Bước vào Phòng Bảo quản hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - nơi đã phục dựng thành công rất nhiều hiện vật quý để trưng bày, có thể thấy rõ sự tập trung cao độ trên nét mặt của mỗi cán bộ đang làm việc.
Một người trong số đó - chị Nguyễn Thị Lan cho biết: “Nguyên tắc hàng đầu của chúng tôi là hạn chế tối đa việc can thiệp trực tiếp vào hiện vật.” Mỗi hiện vật bằng đồng, đá, giấy, gỗ, hay vải… đều có những đặc tính riêng mà nếu không am hiểu thì bất kỳ thao tác nào của người làm công tác bảo quản cũng có thể làm biến đổi hiện vật.
Được biết, bảo quản đồ dệt là khó nhất, chỉ riêng tác động của ánh sáng và tia cực tím cũng đủ khiến nó phai màu và trở nên dễ bị rách, mủn... Nhưng ngay cả những hiện vật thuộc loại chất liệu bền như đồng hay đá, nếu không được vệ sinh đúng cách cũng có thể bị xước bề mặt. Công việc bảo quản bởi vậy đòi hỏi rất nhiều hiểu biết và sự công phu, tỉ mỉ ở các cán bộ chuyên môn.
Lê Phượng