểm tăng vọt: trong hai năm 2015-2016, hồ sơ đề xuất hỗ trợ gửi tới Council for At-Risk Academics (Cara) ở London tăng từ 3 đến 4 hồ sơ/tuần lên 15 đến 20/tuần, “cao nhất kể từ những năm 1930”, Stephen Wordsworth, giám đốc điều hành Cara, cho biết.

Với nhà sinh học Kassem Alsayed Mahmoud, nguồn cơn cuộc trốn chạy bắt đầu từ năm 2010. Mặc dù đã 36 tuổi và là phó giáo sư tại ĐH Al-Furat, anh vẫn bị quân đội Syria gọi nhập ngũ một năm ở Dayr az Zawr. Nhưng khi chiến tranh bùng nổ, anh được lệnh phải ở lại quân đội cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sau 19 tháng, không thể chịu được nữa, anh quyết định bỏ trốn. “Nếu bị bắt giam, tôi có thể sẽ bị xử tử”, anh nói.

Lúc đầu Alsayed Mahmoud trốn tại nhà bạn bè và người thân bên ngoài khu vực giao tranh. Tháng 9/2012, anh trai anh, người giúp anh lẩn trốn, bị giết trong cuộc chiến ở Dayr az Zawr. “Tình trạng trở nên hết sức nguy hiểm, vì vậy gia đình bắt tôi phải đi ngay lập tức,” Alsayed Mahmoud kể.

Anh bí mật băng qua biên giới để tới Thổ Nhĩ Kỳ, bằng xe máy rồi ô tô. Một người bạn kể với anh về tổ chức Scholars at Risk có trụ sở ở New York. Anh liền liên hệ với họ và nhờ tìm giúp anh một công việc, nhưng lúc đó họ đang ưu tiên cho những người ở tình trạng nguy hiểm hơn.

Kassem Alsayed Mahmoud. Ảnh: Justin Jin/Nature

Vì vậy anh tới Qatar sống với một người anh khác, dù không kiếm được việc ở đó. Năm tiếp theo, anh quyết định trở lại Thổ Nhĩ Kỳ và liên hệ với Scholars at Risk được tổ chức này giới thiệu cho một vị trí postdoc một năm ở Khoa Khoa học thực phẩm, ĐH Ghent, Bỉ. Sau đó, anh xin được học bổng dành cho nhà khoa học di cư của ĐH Free, Brussels (ULB).

Từ tháng 8/2016, anh bắt đầu nghiên cứu những phương pháp phân hủy rác thải khoai tây từ quá trình chế biến công nghiệp – một lĩnh vực thú vị và mới mẻ với anh. Vị trí postdoc một năm của anh được gia hạn thêm một năm nữa, tạo điều kiện cho anh ổn định cuộc sống.

Năm ngoái, Alsayed Mahmoud về Thổ Nhĩ Kỳ cưới người vợ góa của anh trai và trở thành cha của ba đứa trẻ. ULB đang hỗ trợ xin visa cho gia đình anh. Alsayed Mahmoud nhận xét, “Mọi người đều rất tử tế và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Ở đây, tôi luôn cảm thấy mình hòa nhập được với cộng đồng.”

Không phải ai cũng may mắn

Zamir Al Salim, nhà địa chất học Iraq, lại cảm thấy mình không được chào đón tại ngôi trường ở Anh mà anh tới. Anh miêu tả trải nghiệm của mình là “không ai chăm sóc” và thường “cô đơn”.

Câu chuyện di cư của anh bắt đầu từ tháng 6/2014, khi những nhóm khủng bố ISIS tiến vào thành phố quê hương của anh ở Mosul, Iraq. Là một giảng viên đại học và một người không ngại nói thẳng, Al Salim (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết, anh trở thành mục tiêu ám sát. Vì vậy, anh bỏ đến Thổ Nhĩ Kỳ với hành lý là một túi du lịch. Đầu tiên, anh ở nhờ bạn bè, nhưng rồi rời đi vì cảm thấy không thoải mái. Anh không tìm được việc làm, trong khi tiền vơi dần, khiến anh thỉnh thoảng phải ra công viên ngủ cùng nhiều người tị nạn khác.

Tháng 9 năm đó, anh biết tin mình được nhận vào một chương trình tập huấn về quản lý đồ tạo tác ở Nhật Bản, nhưng trước đó anh cần tiền để tới Iraq hoặc Oman để lấy visa. Scholars at Risk cấp cho anh kinh phí tới Oman, và sau đó chương trình tập huấn đài thọ kinh phí cho chuyến đi tới Nhật Bản. Chuyến tập huấn dài hai tháng, anh học cách tiết kiệm được khoảng 200 USD bằng việc chỉ ăn một bữa mỗi ngày.

Sau khi về lại Thổ Nhĩ Kỳ, Cara tìm cho anh một vị trí postdoc một năm ở Anh. Vượt qua khó khăn về visa tháng 1/2015, anh có mặt tại trường. Nhưng niềm vui của Al Salim sớm tàn, trường đại học đón nhận anh đã đưa anh về một khoa chỉ quan tâm về mặt chuyên môn không tạo điều kiện để anh hòa nhập.

Một nhà khoa học, cũng là bạn của Al Salim, đề nghị trường gia hạn học bổng postdoc cho anh nhưng không có kết quả. Vì vậy, cuối năm 2015, Cara đã tìm được một nơi khác cho anh song ở nơi mới, anh “vẫn cảm thấy tồi tệ và cô đơn, thậm chí không muốn đi ra ngoài. Tôi bắt đầu cảm thấy tôi không còn là chính mình nữa”.


Tương lai bất định

Tháng 11/2016, Zamir Al Salim thôi việc và trở về vùng đất do người Kurd kiểm soát ở Iraq, sống nhờ khoản tiền tiết kiệm và cảm thấy ổn hơn trước vì có thể làm gì đó để giúp những người xung quanh, từ sinh viên đến trẻ nhỏ. Ở đây, anh phải ngủ trên sàn, không có nước nóng và thường xuyên bị lạnh nhưng anh cảm thấy gần với gia đình hơn so với khi ở Anh. Anh ao ước trở về Mosul nhưng thành phố vẫn còn những trận giao tranh dữ dội, bạn bè nói với anh là còn quá nhiều nguy hiểm. “Họ nói, có thể tôi sẽ phải ở đó đến hết đời.”

Giống như Salim, hơn 90% nhà khoa học Iraq nhận được sự giúp đỡ của Cara cũng đã trở về.

Nhưng đó không phải là lựa chọn của Ali Mohamed. Anh muốn ở lại Đức, nơi anh “tìm thấy cộng đồng và bè bạn”, mặc dù anh sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những đồng nghiệp đã quen với lề lối làm việc của khoa học phương Tây để giành một công việc ổn định và phù hợp chuyên môn.

“Nhiều nhà khoa học đã phải từ bỏ chuyên môn, trở thành giáo viên hoặc người bán các thiết bị khoa học ở những nước mà họ hiểu biết về văn hóa hoặc thạo ngôn ngữ,” Enno Aufderheide, tổng thư ký của Alexander von Humboldt Foundation, cho biết.
Nếu Syria yên bình, anh sẽ lập tức trở về. Nhưng có rất ít hy vọng. “Tôi không thấy giải pháp hòa bình nào trong vòng năm năm tới,” anh nói. Và dù cho công việc của anh hiện thời khá tốt nhưng không phải mọi nỗi đau buồn đã qua. “Hãy tưởng tượng, anh có nhà, bạn bè, cuộc đời, ký ức – và trong một khoảnh khắc, anh mất đi tất cả.”